“Đòn bẩy”cho thị trường bất động sản phát triển trong năm 2025

Các chuyên gia nhận định yếu tố vĩ mô và hạ tầng chính là “đòn bẩy” quan trọng để tạo động lực cho thị trường bất động sản có đà phát triển mới trong năm 2025.

Năm 2025, cả nước tập trung ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao.

Đặc biệt, phấn đấu đưa tăng trưởng kinh tế đạt trên 8%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao. Các chuyên gia nhận định yếu tố vĩ mô và hạ tầng chính là “đòn bẩy” quan trọng để tạo động lực cho thị trường bất động sản có đà phát triển mới trong năm 2025.

Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV phân tích, tăng trưởng kinh tế ổn định trong giai đoạn 2024-2025 là điểm tựa quan trọng tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động đầu tư và phát triển bất động sản.

Cùng với đó, lạm phát được kiểm soát và lãi suất duy trì ở mức thấp, tỷ giá dịu dần đã giúp cải thiện đáng kể sức mua và tâm lý đầu tư của cả doanh nghiệp lẫn cá nhân.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Chí Thanh,Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cũng cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ với hàng loạt yếu tố đóng vai trò "kiến tạo" để vượt qua khó khăn và nắm bắt cơ hội phát triển.

Với sự hỗ trợ từ hành lang pháp lý mới, sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, cùng tác động tích cực từ những yếu tố kinh tế, tài chính thì năm 2024 là thời điểm thị trường xây nền móng.

Để tiếp đó, năm 2025 chuyển sang bước ngoặt phục hồi mạnh mẽ hơn và tạo đà tăng trưởng trong những năm tới.

Ông Dương Đức Hiếu, Giám đốc Chuyên gia phân tích cấp cao Khối xếp hạng tín nhiệm và nghiên cứu VIS Rating nhận xét, khi các thủ tục pháp lý được phê duyệt nhanh hơn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dự án và mở bán mới, giúp cải thiện doanh số bán hàng và tạo ra dòng tiền ổn định hơn cho doanh nghiệp.

(Nguồn: TTXVN)

Điều này rất quan trọng, bởi nó giúp các chủ đầu tư giảm thiểu rủi ro sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức. Do đó, năm 2025, khả năng trả nợ của ngành bất động sản sẽ cải thiện hơn.

Thêm điểm đáng ghi nhận nữa là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024 và dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong năm 2025.

Tổng vốn FDI đăng ký cấp mới cho hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 3,72 tỷ USD, chiếm 18,8% tổng vốn đăng ký cấp mới, xếp vị trí thứ 2 sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 5,09 tỷ USD, chiếm 15,1%.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2024 của hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,84 tỷ USD, chiếm 7,2%...

Tổng Giám đốc Avison Young Việt Nam David Jackson nhận xét niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng của thị trường Việt Nam vẫn tích cực và họ tiếp tục rót vốn vào các dự án đầu tư đã được phê duyệt, cấp phép tại đây.

Điều này được chứng minh qua con số 25,35 tỷ USD tổng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam trong cả năm 2024, tăng hơn 9% so với năm 2023; trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,84 tỷ USD, tăng 60%.

Đáng chú ý, trong bối cảnh các thị trường bất động sản lớn trên thế giới khá ảm đạm, dòng vốn FDI tại Việt Nam lại có xu hướng chảy nhiều hơn vào lĩnh vực bất động sản. Điều này đã khẳng định sức hấp dẫn của thị trường bất động sản Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán cũng đang trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho các doanh nghiệp bất động sản. Theo xu hướng, việc phát hành cổ phiếu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã ghi nhận mức tăng trưởng mạnh trong năm 2024 và dự kiến sẽ còn tiếp tục bùng nổ trong năm 2025.

Các tòa nhà thương mại cho thuê văn phòng, căn hộ cao cấp tại Khu đô thị Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Động lực chính đến từ triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên nhóm thị trường mới nổi, tạo điều kiện thu hút thêm dòng vốn đầu tư quốc tế.

Sự khởi sắc này không chỉ mở ra cơ hội huy động nguồn vốn lớn cho ngành bất động sản mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn đầy thách thức, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững.

Cùng với yếu tố vĩ mô, hạ tầng cũng được đánh giá là “đòn bẩy” đối với thị trường bất động sản năm 2025. Chuyên gia kinh tế-Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong nhận xét, nền kinh tế đang từng bước hồi sinh sau những biến động và cơ sở hạ tầng nổi lên như một yếu tố then chốt, là "chìa khóa vàng" mở ra cánh cửa tăng trưởng.

Thị trường bất động sản cũng được hưởng những trợ lực quan trọng này trong hành trình phục hồi. Bởi các yếu tố này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều dự án mới mà sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng còn góp phần gia tăng giá trị cho những tài sản hiện hữu, thổi luồng sinh khí mới vào thị trường bất động sản.

Theo phân tích của ông Phong, Chính phủ đang chú trọng đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn, điều này không chỉ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh của thị trường bất động sản.

Đáng chú ý, Chính phủ đã đề ra kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 là 790.727 tỷ đồng, tăng 18% so với kế hoạch 670.000 tỷ đồng của năm 2024. Các dự án có sử dụng vốn đầu tư công được kỳ vọng sẽ được tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh tiến độ để đáp ứng mục tiêu giải ngân của Chính phủ.

Tiếp đó, sự phát triển đồng bộ của cơ sở hạ tầng còn mở ra những cơ hội mới cho thị trường, đặc biệt là ở những khu vực đang trong quá trình đô thị hóa. Hàng loạt dự án hạ tầng như tuyến metro, cầu đường, khu công nghiệp mới... không chỉ là "đòn bẩy" giúp gia tăng giá trị bất động sản mà còn là cơ hội hấp dẫn đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư./.