Lượng phát hành trái phiếu USD tại châu Á dự kiến tăng 20% trong năm 2025
Dự báo lượng phát hành trái phiếu bằng USD từ châu Á, không bao gồm Nhật Bản và Australia, sẽ tăng khoảng 20%, đạt mức 220-225 tỷ USD trong năm 2025.
Lượng phát hành trái phiếu bằng đồng USD tại châu Á dự kiến sẽ tăng khoảng 20% trong năm 2025 nhờ các giao dịch của Trung Quốc và chính sách cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Những động thái này khiến các công ty phát hành trái phiếu USD thay vì bằng đồng nội tệ.
Dữ liệu từ LSEG cho thấy chỉ trong vài ngày đầu năm 2025, ít nhất 6 tỷ USD trái phiếu bằng USD đã được phát hành.
Ông Rishi Jalan, người đứng đầu bộ phận phát hành nợ khu vực châu Á-Thái Bình Dương của ngân hàng Citigroup dự báo lượng phát hành trái phiếu bằng USD từ châu Á, không bao gồm Nhật Bản và Australia, sẽ tăng khoảng 20%, đạt mức 220-225 tỷ USD trong năm 2025.
Trong năm 2024, lượng trái phiếu bằng USD được phát hành đạt khoảng 175 tỷ USD. Ông Jalan cho rằng, để đạt được mức phát hành 220-225 tỷ USD, cần có nhiều yếu tố cùng tác động.
Theo ông Jalan, sự trở lại của các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc, đà tăng phát hành trái phiếu bằng đồng USD tại Ấn Độ là những yếu tố cần thiết.
Việc tăng cường phát hành trái phiếu bằng USD sẽ giúp các công ty có trụ sở tại châu Á có thêm nguồn vốn để thực hiện các kế hoạch mở rộng, đồng thời làm tăng phí cho các ngân hàng đầu tư lớn, đóng vai trò là nhà quản lý phát hành trong các giao dịch này.
Lãi suất cao tại Mỹ trong phần lớn hai năm qua đã khiến cho nhiều công ty ở châu Á ưu tiên phát hành trái phiếu bằng đồng nội tệ hoặc dựa vào nguồn vốn từ các ngân hàng trong nước hơn là phát hành trái phiếu bằng USD.
Tuy nhiên, Fed đã giảm lãi suất trong ba cuộc họp cuối cùng của năm 2024, và dự kiến sẽ giữ lãi suất trong khoảng 4,25% đến 4,5% tại cuộc họp tiếp theo vào ngày 28-29/1.
Ông Jalan dự đoán các tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc sẽ dẫn đầu đợt tăng phát hành nợ bằng USD trong năm nay. Dấu hiệu ban đầu là việc các tập đoàn thương mại điện tử Alibaba và Meituan đã huy động được tổng cộng 7,5 tỷ USD thông qua trái phiếu bằng USD vào cuối năm ngoái.
Hai "gã khổng lồ" công nghệ này đã huy động vốn một phần để trả nợ và tiếp cận nguồn vốn cho các hoạt động tăng trưởng trong tương lai. Các ngân hàng cũng dự kiến xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2025.
Dữ liệu từ Dealogic cho thấy, Trung Quốc, động lực tăng trưởng chính của thị trường trái phiếu USD ở châu Á, đã phát hành 77,1 tỷ USD trái phiếu bằng USD trong năm 2024, tăng 81% so với mức 42,5 tỷ USD của năm trước đó.
Mặc dù vậy, khối lượng này vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh năm 2019 khi các công ty huy động được 210,5 tỷ USD.
Ông Avinash Thakur, người đứng đầu bộ phận tài chính thị trường vốn khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại ngân hàng Barclays, cho biết, các công ty Trung Quốc có xếp hạng tín nhiệm cao và có khả năng phát hành trái phiếu, đang cảm thấy thoải mái hơn với mức lãi suất hiện tại so với năm 2023 và nửa đầu năm 2024.
Ông Thakur cũng cho rằng, sẽ có các đợt phát hành trái phiếu trong lĩnh vực công nghệ, do các công ty này có nhu cầu về vốn. Các ngân hàng nhận định rằng, lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn của Trung Quốc, khó có thể quay trở lại thị trường trái phiếu trong tương lai gần vì tình hình vẫn còn bất ổn.
Ông Thakur cho biết thêm, lĩnh vực bất động sản vẫn đang chịu áp lực, giá bất động sản tiếp tục giảm và mức nợ vẫn ở mức cao./.