Việt Nam tham dự Hội chợ thực phẩm đồ uống lớn nhất Vương quốc Anh
Các gian hàng Việt Nam ở hội chợ thu hút khách tham quan với các sản phẩm trái cây tươi như sầu riêng, thanh long ruột đỏ, măng cụt Lái Thiêu; hải sản đông lạnh; bún phở khô các loại; càphê...
Với sự hỗ trợ của Thương vụ Việt Nam tại Anh, 8 doanh nghiệp Việt Nam đã trưng bày và giới thiệu các sản phẩm thực phẩm và đồ uống tại Hội chợ thực phẩm đồ uống quốc tế (IFE) 2024, diễn ra từ ngày 25-27/3 tại ExCel, Trung tâm triển lãm quốc gia lớn nhất London của Anh.
Là hội chợ quốc tế thường niên chuyên ngành thực phẩm đồ uống lớn nhất Vương quốc Anh, IFE năm nay thu hút gần 1.000 doanh nghiệp đến từ 102 quốc gia và 27.000 khách thương nhân Anh và quốc tế.
Được đánh giá là sự kiện thành công nhất tại Anh trong việc kết nối các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng dịch vụ, bán buôn, bán lẻ, phân phối, xuất nhập khẩu thực phẩm, hội chợ là cơ hội để các doanh nghiệp tham gia khám phá các cơ hội kinh doanh mới, gặp gỡ trực tiếp khách hàng tiềm năng, đánh giá nhu cầu và xu hướng tiêu dùng trong ngành thực phẩm tại thị trường Anh và quốc tế.
Các gian hàng Việt Nam tại hội chợ thu hút khách tham quan với các sản phẩm trái cây tươi như bưởi, ổi, sầu riêng, thanh long ruột đỏ, măng cụt Lái Thiêu; hải sản đông lạnh; bún phở khô các loại; càphê và trà các loại; các sản phẩm dừa như nước dừa, sừa sấy, dầu dừa; các sản phẩm từ gừng…
Bà Hoàng Lê Hằng, Bí thư thứ nhất, Thương vụ Việt Nam tại Anh, cho biết IFE có bề dày lịch sử hơn 40 năm, là nơi hội tụ của các doanh nghiệp hàng đầu về thực phẩm, tạo cơ hội lớn để doanh nghiệp gặp gỡ trực tiếp khách hàng tiềm năng và nắm bắt xu hướng thị trường.
Bà Hằng cho hay các doanh nghiệp không có điều kiện tham dự trực tiếp vẫn có thể quảng bá sản phẩm bằng cách gửi hàng mẫu sang trưng bày tại gian hàng của Thương vụ Việt Nam ở hội chợ.
Bà đánh giá Anh là một thị trường rất tiềm năng đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, dẫn chứng trong 3 năm qua, xuất khẩu Việt Nam sang Anh liên tục tăng trưởng và dự kiễn sẽ tiếp tục đà tăng trưởng này.
Bí thư thứ nhất, Thương vụ Việt Nam tại Anh cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng cơ hội tham gia các hội chợ như IFE để khẳng định có đủ khả năng cung ứng nguồn hàng ổn định, chất lượng cao, thân thiện với môi trường và đa dạng, phong phú.
Bà Marina Stewart, Quản lý bán hàng quốc tế thuộc Ban tổ chức IFE, cho biết với các công ty muốn thâm nhập vào thị trường Anh, IFE chính là nơi cần đến bởi đây là cầu nối giữa các nhà sản xuất và các nhà bán lẻ, phân phối, bao gồm các hệ thống siêu thị lớn tại Anh như Sainsbury, Tesco, Iceland, Aldi. IFE cũng là hội chợ duy nhất có các doanh nghiệp tham dự nằm trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm từ sản xuất nguyên liệu, sản xuất sản phẩm đến đóng gói và dịch vụ ăn uống, tạo điều kiện để doanh nghiệp tìm bạn hàng trong mọi lĩnh vực của ngành thực phẩm.
Bà Stewart bày tỏ mong muốn trong tương lai ngày càng có nhiều sản phẩm Việt Nam có mặt tại IFE trong bối cảnh nhu cầu gia tăng đối với hàng Việt Nam tại Anh, đặc biệt là các sản phẩm từ thực vật, sản phẩm hữu cơ và sản phẩm tốt cho sức khỏe.
Tham dự hội chợ, bà Nguyễn Thị Hạnh Hương, Giám đốc vận hành, Công ty xuất nhập khẩu Bến Tre Betrimex, cho biết công ty tham dự IFE như một sự đầu tư để tiếp cận với các khách hàng tiềm năng, trong đó có các chuỗi bán lẻ lớn của Anh. Hiện nay Betrimex đã xuất khẩu sang 70 nước trên thế giới, trong đó có Anh với hơn 20 khách hàng lớn.
Công ty nhận thấy thị trường Anh vẫn còn dư địa rất lớn đối với các sản phẩm từ dừa của công ty trong bối cảnh nhu cầu của thị trường này đang gia tăng đối với các sản phẩm từ thực vật...
Ông Huỳnh Văn Tấn, Tổng giám đốc Công ty Camimex (Cà Mau) doanh nghiệp xuất khẩu trên 10.000 tấn thủy sản/năm đến hơn 40 quốc gia trên thế giới, cho biết công ty tham gia IFE với mong muốn mở rộng thị phần và tăng doanh thu tại một thị trường phát triển như Anh.
Ông Tấn mong muốn sẽ nhận thêm sự hỗ trợ từ Thương vụ Việt Nam tại Anh trong việc kết nối Canimex nói riêng và Cà Mau nói chung với các nhà phân phối tại Anh.
Đồng quan điểm này, bà Hương hy vọng Thương vụ Việt Nam tại Anh tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp tại Việt Nam trong tiếp cận khách hàng, tiếp cận thị trường, phân tích thông tin khách hàng, giúp các doanh nghiệp đưa những sản phẩm của Việt Nam đến gần hơn với khách hàng Anh và quốc tế.
Bà Hương cũng mong muốn Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quảng bá cho các sản phẩm Made in Vietnam, đặc biệt là việc tài trợ cho doanh nghiệp tham dự các hội chợ quốc tế lớn.
Với quy mô dân số 68 triệu có thu nhập bình quân đầu người cao, thị hiếu tiêu dùng đa dạng, Anh là thị trường tiềm năng đối với các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nông sản, thực phẩm. Anh hiện nhập khẩu khoảng 40% tổng nhu cầu lương thực-thực phẩm, trong đó có gần 12,5 tỷ bảng rau quả; gần 8,45 tỷ bảng đồ uống các loại; hơn 6 tỷ bảng ngũ cốc; và hơn 4,8 tỷ bảng càphê.
Trong tháng Một vừa qua, giá trị xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Anh đạt gần 780,5 triệu USD, tăng hơn 57% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó Việt Nam đạt thặng dư thương mại hơn 730,9 triệu USD.
Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều tăng trưởng tốt, đặc biệt là nông sản như càphê tăng 218,5%; hạt điều tăng gần 61%; hạt tiêu tăng hơn 60%; rau quả tăng hơn 56%; và thủy sản tăng hơn 26%.
Năm 2023, nhiều nông sản xuất khẩu sang Anh cũng tăng trưởng cao như rau quả tăng gần 17% (24,3 triệu USD); hạt điều tăng 13% (gần 97,8 triệu USD); càphê tăng hơn 11% (hơn 101,1 triệu USD). Tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Anh đạt hơn 770 triệu USD vào năm ngoái, chiếm tỷ trọng hơn 12% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Anh./.