Cần Thơ: Yêu cầu dừng việc tiêm mỹ phẩm dùng để bôi thoa vào da mặt bệnh nhân

Ngày 8/10/2024, Sở Y tế nhận được Công văn số 733/BVDL-TCCB.HCQT của Bệnh viện Da liễu thành phố về việc báo cáo chấn chỉnh việc quản lý và sử dụng sản phẩm mỹ phẩm.

Bệnh viện Da liễu thành phố Cần Thơ

Ngày 25/11, Sở Y tế thành phố Cần Thơ có Thông cáo báo chí về việc quản lý và sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm tại Bệnh viện Da liễu thành phố Cần Thơ.

Theo đó, ngày 8/10/2024, Sở Y tế nhận được Công văn số 733/BVDL-TCCB.HCQT của Bệnh viện Da liễu thành phố về việc báo cáo chấn chỉnh việc quản lý và sử dụng sản phẩm mỹ phẩm.

Ngày 22/11/2024, Thanh tra Sở Y tế nhận được đơn tố cáo ghi ngày 4/11/2024 liên quan nội dung nêu trên. Đến ngày 25/11, Sở Y tế ban hành Công văn số 5327/SYT-NVY về việc ngừng sử dụng các quy trình kỹ thuật bằng phương pháp lăn kim, vi kim tại Bệnh viện Da liễu thành phố Cần Thơ.

Đồng thời, Sở Y tế chỉ đạo bộ phận nghiệp vụ và Thanh tra Sở khẩn trương kiểm tra, xác minh các nội dung về triển khai quy trình kỹ thuật chuyên môn, thuốc, mỹ phẩm được sử dụng tại bệnh viện. Ngay sau khi có kết luận, Sở Y tế sẽ báo cáo về Bộ Y tế.

Đây là động thái được đưa ra sau khi có nghi vấn Bệnh viện Da liễu thành phố Cần Thơ sử dụng “phương pháp vi kim… dẫn thuốc và tái tạo collagen cho người bệnh.”

Cụ thể, theo phản ánh của bệnh nhân, Bệnh viện sử dụng 4 loại mỹ phẩm (Goodndoc Hydra B5 Serum; Goodndoc Vitamin C-16.5 Daily Whitening Serum; Beauty Skin Vita C; Beauty Skin EGF MOISTURE) dùng máy tiêm dưỡng chất Hydro Injector II tiêm vào da mặt cho người bệnh trong thời gian dài.

Theo phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm do Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cấp và hướng dẫn sử dụng, các loại mỹ phẩm trên đều thuộc dạng kem, nhũ tương, sữa, gel hoặc dầu dùng để bôi ngoài da (mặt, chân, tay…), không được hướng dẫn sử dụng bằng đường tiêm hay vi kim.

Bệnh viện Da liễu thành phố Cần Thơ là đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Y tế thành phố. Ngày 13/9/2024, Sở Y tế nhận được Công văn số 683/BVDL của Bệnh viện Da liễu thành phố về việc sử dụng các sản phẩm bằng máy tiêm dưỡng chất đa kim.

Sau khi nhận được Công văn số 683/BVDL, Sở Y tế ban hành Công văn số 4309/SYT-NVD ngày 26/9/2024 về việc chấn chỉnh việc quản lý và sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm.

Trước đó, ngày 22/11, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Giám đốc Sở Y tế thành phố Cần Thơ yêu cầu xử lý thông tin nghi vấn bệnh viện ở Cần Thơ tiêm mỹ phẩm thoa vào da. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu Giám đốc Sở Y tế thành phố Cần Thơ chủ động, chỉ đạo Bệnh viện Da liễu làm rõ sự việc; rà soát toàn bộ các quy trình chuyên môn kỹ thuật, các căn cứ thực hiện kỹ thuật áp dụng trong bệnh viện và xử lý nghiêm các sai phạm của cá nhân, tập thể (nếu có).

Giải trình về “phương pháp vi kim… dẫn thuốc và tái tạo collagen cho người bệnh,” Bác sỹ Chuyên khoa 2 Lê Văn Đạt, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Cần Thơ cho biết, kỹ thuật điều trị bệnh da sử dụng phương pháp vi kim dẫn thuốc và tái tạo collagen (đối với 4 dưỡng chất mỹ phẩm này) được bệnh viện áp dụng thực hiện từ năm 2022, hiện nay đã tạm ngưng do đứt nguồn cung.

Bệnh viện có thực hiện thủ thuật tiêm dưỡng chất qua da bằng vi kim đối với các mỹ phẩm được đề cập. Tuy nhiên, vi kim khác với phương pháp tiêm vì nó là xâm lấn tối thiểu.

“Bộ Y tế cấp phép lưu hành sản phẩm và chúng tôi cũng dùng sản phẩm theo chỉ định của nhà sản xuất. Nhà sản xuất cho phép thoa để đưa dưỡng chất vào sâu trong da, khi nào nhà sản xuất ghi chống chỉ định đưa vào da mới không thể dùng phương pháp này. Chúng tôi khẳng định sản phẩm và kỹ thuật an toàn 100%," ông Đạt nói.

Tuy nhiên, trả lời thắc mắc của phóng viên, Giám đốc Công ty nhập khẩu và phân phối dược mỹ phẩm Goodndoc (một trong 2 thương hiệu mỹ phẩm được Bệnh viện Da liễu Cần Thơ đưa vào toa mẫu, dùng máy tiêm dưỡng chất Hydro Injector 2 tiêm vào da mặt cho người bệnh) khẳng định: Tất cả sản phẩm của Goodndoc đều chỉ định bôi thoa, tức dùng tay thoa dưỡng chất lên mặt chứ không phải hàng tiêm, xâm lấn rất nhỏ cũng không được, ngay cả lăn kim cũng không./.