Vì mục tiêu gỡ "Thẻ Vàng" IUU trong khai thác thủy hải sản
Các ngành, địa phương đang quyết liệt thực hiện giải pháp trọng tâm chống khai thác IUU, đảm bảo điều kiện tốt nhất để làm việc với EC, phấn đấu mục tiêu đến tháng 10/2023 gỡ “thẻ vàng” IUU.
Một cộng đồng ngư dân cùng nhau vươn khơi trong mỗi chuyến biển, cùng nhau chia sẻ ngư trường, hỗ trợ nhau khi hoạn nạn, giúp họ an tâm bám biển dài ngày để mưu sinh và khẳng định chủ quyền đất nước.
Đó chính là lý do những nghiệp đoàn nghề cá ra đời từ những yêu cầu khách quan qua những chuyến đi biển. Đồng thời, cũng từ đây việc tuyên truyền đến ngư dân về những quy định khi khai thác trên biển, đặc biệt là chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) thuận lợi hơn.
Gắn kết ngư dân vươn khơi, bám biển
Hơn 40 năm gắn bó với biển, với thuyền, với cá là chừng ấy năm ông Nguyễn Mộc, chủ tàu KH-94239-TS luôn gắn bó với nhóm chủ tàu mỗi khi ra khơi.
Không nhớ chính xác việc tham gia Nghiệp đoàn Nghề cá Vĩnh Thọ, tỉnh Khánh Hòa từ khi nào nhưng trong trí nhớ của ông Mộc là từ khi biết đi biển ông đã gắn kết với những đội nhóm tàu.
Ông Nguyễn Mộc cho biết các thành viên khi vào nghiệp đoàn thường đã quen biết, hiểu nhau, thậm chí cùng nghề đi biển sẽ quan tâm, hỗ trợ nhau trên biển.
Điều này cũng giống như nông dân sản xuất trên đất liền tham gia vào hợp tác xã, các thành viên cùng nhau tham gia khai thác, hợp tác sản xuất, chấp hành các quy định pháp luật trên biển.
Nay tuổi đã khá cao, ông Nguyễn Mộc không còn đủ sức đi với những chuyến dài ngày nhưng với tư cách chủ tàu ông vẫn tham gia vào nghiệp đoàn để cập nhật thông tin, chia sẻ cách làm, cách đi biển với các bạn thuyền.
"Nguồn lợi thủy sản ngày một suy giảm, chi phí tăng cao mà giá cá thậm chí giảm nên đôi khi có chuyến biển vẫn không đủ chi phí. Mỗi chuyến đi biển thường trên 10 ngày nhưng nếu không khai thác không hiệu quả thì tàu sẽ phải cố bám biển dài hơn. Khi có các thuyền khác trong nghiệp đoàn cùng ra biển sẽ hỗ trợ nhau rất nhiều những lúc như thế này," ông Nguyễn Mộc chia sẻ.
Với đặc tính riêng biệt của nghề lưới rê và chuyên đánh bắt vùng biển xa bờ, những thành viên trong Nghiệp đoàn nghề cá phường Vĩnh Phước chỉ làm đúng một nghề này để có thể hỗ trợ nhau trong khai thác.
Ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường Vĩnh Phước cho biết nghiệp đoàn có 23 tàu, với khoảng 250 thuyền viên. Tất cả các tàu của nghiệp đoàn đều hành nghề lưới rê và đây cũng là nghề truyền thống của địa phương.
Theo ông Nguyễn Đức Thắng, nghiệp đoàn chưa mang lại lợi nhuận gì nhiều cho các thành viên nhưng coi như là tổ cộng đồng, các thành viên rất tích cực hỗ trợ, chia sẻ nhau mỗi lần ra biển.
Sự gắn kết này cũng giúp nghiệp đoàn thường xuyên họp, giao lưu với cá chủ tàu để tuyên truyền thông tin, phổ biến pháp luật.
Các chủ tàu cũng nhận thức rằng chống khai thác IUU là vấn đề rất quan trọng. Khi rút được “thẻ vàng,” giá cá sẽ cao hơn, thu nhập của người đi biển sẽ tốt lên.
