Xã hội hóa xuất bản sách giáo khoa: Thành tựu của đổi mới toàn diện giáo dục

Kết quả bước đầu trong thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa đã khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế, là cơ sở để đạt được mục tiêu của đổi mới giáo dục.

Giới thiệu sách giáo khoa Cánh diều theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Nghị quyết 88 năm 2014 của Quốc hội với chủ trương thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa được đánh giá là chủ trương có tính đột phá, phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại, huy động các lực lượng xã hội tham gia chia sẻ, giảm tải gánh nặng cho ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư công cho giáo dục.

Giờ đây, với một chương trình thống nhất, sách giáo khoa trở thành học liệu, thầy cô và học sinh được linh hoạt sử dụng, tiếp cận nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau. Qua đó, người dạy và người học được chủ động tiếp thu kiến thức, sáng tạo trong học tập, có nhiều cách tiếp cận mới, nhiều sự lựa chọn hơn.

Kết quả bước đầu trong thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa đã khẳng định, đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế hiện nay, là cơ sở để đạt được mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đổi mới giáo dục.

Thành tựu bước đầu

Trong 10 năm qua, từ khi có Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013, về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đến nay, giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, không chỉ đổi mới các vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, mà còn đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học.

Đối với giáo dục phổ thông, tập trung đổi mới chương trình giáo dục và sách giáo khoa. Trong đó, lần đầu tiên nước ta thực hiện xã hội hóa biên soạn, xuất bản sách giáo khoa. Đây là một thành tựu của đổi mới giáo dục.

Bước vào thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, nếu tiếp tục mô hình giáo dục đồng nhất, khép kín, tập trung thì nguy cơ nước ta sẽ tụt hậu về nhân lực và vốn con người. Vì vậy, Nghị quyết số 29-NQ/TW đã xác định: “Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo”.

Để xây dựng một nền giáo dục mở, chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa… cần thiết phải xóa bỏ mô hình học sinh cả nước chỉ học một bộ sách giáo khoa.

Sách giáo khoa do Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành. ((Ảnh: PV/Vietnam+)

Năm 2014, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13, đã khẳng định chủ trương của Đảng khi nhấn mạnh: Để chủ động triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn.

Luật Giáo dục 2019, là văn bản mang tính pháp lý cao nhất, quy định: “Mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa; việc xuất bản sách giáo khoa thực hiện theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, Nghị quyết 88/2014/QH13 và Luật Giáo dục 2019 là thể chế hóa đường lối giáo dục của Đảng thực hiện một chương trình giáo dục và nhiều sách giáo khoa theo xu hướng chung của thế giới.

Đến năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức ban hành Chương trình Giáo dục Phổ thông tổng thể và chương trình các môn học/hoạt động giáo dục (gọi là Chương trình Giáo dục Phổ thông năm 2018).

Đây là chương trình giáo dục được biên soạn chi tiết, theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của người học, tăng yếu tố thực tiễn, thực hành, trải nghiệm; dành quyền chủ động nhiều hơn cho địa phương, cơ sở giáo dục và giáo viên.

Một chương trình và có nhiều bộ sách giáo khoa, trong đó, chương trình mang tính pháp lệnh, đảm bảo các trường phổ thông trên cả nước dạy học thống nhất theo nội dung, yêu cầu cần đạt của chương trình. Nội dung sách giáo khoa đóng vai trò là học liệu.

Đây là sự thay đổi rất lớn, lần đầu tiên Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục chi tiết trước khi xây dựng sách giáo khoa. Như vậy, chương trình giáo dục hướng đến phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực theo từng cá nhân học sinh, tăng cường tính mở, tính dân chủ và xã hội hóa. Đây chính là nền giáo dục mang tính nhân bản và khai phóng.

Với tinh thần đổi mới như trên, nhiều nhà xuất bản, các nhà khoa học, nhà giáo dục, giảng viên, giáo viên trong cả nước đã tích cực tham gia xây dựng 5 bộ sách giáo khoa khác nhau. Tuy nhiên, cho đến nay nước ta có ba bộ sách giáo khoa chính thức, được xuất bản bằng hình thức xã hội hóa.

Đó là bộ “Chân trời sáng tạo” và “Kết nối tri thức với cuộc sống” do Nhà Xuất bản Giáo dục chủ trì và Bộ “Cánh diều” của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp chủ trì.

Mặc dù vẫn còn một số vấn đề chưa tối ưu với điều kiện của một số địa phương và giá cả sách giáo khoa còn cao, nhưng ba bộ sách giáo khoa này đều có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu của Chương trình Giáo dục Phổ thông năm 2018.

