EU tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào các nguồn pin từ Trung Quốc
EU có thể trở nên phụ thuộc vào nguồn pin lithium-ion và pin nhiên liệu của Trung Quốc như đã từng phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga trước khi xảy ra xung đột tại Ukraine.
Theo một văn bản được chuẩn bị cho các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU), nếu không có các biện pháp mạnh mẽ, đến năm 2030, EU có thể trở nên phụ thuộc vào nguồn pin lithium-ion và pin nhiên liệu của Trung Quốc như đã từng phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga trước khi xảy ra xung đột tại Ukraine.
Văn bản nói trên sẽ là cơ sở cho các cuộc thảo luận về an ninh kinh tế của châu Âu tại cuộc họp của các lãnh đạo EU sẽ diễn ra ở Granada (Tây Ban Nha) vào ngày 5/10 tới.
Lo ngại về sức mạnh kinh tế ngày càng gia tăng của Trung Quốc trên toàn cầu, các lãnh đạo EU sẽ thảo luận những đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) nhằm giảm nguy cơ châu Âu quá phụ thuộc vào Trung Quốc và sự cần thiết phải đa dạng hóa sang châu Phi và Mỹ Latinh.
[Thế giới đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lithium do nhu cầu xe điện tăng]
Văn bản này cho rằng vì bản chất hay bị gián đoạn của các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng Mặt Trời hay năng lượng gió, nên châu Âu sẽ cần có cách để tích trữ năng lượng nhắm đạt được mục tiêu đến năm 2050 đưa lượng khí thải CO2 ròng về 0.
Theo văn bản nói trên, điều này sẽ khiến nhu cầu của EU đối với các loại pin lithium-ion, pin nhiên liệu và bình điện phân có thể tăng 10-30 lần trong những năm tới.
Dù EU có vị thế tốt trong việc sản xuất bình điện phân, khi nắm tới hơn 50% thị phần toàn cầu, nhưng khối này lại phụ thuộc nặng nề vào nguồn pin nhiên liệu và pin lithium-ion cho xe điện từ Trung Quốc.
Văn bản nhận định nếu không thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, đến năm 2030 hệ sinh thái năng lượng của châu Âu có thể phụ thuộc vào Trung Quốc, dù với bản chất khác nhưng cùng mức độ nghiêm trọng như khối này từng phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga.
Theo EC, năm 2021, năm trước khi xày ra xung đột Nga-Ukraine, nguồn cung từ Nga chiếm đến hơn 40% tổng lượng khí đốt tiêu thụ, 27% lượng dầu nhập khẩu và 46% lượng than đá nhập khẩu của EU.
Việc ngừng mua phần lớn năng lượng từ Nga đã gây ra một cú sốc về giá năng lượng tại EU và khiến lạm phát tiêu dùng leo thang, buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải tăng mạnh lãi suất, một động thái làm chậm đà tăng trưởng kinh tế.
Theo văn bản này, pin lithium-ion và pin nhiên liệu không phải là lĩnh vực duy nhất mà EU có nguy cơ phụ thuộc vào bên ngoài.
Văn bản cho rằng kịch bản tương tự có thể xảy đến với lĩnh vực công nghệ số, khi nhu cầu đối với các dịch vụ số như thiết bị cảm biến, thiết bị bay không người lái, máy chủ dữ liệu, thiết bị lưu trữ và các mạng lưới truyền dữ liệu được dự đoán sẽ tăng mạnh trong thập kỷ này. Trong khi đó, EU lại có nhiều yếu điểm lớn ở nhiều lĩnh vực trong số này.
Văn bản dự đoán đến năm 2030, sự phụ thuộc vào bên ngoài này có thể cản trở nghiêm trọng những bước tiến về năng suất mà lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ của châu Âu cần có một cách cấp thiết.
Nó còn có thể ngăn cản quá trình hiện đại hóa các hệ thống nông nghiệp cần thiết để chống biến đổi khí hậu./.