“Từ khi có quy định chống khai thác IUU, chưa có tàu cá nào của nghiệp đoàn vi phạm khai thác IUU. Các chủ tàu đều cam kết chấp hành nghiêm chỉnh các thủ tục xuất bến, cập cảng, đăng kiểm, đăng ký, quy định khi khai thác trên biển, đặc biệt không khai thác IUU,” ông Nguyễn Đức Thắng vui mừng cho biết.
Ông Phạm Huy Trường, Chủ tịch Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Khánh Hòa cho hay nghiệp đoàn nghề cá là sự tập hợp những người lao động là ngư dân làm việc trên các tàu đánh bắt hải sản.
Qua các nghiệp đoàn nghề cá giúp chủ tàu và ngư dân, nâng cao hiểu biết và ý thức tự giác chấp hành pháp luật, khơi dậy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong việc khai thác.
So với số lượng tàu cá tỉnh Khánh Hòa, cả tỉnh mới có 9 nghiệp đoàn nghề cá cơ sở với 227 tàu cá và có 915 đoàn viên.
Thời gian tới, Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Khánh Hòa tiếp tục vận động, hướng dẫn đăng ký thành lập tổ chức nghiệp đoàn cơ sở. Đồng thời, hướng dẫn các nghiệp đoàn hoạt động phù hợp với đặc thù nghề nghiệp, thực tế tại địa bàn.
Các nghiệp đoàn phấn đấu duy trì và làm tốt hoạt động trợ cấp thăm hỏi động viên người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Cùng đó, hỗ trợ đoàn viên nâng cao tay nghề, hiểu biết pháp luật, trợ giúp pháp lý, góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức, tính trách nhiệm trong khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ chủ quyền an ninh lãnh hải quốc gia.
Tính đến nay, Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam có 90 nghiệp đoàn cơ sở tại 16/28 tỉnh, thành phố có biển với gần 18.000 đoàn viên.
Cùng với các nghiệp đoàn, cả nước cũng có 5.810 tổ đội sản xuất trên biển, với 48.000 tàu tham gia sản xuất cùng 252.000 ngư dân.
Cán bộ nghiệp đoàn nghề cá cơ sở đều là kiêm nhiệm trên tinh thần tự nguyện, được cơ cấu là chủ tàu, tổ trưởng tổ đánh bắt, đa số là ngư dân đánh bắt xa bờ, có uy tín.
Bên cạnh việc góp ý, kiến nghị về pháp luật, chính sách hỗ trợ ngư dân, Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam chủ động xây dựng sổ tay, tuyên truyền phổ biến pháp luật về biển, đảo; vận động đoàn viên, chủ tàu cam kết chống khai thác IUU.
Theo ông Đỗ Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá đều là những tàu cá khai thác và đánh bắt xa bờ.
Sản phẩm khai thác được chủ yếu là xuất khẩu; trong đó, có thị trường EU do vậy tác động của “thẻ vàng” ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch vươn khơi bám biển của ngư dân.
Trong khi đó, lực lượng lao động trên các tàu cá thường xuyên biến động, thiếu lao động có tay nghề.
Trình độ lao động thấp, chưa được đào tạo và thiếu kiến thức về nghề khai thác, bảo vệ nguồn lợi hải sản và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển ngành.
Ông Đỗ Tiến Dũng đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát và có biện pháp bảo vệ, hỗ trợ ngư dân và đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá sản xuất trên biển.
Cùng với đó, xử lý thật nghiêm các trường hợp tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, sớm chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác trái phép trên vùng biển các nước.
Cùng với việc có chính sách chuyển đổi nghề, chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái, các cơ quan chức năng có chính sách hỗ trợ triển khai mô hình liên kết chuỗi giá trị: khai thác-thu mua-tiêu thụ sản phẩm cho đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá và ngư dân. Qua đó, giúp ngư dân nâng cao giá trị sản phẩm, bớt khâu trung gian trong quá trình tiêu thụ sản phẩm.
Chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho đợt thanh tra lần thứ 4
Theo kế hoạch trong tháng 10 tới, Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam kiểm tra lần thứ 4 về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không theo quy định và không khai báo (IUU).
