Nhiều trở ngại với nền kinh tế toàn cầu khi lãi suất tăng
Việc các ngân hàng trung ương trì hoãn cắt giảm lãi suất được cho là nguyên nhân dẫn tới sự bi quan hơn trong các dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho năm tới.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc thắt chặt chính sách tiền tệ bắt đầu gây sức ép lên hoạt động kinh tế toàn cầu và có thể khiến tăng trưởng giảm tốc trong nửa cuối năm nay.
Thậm chí, việc các ngân hàng trung ương trì hoãn cắt giảm lãi suất còn được cho là nguyên nhân dẫn tới sự bi quan hơn trong các dự báo cho năm tới.
Từ nguy cơ giảm tốc trong nửa cuối năm nay
Theo các chuyên gia quốc tế, việc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất bắt đầu cản trở hoạt động kinh tế, có thể khiến tăng trưởng giảm tốc ở cả châu Âu và Mỹ trong nửa cuối năm 2023.
Tại Khu vực Sử dụng Đồng Euro (Eurozone), kinh tế Pháp và Tây Ban Nha đã gây bất ngờ trong quý 2/2023, khi tăng trưởng lần lượt 0,5% và 0,4%, trong khi kinh tế Đức lại đình trệ, với tốc độ tăng trưởng quanh mức 0%.
Chuyên gia Riccardo Marcelli Fabiani của Tổ chức Oxford Economics nhận định tác động của việc thắt chặt chính sách tiền tệ bắt đầu gây sức ép lên hoạt động kinh tế, khi chi phí tín dụng ngày càng tăng, đặc biệt đối với các doanh nghiệp.
[Cục Dự trữ Liên bang Mỹ khó có khả năng tăng lãi suất vào tháng 11]
Trong tháng 7/2023, chỉ số nhà quản trị mua hàng tại Eurozone giảm xuống 47 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020, làm dấy lên lo ngại về khả năng suy thoái. Trước đó, trong tháng 6/2023, sản xuất công nghiệp của khu vực này vẫn tăng 0,5%.
Theo chuyên gia kinh tế Anna Titareva thuộc công ty dịch vụ tài chính UBS có trụ sở ở Thụy Sỹ, điều đáng lo ngại là sự giảm tốc đã bắt đầu lan sang khu vực dịch vụ, vốn vẫn hoạt động khá tốt cho đến nay.
Với Mỹ, nhà kinh tế Maxime Darmet thuộc Allianz Trade nhận định, tín dụng tiêu dùng và bất động sản thương mại bắt đầu giảm, do tác động từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục thắt chặt chính sách tiền tệ, đưa lãi suất cơ bản lên 5,25 - 5,5%, mức cao nhất trong 22 năm qua.
Chuyên gia kinh tế của hãng bảo hiểm Coface, Bruno de Moura Fernandes, cảnh báo việc đi quá xa khi thắt chặt chính sách tiền tệ trong bối cảnh hiện nay sẽ là một trong những nguy cơ chính gây sức ép lên nền kinh tế toàn cầu.
Tăng trưởng việc làm của Mỹ tăng tốc trong tháng Tám, nhưng tỷ lệ thất nghiệp chạm mức 3,8% và đà tăng lương đã phần nào chững lại. Điều này cho thấy thị trường lao động của nước này đang hạ nhiệt, từ đó làm tăng khả năng Fed sẽ không nâng lãi suất trong tháng Chín.
Đà tăng trưởng tiền lương đã chậm lại trong tháng trước. Thu nhập trung bình theo giờ tăng 0,2%, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022, sau khi tăng 0,4% trong tháng Bảy. Trong 12 tháng tính đến hết tháng Tám, tiền lương đã tăng 4,3% sau khi tăng 4,4% trong tháng Bảy.
Đến sự bi quan hơn về triển vọng năm tới
Các nhà kinh tế bi quan hơn về triển vọng năm 2024, khi các ngân hàng trung ương trì hoãn giảm lãi suất. Lãi suất vẫn tăng ở các nền kinh tế lớn có nghĩa tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể chậm lại trong năm tới, sau khi vượt dự báo kể từ đầu năm đến nay.
