Việt Nam-Lào: Hợp tác thúc đẩy phát triển bền vững

Việt Nam-Lào cùng nhìn lại những thành tựu hợp tác đạt được trong năm 2024 và từ đó vạch ra những định hướng, giải pháp mới, nhằm đưa mối quan hệ hợp tác đầu tư lên một tầm cao mới.

Ngày 9/1, Hội nghị Hợp tác Đầu tư Việt Nam-Lào năm 2025 đã diễn ra với chủ đề “Thúc đẩy cùng Phát triển bền vững và Thịnh vượng."

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đồng thời là Chủ tịch Ủy ban hợp tác Việt Nam-Lào nhấn mạnh Hội nghị là sự kiện quan trọng để hai nước cùng nhau tổng kết, đánh giá kết quả hợp tác đầu tư năm 2024 và bàn giải pháp thực hiện Kế hoạch hợp tác năm 2025 vừa được Chính phủ hai nước thông qua.

Việt Nam đầu tư tại Lào với tổng vốn 5,7 tỷ USD

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết nhất trí cao với những đánh giá về tình hình hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai nước năm 2024 mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào đã trình bày. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh thêm một số điểm sáng nổi bật và những thách thức cần vượt qua.

Trong năm 2024, hợp tác kinh tế, đầu tư giữa Việt Nam và Lào đã có những chuyển biến tích cực. Vốn đầu tư của Việt Nam sang Lào đạt 191 triệu USD, tăng 62% so với năm 2023, tập trung vào các lĩnh vực năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao, khai thác khoáng sản và chế biến sâu. Tính đến nay, Việt Nam đã có 267 dự án đầu tư tại Lào với tổng vốn lên tới 5,7 tỷ USD, trải rộng trên 17/18 tỉnh, thành phố. Trong đó, nhiều dự án của doanh nghiệp Việt Nam đã hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội đồng thời tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và đóng góp ngân sách đáng kể cho Chính phủ Lào.

Về thương mại, năm 2024 cũng ghi nhận những con số ấn tượng với tổng kim ngạch thương mại hai nước đạt 2,2 tỷ USD, tăng 33,9% so với năm 2023. Đặc biệt, Lào đã xuất siêu sang Việt Nam 732,7 triệu USD, một phần không nhỏ là nhờ sự đóng góp của các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Lào.

Ngoài những kết quả khả quan, năm 2024 cũng chứng kiến những nỗ lực đáng kể của hai Chính phủ trong việc tháo gỡ các khó khăn về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư quy mô lớn. Các thỏa thuận hợp tác như Hiệp định mua bán than, điện đã được ký kết, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho hợp tác năng lượng. Việc bắt đầu sử dụng đồng tiền bản tệ trong giao thương cũng là một bước tiến lớn, thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng tự hào, hoạt động kinh tế, đầu tư giữa hai nước vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và những rào cản cần được tháo gỡ. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại vẫn chưa tương xứng với mối quan hệ chính trị tốt đẹp và tiềm năng của hai nước. Một số dự án quy mô lớn, mang tính chiến lược, đặc biệt là các dự án giao thông kết nối hai nước còn chậm triển khai do khó khăn về cơ chế, chính sách và nguồn vốn. Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô của Lào chưa thực sự ổn định, gây tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư, cùng với đó là tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực do lao động di chuyển ra nước ngoài.

"Đầu tư của Việt Nam tại Lào hiện nay đang gặp phải hai 'nút thắt' cần được ưu tiên tháo gỡ. Đó là giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư hiện tại và tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn hơn cho các doanh nghiệp mới," Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Khuyến khích đầu tư dọc biên giới hai nước

Năm 2025 được xem là năm bản lề, là năm bứt phá để thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra trong Hiệp định hợp tác song phương giai đoạn 2021-2025 đồng thời đặt nền móng cho những định hướng hợp tác mới trong giai đoạn phát triển tiếp theo. Với tầm nhìn đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đã đưa ra một số định hướng trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới.

Trong đó, kiên định quan điểm "càng khó khăn càng phải đoàn kết." Trong mọi hoàn cảnh, hai nước cần tăng cường đoàn kết, gắn bó để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm về ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững, cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng pháp luật, thu hút nguồn lực và thúc đẩy hợp tác đầu tư trên tinh thần “cùng thắng”, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ."

Thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại theo hướng ưu tiên thu hút doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng của Lào như nông lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, năng lượng sạch, khai thác khoáng sản chế biến sâu, du lịch sinh thái cao cấp. Đặc biệt là khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các dự án dọc biên giới hai nước đồng thời phối hợp nghiên cứu xây dựng các cụm, khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu hàng hóa. Mục tiêu là tăng trưởng kim ngạch thương mại từ 10%-15%/năm đồng thời xây dựng thương hiệu và kênh phân phối bền vững cho hàng hóa của mỗi nước.

Về chung tay kết nối hai nền kinh tế, các doanh nghiệp chủ động tham gia vào các kế hoạch kết nối hai nền kinh tế, đặc biệt là tiến trình giúp Lào có biển, có cảng riêng. Trên nền tảng đó, hai Chính phủ sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, huy động mọi nguồn lực đầu tư vào các dự án hạ tầng trọng điểm như cảng Vũng Áng, đường cao tốc Hà Nội-Viêng Chăn, đường sắt Viêng Chăn-Vũng Áng.

Đặc biệt là đột phá trong thu hút nguồn lực đầu tư. Theo đó, các cơ quan của Lào cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, hoàn thiện chính sách liên quan đến đầu tư, thuế, thương mại và tạo điều kiện thuận lợi cho xuất nhập khẩu, kế toán kiểm toán, thuê đất. Bên cạnh đó, Lào cần sớm hoàn thành quy hoạch tổng thể lĩnh vực nông nghiệp, tạo điều kiện hình thành các vùng phát triển nông nghiệp quy mô lớn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định với quyết tâm chính trị cao của hai Đảng, hai Chính phủ và hai đồng chí Thủ tướng, mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào sẽ là nền tảng vững chắc để mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư lớn, hiệu quả cao giữa doanh nghiệp hai nước, đưa quan hệ hợp tác lên tầm cao mới.

Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu cũng đã lắng nghe những ý kiến chỉ đạo quan trọng từ hai Thủ tướng Chính phủ. Những nội dung chỉ đạo này sẽ là kim chỉ nam để các Bộ, ngành, doanh nghiệp hai bên triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể trong thời gian tới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Việt Nam-Lào cũng đưa ra cam kết sẽ tiếp thu các ý kiến chỉ đạo, ghi nhận những kiến nghị của doanh nghiệp và phối hợp với các bên liên quan để tạo điều kiện thuận lợi nhất, thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa hai nước ngày càng hiệu quả và thực chất./.