Hiện các ngành, địa phương trong cả nước đang gấp rút chỉ đạo, quyết liệt thực hiện giải pháp trọng tâm chống khai thác IUU, đảm bảo điều kiện tốt nhất để làm việc với EC, phấn đấu mục tiêu đến tháng 10/2023 gỡ “thẻ vàng” IUU.
Để chuẩn bị cho đợt thanh tra này, Hội Nghề cá Việt Nam đã hướng dẫn các cấp Hội tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền các khuyến nghị của EC và các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đến hội viên và ngư dân...., đồng thời, phối hợp với cơ quan quản lý thủy sản và chính quyền các địa phương ven biển theo dõi việc triển khai thực hiện chống khai thác IUU.
Bên cạnh đó, Hội cũng yêu cầu hội viên và ngư dân tuân thủ các biện pháp quản lý bắt buộc theo đúng các quy định của pháp luật; không vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt hải sản trái phép; thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác, thực hiện nghiêm các quy định về quản lý và xử lý vi phạm của tàu cá.
Cùng đó, phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương xây dựng cơ cấu các nghề khai thác hợp lý, đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, tăng cường đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng; củng cố bộ máy quản lý cảng cá và công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phòng chống thiên tai, bão lũ, phòng cháy chữa cháy trên tàu cá.
Hội Nghề cá đã chủ động tham gia phản biện, góp ý vào các chủ trương chính sách của Nhà nước; trực tiếp phản ánh, chuyển tải những khó khăn vướng mắc trong sản xuất, kiến nghị đến cơ quan chức năng kịp thời giải quyết, nhất là lĩnh vực về phát triển kinh tế biển, chống khai thác IUU, bảo tồn biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo…tham gia phản biện các đề án quy hoạch về thủy sản.
Tuy nhiên, Hội nhận thấy rằng, nếu không tháo gỡ được thẻ vàng không chỉ gây khó khăn cho việc xuất khẩu thủy sản khai thác vào thị trường EU mà còn tác động đến các thị trường khác, nhất là uy tín của nước ta bị ảnh hưởng.
[Nâng cao nhận thức người dân ven biển về phòng, chống khai thác IUU]
Mặc dù Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các bộ, ngành địa phương đã có nhiều biện pháp quyết liệt nhưng tình hình vẫn còn khó khăn. Đây cũng là dịp chấn chỉnh và hoàn thiện hệ thống quản lý nghề cá.
Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tập trung xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm vùng biển các nước, không tuân thủ việc kết nối thiết bị giám sát hành trình (VMS) khi hoạt động đánh bắt trên biển.
Đồng thời, tăng cường việc giám sát sản lượng khai thác bốc dỡ tại cảng cá, thực hiện nghiêm việc ghi và nộp nhật ký khai thác một cách thực chất và tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân và cán bộ địa phương, cơ sở chú trọng đội ngũ thuyền trưởng trên các tàu cá; chú trọng dự báo ngư trường khai thác thủy sản trong vụ cá bắc, vụ cá nam để hỗ trợ ngư dân nâng cao hiệu quả khai thác trong vùng biển trong nước...
Thượng tá Nguyễn Lâm Nam, Phó Chỉ huy trưởng-Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hoà cho biết với chức năng nhiệm vụ được giao trong chống khai thác IUU, Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa thường xuyên tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, đăng ký, kiểm chứng thực hiện nghiêm quy trình, nghiệp vụ theo quy định và thực hiện nghiêm “5 kiểm, 1 chứng.”
Đặc biệt trước khi tàu cá đi biển khai thác thủy sản, cán bộ kiểm tra kỹ tình trạng hoạt động của thiết bị giám sát hành trình; nhắc nhở, tuyên truyền các quy định pháp luật khi hoạt động trên biển; yêu cầu chủ phương tiện, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài cũng như thường xuyên duy trì hoạt động của thiết bị VMS.
Cùng với việc thường xuyên tuyên truyền pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành các quy định pháp luật khi hoạt động trên biển cho ngư dân, Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các phương tiện tàu cá theo thẩm quyền.
