Thái Bình thúc đẩy hợp tác đầu tư và thương mại với các địa phương của Đức
Với vị trị địa lý thuận lợi trong tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội-Hải Phòng Quảng Ninh và lợi thế về cơ sở hạ tầng công nghiệp, Thái Bình là một điểm đến đầu tư hấp dẫn với các doanh nghiệp Đức.
Trong các ngày từ 25-27/3, đoàn xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Bình do ông Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh dẫn đầu, đã có chuyến thăm và làm việc với một số địa phương và tổ chức doanh nghiệp tại Cộng hòa Liên bang Đức, nhằm kết nối, đẩy mạnh hợp tác thương mại và kêu gọi đầu tư trực tiếp của Đức vào các dự án của tỉnh.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hanover (Hannover), thủ phủ và là thành phố lớn nhất của bang Lower Saxony (Niedersachsen).
Ông Thomas Hermann, Thị trưởng Hanover, đã thân mật đón đoàn tại Tòa thị chính và giới thiệu về mọi mặt của Hanover như một thành phố đa dạng và rộng mở, mang đậm không khí quốc tế với nhiều sắc dân, có sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại.
Hanover là một trung tâm kinh tế, công nghiệp, hội chợ triển lãm quốc tế của Đức và được mệnh danh là thành phố sáng tạo.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Khắc Thận cho biết Thái Bình là một tỉnh có truyền thống về sản xuất lúa gạo, là vựa lúa của khu vực phía Bắc hiện nay, có nền nông nghiệp rất phát triển trong những năm vừa qua.
Với quyết tâm phát triển mạnh mẽ và toàn diện, từ năm 2020 đến nay, chính quyền tỉnh Thái Bình đã tập trung phát triển công nghiệp và đã được Chính phủ cho phép thành lập Khu kinh tế ven biển tỉnh Thái Bình, với diện tích trên 30.000ha, trong đó có 22 khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ.
Để cụ thể hóa mục tiêu phát triển, từ năm 2020 đến nay Thái Bình đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các khu vực kinh tế lớn của Việt Nam như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Với những nỗ lực đó, Thái Bình đang là điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trở thành địa phương đứng thứ 5 trên cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2023, với trên 10 dự án FDI đăng ký mới, có tổng vốn trên 3 tỷ USD.
Cũng theo Chủ tịch tỉnh Nguyễn Khắc Thận, Đức là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu hiện nay, nhà đầu tư lớn thứ 18 vào Việt Nam. Thêm vào đó, Hanover là địa phương nổi tiếng về công nghiệp, là lĩnh vực mà tỉnh Thái Bình đang đặt mục tiêu phát triển.
Ông bày tỏ mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai địa phương Thái Bình và Hanover trong thời gian tới. Tỉnh Thái Bình cũng mong muốn kêu gọi đầu tư của Đức vào các lĩnh vực như y tế, dược phẩm, hợp tác lao động...
Tới đây, tỉnh sẽ thành lập Khu công nghiệp dược sinh học đầu tiên của cả nước để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực y tế vào Việt Nam.
Cũng tại Tòa thị chính Hanover, trước sự chứng kiến của Thị trưởng Thomas Hermann và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Khắc Thận, ông Vũ Kim Cứ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình và ông Peter Eisenschmidt, Giám đốc bộ phận quốc tế của công ty phát triển kinh tế chung của thành phố và vùng Hanover (Hannoverimpuls GmbH) đã ký Bản ghi nhớ (MoU) khẳng định mong muốn chung của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình và Hannoverimpuls GmbH trong việc duy trì và tăng cường hợp tác, hiểu biết lẫn nhau nhằm mục đích thúc đẩy đầu tư và phát triển quan hệ kinh doanh giữa Việt Nam và Đức.
Với MoU này, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình và Hannoverimpuls thống nhất hợp tác trong việc hỗ trợ các công ty từ vùng Hanover mở rộng hoạt động kinh doanh sang tỉnh Thái Bình, đồng thời hỗ trợ các công ty từ tỉnh Thái Bình, Việt Nam mở rộng hoạt động kinh doanh tại vùng Hanover, Đức.
Hai bên cũng thống nhất hợp tác trong trao đổi thông tin; tiếp đón và hỗ trợ các đoàn đến nhằm thúc đẩy hợp tác kinh doanh giữa hai bên; tổ chức và tham gia các hội nghị, hội thảo; dịch vụ tư vấn về hiện trạng và triển vọng của các ngành nghề; hỗ trợ tìm kiếm đối tác về tiếp thị, khoa học và công nghệ.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Khắc Thận khẳng định việc ký kết MoU này là một bước tiến để thắt chặt quan hệ hợp tác giữa Thái Bình và Hanover, hướng tới nhiều dự án chung trong tương lai.
Cùng ngày, đoàn công tác tỉnh Thái Bình cũng làm việc với Phòng Thương mại Hanover (IHK), tổ chức đại diện cho tiếng nói và lợi ích của các doanh nghiệp vùng Hanover, để trao đổi thông tin, giới thiệu về tỉnh và các cơ hội đầu tư vào tỉnh Thái Bình.
Tại IHK, ông Nguyễn Quang Hưng, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh, đã giới thiệu về tỉnh Thái Bình, các thế mạnh và cơ hội đầu tư vào tỉnh.
Sau đó, đoàn công tác đã tổ chức Diễn đàn kết nối đầu tư-kinh doanh Thái Bình-bang Lower Saxony với sự tham gia của khoảng 30 doanh nghiệp Đức.
Phát biểu tại Diễn đàn, Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hải, Tham tán phụ trách bộ phận đầu tư của Đại sứ quán Việt Nam, nhận định Thái Bình đã vươn lên mạnh mẽ trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn ở miền Bắc Việt Nam vì tỉnh đã có khu kinh tế ven biển với diện tích đất công nghiệp đủ lớn để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư tiềm năng.
Thái Bình có vị trị địa lý thuận lợi trong tam giác tăng trưởng kinh tế bùng nổ Hà Nội-Hải Phòng Quảng Ninh và nhiều lợi thế về nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng công nghiệp nên tiềm năng và cơ hội hợp tác đầu tư với thành phố Hanover và toàn bộ bang Lower Saxony còn rất lớn.
Ngày 26/3, đoàn công tác đã thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin. Tiếp đoàn, Tham tán Công sứ Chu Tuấn Đức bày tỏ sự vui mừng trước những thành quả phát triển của tỉnh trong những năm qua, chuyển mình từ một tỉnh nông nghiệp sang phát triển mạnh mẽ công nghiệp, thương mại, dịch vụ.
Theo ông, Thái Bình đang vươn lên trở thành một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư và đang chọn cho mình một hướng đi phù hợp, tập trung vào đổi mới sáng tạo, phát triển xanh - là xu hướng của thế giới và Đức có thế mạnh./.