Đây là lần đầu tiên nước ta xây dựng và xuất bản sách giáo khoa hoàn toàn bằng xã hội hóa. Việc thẩm định sách giáo khoa thông qua một Hội đồng Thẩm định Quốc gia, do Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập. Khi sách giáo khoa là học liệu, thì học liệu càng phong phú sẽ càng tốt để phục vụ dạy học, triển khai chương trình. Giáo viên được trao quyền chủ động trong chọn ngữ liệu, chọn bài tập phù hợp, phát huy sự năng động, chủ động, sáng tạo của họ.

Mỗi trường, căn cứ vào chuẩn đầu ra, nội dung có tính chất định hướng trong Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 để xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường. Như vậy, hướng đến cùng đạt theo chuẩn đầu ra của chương trình, nhưng cách thức đạt đến chuẩn đó thì dành sự chủ động cho nhà trường.

Bên cạnh đó, triển khai một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa đã huy động được nguồn lực, trí tuệ xã hội rất lớn cùng tham gia biên soạn sách; đồng thời, tạo môi trường cạnh tranh để học sinh, giáo viên có được những bộ sách giáo khoa tốt nhất. Đã có hơn 1.000 nhà giáo, nhà khoa học tham gia biên soạn sách giáo khoa.

Cho đến thời điểm này, triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã đi được 2/3 chặng đường. Đến năm 2025, việc triển khai sẽ kết thúc một lộ trình. Bộ Giáo dục và Đạo tạo đã phối hợp với địa phương chỉ đạo chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng học, phòng học bộ môn, tập huấn giáo viên, chỉ đạo đổi mới dạy học và kiểm tra, đánh giá và chuẩn bị ban hành Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025.

Việc triển khai Chương trình GDPT 2018 thời gian đầu có nhiều lúng túng, thiếu cơ sở vật chất, thiếu giáo viên giảng dạy các môn mới, môn học tích hợp… nhưng dần dần nhà trường, thầy cô đã từng bước thực hiện được một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa. Việc thẩm định sách giáo khoa tại Bộ Giáo dục-Đào tạo và chọn sách giáo khoa tại các địa phương đi vào nền nếp và sẽ cải tiến việc chọn sách giáo khoa theo hướng giao quyền chủ động cho các trường.

Cần cơ chế bình đẳng trong xuất bản sách giáo khoa

Quá trình chuyển đổi vai trò từ Nhà nước xuất bản và độc quyền, sang xã hội hóa xuất bản sách giáo khoa còn nhiều bất cập, cần được điều chỉnh đồng bộ để tối ưu hơn.

Điều này phụ thuộc vào sự tham gia xây dựng của xã hội, sự hợp tác giữa Nhà nước, các doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà giáo dục nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Theo nhiều chuyên gia, để phát huy hơn nữa hiệu quả của xã hội hóa sách giáo khoa cần có cơ chế bình đẳng trong xuất bản sách giáo khoa và tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề này.

Chị Trịnh Thị Nhung (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) lựa chọn sách giáo khoa cho năm học mới tại Nhà sách Giáo dục (thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). (Ảnh: Nguyên Dung/TTXVN)

Phó Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết với kinh nghiệm trong lĩnh vực biên soạn, xuất bản phát hành sách giáo khoa, đơn vị đã tham gia tích cực vào xã hội hóa sách giáo khoa.

Với tư cách là một nhà xuất bản nhưng đồng thời là một cơ quan trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có thành quả biên soạn sách giáo khoa theo chương trình 2018. Trên thị trường sách giáo khoa có 3 bộ sách giáo khoa lớn, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đóng góp 2 bộ là bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và Bộ Chân trời sáng tạo. Hai bộ có đầy đủ sách giáo khoa của tất cả các môn học từ lớp 1-12, các hoạt động giáo dục theo cấu trúc của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hai bộ sách được đa số các cơ sở giáo dục phổ thông trên toàn quốc lựa chọn và sử dụng. Điều này cho thấy Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam nhanh chóng thích ứng chủ trương xã hội hóa , đóng góp tích cực vào thành công của chủ trương.

Về giá thành sách, nhà xuất bản đã nỗ lực hết mình, trong cân đối và điều chỉnh sách giáo khoa, để có lợi nhất cho người sử dụng. Thực hiện các chỉ đạo của các cấp lãnh đạo quản lý, đồng thời xác định trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà xuất bản xác định việc hỗ trợ cho giáo viên, học sinh là giảm chi phí, đảm bảo an sinh xã hội là mục tiêu quan trọng.

Từ năm học 2024-2025, nhà xuất bản đã thực hiện điều chỉnh giảm giá sách giáo khoa. Cụ thể, đối với sách giáo khoa tái bản, cụ thể là các lớp 1,2,3,4, 6,7,8, 10, 11, Nhà xuất bản đã rà soát các khoản mục chi phí, đặc biệt là chi phí tổ chức bản thảo, chi phí lưu thông để giảm giá sách giáo khoa. Giá sách giáo khoa tái bản các lớp trên được giảm đáng kể. Cụ thể, bộ sách kết nối tri thức với cuộc sống giảm 9,6% và bộ Chân trời sáng tạo giảm 11,2% so với giá bìa. Còn với sách giáo khoa mới tức là xuất bản lần đầu tiên, với lớp 5, lớp 9 và lớp 12, Nhà xuất bản cũng thực hiện xây dựng giá sách theo cơ cấu giá đã giảm với sách tái bản.