Việc đấu tranh, xử lý vi phạm còn gặp rất nhiều khó khăn do chủ yếu các hành vi vi phạm xảy ra trên biển, thời gian dài ngày. Điều này đòi hỏi lực lượng bộ đội biên phòng phải áp dụng chặt chẽ các biện pháp nghiệp vụ để thu thập, củng cố chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm.
Từ đầu năm đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xử phạt 9 vụ với 9 phương tiện, với số tiền phạt là 220 triệu đồng; đồng thời tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn đối với các thuyền trưởng vi phạm đối với hành vi “không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình khi đang hoạt động trên biển đối với tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m.”
Kết quả xử phạt vi phạm hành chính được thông báo công khai nhằm răn đe cũng như hạn chế, xóa bỏ khả năng phát sinh ý định vi phạm.
Trước sự vào cuộc quyết của cả hệ thống chính trị nói chung và Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa nói riêng, nhận thức của ngư dân về khắc phục thẻ vàng IUU ngày càng chuyển biến tích cực.
Thể hiện rõ trong việc ngư dân tự giác chấp hành yêu cầu về kiểm tra kiểm soát của lực lượng chức năng; nhận thức về các thủ tục, quy định pháp luật đối với phương tiện tàu cá được nâng cao. Ngư dân tự giác đến đơn vị đăng ký làm thủ tục ra, vào cảng cá và cam kết không vi phạm pháp luật khi khai thác trên biển.
Để kiểm soát các tàu cá tốt hơn, nhất là đối với các tàu cá đăng ký ở địa phương này nhưng thường xuyên hoạt động ở tỉnh khác dài ngày, ít quay về địa phương, các cơ quan chức năng và tỉnh thành nơi tàu cá hoạt động cũng phải thường xuyên tuyên truyền, theo dõi, trao đổi, đồng thời, có trách nhiệm nếu tàu cá xảy ra vi phạm IUU khi đăng ký xuất, nhập bến ở địa phương đó.
Về phía địa phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang Quảng Trọng Thao cho biết tỉnh Kiên Giang đã tổ chức Đoàn Công tác Liên ngành kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, đơn vị có liên quan và địa phương việc triển khai thực hiện các quy định chống khai thác IUU để hướng dẫn khắc phục những tồn tại, hạn chế, chuẩn bị cho đợt thanh tra của EC dự kiến vào tháng 10/2023.
Cụ thể, Kiên Giang giám sát sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ qua cảng cá chỉ định, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tập huấn, hướng dẫn chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá và doanh nghiệp chế biến thủy sản ghi nhật ký khai thác, nhật ký chuyển tải, thu mua thủy sản, lập hồ sơ đề nghị xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác, hồ sơ chứng nhận nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác.
Bên cạnh đó, tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng và địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý tàu cá vi phạm khai thác IUU tại vùng ven bờ, vùng lộng tỉnh Kiên Giang và xử lý những vi phạm quy định về VMS; thực hiện nghiêm việc quản lý tàu cá theo quy định như: hoàn thành đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá VMS…
Mặt khác, tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ đoàn tàu, nắm chính xác thực trạng tàu cá để sàng lọc, phân loại, đảm bảo theo dõi, giám sát toàn bộ hoạt động của đội tàu, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các trường hợp vi phạm.
Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang tham gia với Bộ đội Biên phòng Kiên Giang, Công an tỉnh và phối hợp với Vùng Cảnh sát biển 4 thực hiện các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại vùng khơi biển Kiên Giang và các vùng biển chồng lấn chưa phân định giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, xử lý quyết liệt, triệt để các hành vi vi phạm khai thác IUU đối với tàu cá tỉnh Kiên Giang tại vùng khơi....
Từ nay đến tháng 10/2023, các ngành chức năng tỉnh cùng với huyện, thành phố sẽ đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU để đảm bảo người dân, nhất là cộng đồng ngư dân, cập nhật, tiếp cận đầy đủ, kịp thời văn bản thông tin về các quy định chống khai thác IUU./.
Bài cuối: EC khẳng định quá trình gỡ 'Thẻ Vàng' của Việt Nam đang đi đúng hướng