VPI: Giá xăng dự báo tăng từ 2,4-2,6% trong kỳ điều hành ngày 28/3
VPI dự báo giá xăng bán lẻ trong kỳ điều hành ngày 28/3 có thể tăng 548-639 đồng, đưa giá xăng lên mức 23.758 đồng/lít (E5 RON 92) và 24.919 đồng/lít (RON 95-III).
Mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng Machine Learning của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho thấy, tại kỳ điều hành ngày mai 28/3, giá xăng bán lẻ xăng dự báo sẽ tăng từ 2,4-2,6% và Liên bộ Tài chính-Công Thương có thể sẽ tiếp tục trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với dầu mazut.
Theo ông Đoàn Tiến Quyết, chuyên gia phân tích dữ liệu của VPI, mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng mô hình mạng nơ ron nhân tạo (Artificial Neural Network - ANN) và thuật toán học có giám sát (Supervised Learning) trong Machine Learning của VPI dự báo giá xăng bán lẻ trong kỳ điều hành ngày 28/3 có thể tăng 548-639 đồng, đưa giá xăng lên mức 23.758 đồng/lít (E5 RON 92) và 24.919 đồng/lít (RON 95-III).
VPI cũng dự báo giá dầu bán lẻ kỳ này có xu hướng giảm, trong đó giá dầu diesel giảm khoảng 1,4% về mức 20.715 đồng/lít, giá dầu hỏa giảm khoảng 1,3% về mức 20.982 đồng/lít.
Chuyên gia Đoàn Tiến Quyết lưu ý kỳ này rất có thể giá dầu mazut có sự thay đổi bất ngờ do xu hướng tăng giảm của sản phẩm này không rõ rệt.
Mô hình của VPI dự báo kỳ này Liên bộ Tài chính-Công Thương có thể sẽ tiếp tục trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá dầu phiên 25/3 tăng mạnh sau khi Chính phủ Nga yêu cầu hạn chế sản lượng dầu. Chốt phiên này, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 1,55%, lên 86,75 USD/thùng; giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,64%, lên 81,95 USD/thùng.
Tính từ đầu năm đến ngày 23/3, giá dầu Brent đã tăng gần 11% và giá dầu WTI tăng khoảng 12,5% do kỳ vọng về việc hạ lãi suất tại các nền kinh tế lớn trong mùa Hè và tình hình căng thẳng địa chính trị tại Đông Âu và Trung Đông.
Trong khi đó, Nga đã yêu cầu các công ty giảm sản lượng dầu trong quý 2/2024 để đạt mục tiêu sản xuất 9 triệu thùng/ngày vào cuối tháng Sáu, phù hợp với cam kết đã đưa ra với Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+.
Ông Hiroyuki Kikukawa, chuyên gia của NS Trading, một đơn vị thuộc công ty chứng khoán Nissan Securities, cho biết các hành động quân sự nhắm vào các cơ sở năng lượng tại Nga và Ukraine đã làm dấy lên mối lo ngại về nguồn cung.
Trong khi đó, công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết số lượng giàn khoan dầu của Mỹ giảm 1 giàn xuống 509 giàn trong tuần trước, cho thấy nguồn cung tương lai có khả năng sẽ bị thắt chặt./.