Đây là nỗ lực hết sức của hệ thống nhà xuất bản để có giá sách giáo khoa phù hợp nhất và thấp nhất, với mục tiêu là hỗ trợ giáo dục, an sinh xã hội. Nhà xuất bản thực hiện đúng quy trình kê khai giá với Bộ tài chính, Cục Quản lý giá để đảm bảo chính xác rõ ràng bảo vệ quyền lợi của học sinh và người dùng. Bảng giá sách giáo khoa được niêm yết đầy đủ công khai tại các điểm bán sách trên toàn quốc và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, hiện nay tổ chức kinh doanh, tổ chức xuất bản in phát hành sách khác nhau đang có cơ chế xuất bản không bình đẳng. Doanh nghiêp tư nhân hoặc có cổ phần tư nhân được quyền chủ động trong việc tổ chức in ấn, phát hành, chủ động mua sắm vật tư, chủ động in trực tiếp, không nhất thiết, không bắt buộc phải thực hiện các quy trình về đấu thầu như doanh nghiệp nhà nước cho nên tiến độ, thời gian thực hiện in ấn phát hành rất ngắn gọn, chủ động, tạo ưu thế trong sản xuất, kinh doanh, tiếp cận khách hàng, tiếp cận người sử dụng sách, giáo viên và học sinh.

Trong khi đó, Nhà Xuất bản Giáo dục phải trải qua quá trình rất dài và các công đoạn khác nhau của việc tổ chức đấu thầu. Do dó Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam mong muốn nhà nước có cơ chế chính sách bình đẳng đối với các nhà xuất bản trong hoạt động xuất bản in ấn, phát hành sách giáo khoa.

Ông Trương Xuân Cừ, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng Nhà nước không tham gia trực tiếp vào biên soạn sách giáo khoa nhưng sẽ cần tăng cường về công tác thẩm tra, thanh tra, đôn đốc, xét duyệt. Đây là bước cực kỳ quan trọng để xem xét bộ sách giáo khoa đó có đáp ứng được chương trình, nội dung của sách có đảm bảo việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

“Dù muốn hay không, dù là xã hội hóa hay tư nhân thì quy trình chất lượng thẩm định sách giáo khoa cuả Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn là quyết định, để khẳng định cơ quan thẩm định là cơ quan Nhà nước cao nhất” - ông Cừ nhấn mạnh.

Cũng theo ông Trương Xuân Cừ, để nâng cao nhận thức cho cộng đồng về xã hội hóa sách giáo khoa cần phải tăng cường tuyên truyền về sự nghiệp giáo dục là của toàn đảng, toàn dân, mục đích của đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, mục đích của chương trình nhiều bộ sách giáo khoa. Khi người dân nhận thức đúng về chủ trương thì việc thực hiện xã hội hóa sách giáo khoa rất thuận lợi.

Bên cạnh đó cần nâng cao trách nhiệm của các nhà xuất bản để có những bộ sách thực sự chất lượng, đáp ứng yêu cầu quản lý của các cơ quan quản lý giáo dục và các cơ quan quản lý theo chức năng, có giá cả hợp lý. Nhà nước cũng có thể có chính sách trợ giá sách giáo khoa cho vùng nghèo, hộ nghèo, vùng đặc biệt khó khăn.

Ở góc độ quản lý giáo dục, ông Nguyễn Như Tùng, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình (Hà Nội) cho rằng việc có nhiều bộ sách giáo khoa, có nhiều thuận lợi, giúp giáo viên có nhiều tài liệu để tham khảo để dạy học; tạo nhiều lựa chọn cho học sinh có thể chọn được bộ sách có hình ảnh đẹp, chất lượng tốt. Tuy nhiên, ở một số khối lớp, việc bố trí các chương (trong sách) chưa được đồng thuận, thống nhất (có sách bố trí ở đầu sách, có sách bố trí ở cuối sách) dẫn đến khó khăn trong việc kiểm tra đánh giá chung trên toàn quận. Do đó các nhà xuất bản trong những lần tái bản tiếp theo, các bộ sách sẽ thống nhất với nhau về thứ tự các chương trong cùng một khối lớp, thống nhất chương trình, đặc biệt chương trình liên môn kiến thức của môn học này để phục vụ môn học khác.

Trong thời gian tới, các nhà xuất bản cũng cần tiếp tục rà soát chi phí để có giá thành tốt hơn nữa cho người dân, để phụ huynh và học sinh giảm bớt chi phí mua sách giáo khoa./.