Theo các dự báo của Consensus Economics, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,1% trong năm 2024, giảm từ mức 2,4% của năm 2023. Các nhà kinh tế đã nâng dự báo tăng trưởng năm nay 1 điểm phần trăm so với đầu năm, nhờ nhu cầu tiêu dùng và thị trường việc làm mạnh ngoài dự kiến.
Theo nhà kinh tế tại Capital Economics, Simon MacAdam, một phần nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại trong năm tới là do "hiệu ứng cơ sở" khi sự khởi sắc của nền kinh tế trong năm nay làm giảm mức tăng trưởng của năm tới.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng các nhà kinh tế cũng trở nên bi quan hơn về triển vọng của năm 2024. Lo ngại xuất phát từ việc nhu cầu vẫn lớn sẽ khiến lạm phát tiếp tục ở mức cao, buộc các nhà hoạch định chính sách ở các nền kinh tế phát triển phải duy trì việc tăng lãi suất sang đến năm 2024.
Nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Citi, Nathan Sheets, cho rằng nhu cầu dịch vụ gần như không thay đổi, thị trường lao động vẫn mạnh, lương tiếp tục tăng. Một số yếu kém được dự báo cho năm nay đã được đẩy sang năm tới. Ở nhiều nước, như Mỹ, suy thoái có thể xảy ra nhưng muộn hơn.
Cho đến vài tháng trước, Fed được cho là sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay. Tuy nhiên, nền kinh tế mạnh có nghĩa có khả năng lần cắt giảm lãi suất đầu tiên sẽ là vào nửa đầu năm tới.
Nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, Mark Zandi, cho rằng khả năng lớn là kinh tế Mỹ sẽ tránh được suy thoái trong năm nay, có nghĩa Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi kiểm soát hoàn toàn lạm phát, khiến tăng trưởng giảm trong năm 2024.
Ông nói thêm kinh tế châu Âu năm nay cũng khả quan hơn dự báo, trừ Đức, có nghĩa Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) có thể cũng sẽ tiếp tục tăng lãi suất.
ECB ngày 14/9 quyết định nâng lãi suất chủ chốt lần thứ 10 liên tiếp lên mức cao kỷ lục trong nỗ lực nhằm chống lạm phát. Cụ thể, ECB đã tăng 0,25 điểm phần trăm của 3 loại lãi suất chính, gồm lãi suất tái cấp vốn lên 4,25%, lãi suất tiền gửi lên 4% và lãi suất cho vay lên 4,5% - những mức cao nhất kể từ khi đồng euro ra đời vào năm 1999.
Trong khi BoE được cho là sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm, lên 5,75% vào cuối năm và có thể chưa hạ lãi suất cho đến nửa cuối năm 2024.
Sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc sau khi khởi sắc hậu đại dịch đã phần nào làm các nhà kinh tế về năm 2024. Người phụ trách nghiên cứu kinh tế tại Barclays, Christian Keller, cho rằng sự giảm tốc này mang tính cơ cấu. Triển vọng giảm tốc kinh tế toàn cầu của năm 2024 là khá rõ.
Lãi suất tại Mỹ tăng khiến các nhà kinh tế hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trung bình xuống 0,6% trong năm 2024, so với mức 1,9% năm 2023. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ đạt 1,8% trong năm 2023, nhưng khó có thể vượt mức 1% trong năm 2024.
Kinh tế Anh và Eurozone có thể vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng thấp trong cả hai năm, trong khi Trung Quốc đối mặt với các vấn đề về cơ cấu và sự giảm sút của hoạt động chế tạo và xuất khẩu.
Các nền kinh tế mới nổi như Brazil và Mexico đã gây bất ngờ cho các nhà phân tích khi khởi sắc trong năm nay, trong khi nhu cầu trong nước mạnh sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ trong năm tới./.