Triển khai hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương phía Bắc
Giai đoạn 2024-2025, Thành phố Hồ Chí Minh cùng các địa phương phía Bắc và Bắc Trung Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác với 7 sự kiện cấp vùng trong năm 2024 và 13 sự kiện cấp vùng năm 2025.
Ngày 2/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức hội nghị sơ kết việc thực hiện Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với một số địa phương phía Bắc và Bắc Trung Bộ giai đoạn 2023-2024 và triển khai kế hoạch hợp tác giai đoạn 2024-2025.
Ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc ITPC, cho biết việc triển khai thực hiện Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương phía Bắc, Bắc Trung Bộ giai đoạn 2023-2024 đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Ở lĩnh vực du lịch, năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội chợ Du lịch Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 17 với chủ đề “Liên kết, Phát triển, Bền vững” góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam nói chung và hỗ trợ các địa phương phía Bắc và Bắc Trung Bộ quảng bá du lịch.
Về thương mại, ITPC đã tổ chức tuần lễ “Tinh hoa làng nghề và đặc sản vùng miền năm 2023” song song với Hội nghị kết nối cung-cầu giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành thu hút hàng trăm đơn vị, doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm.
Trong 9 tháng năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức 4 chương trình phối hợp cấp vùng gồm Hội nghị tập huấn, đào tạo liên kết vùng phát triển nguồn nhân lực giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành; Hội chợ Du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh; Hội chợ triển lãm giống, nông nghiệp công nghệ cao; Hội nghị kết nối cung-cầu.
Theo ông Đào Minh Chánh, các sở, ngành của Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương phía Bắc và Bắc Trung Bộ, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch và y tế.
Việc tổ chức thành công các hội nghị, hội chợ và sự kiện kết nối cung-cầu đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế và gia tăng mối liên kết giữa doanh nghiệp. Công tác truyền thông cũng được đẩy mạnh, giúp lan tỏa hình ảnh và thương hiệu của các tỉnh, thành, tạo nên tác động tích cực đối với cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục do thời gian triển khai ngắn, nhiều nội dung hợp tác chưa đạt được tiến độ như mong muốn. Vai trò của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn trong việc thúc đẩy hợp tác chưa thực sự nổi bật, dẫn đến việc chưa tạo được hiệu ứng khuyến khích cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Giai đoạn 2024-2025, Thành phố Hồ Chí Minh cùng các địa phương phía Bắc và Bắc Trung Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác với 7 sự kiện cấp vùng trong năm 2024 và 13 sự kiện cấp vùng trong năm 2025.
Bên cạnh đó, hơn 100 hoạt động hợp tác song phương giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh sẽ được triển khai trên nhiều lĩnh vực. Những hoạt động này không chỉ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại từng địa phương mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo đà cho sự tăng trưởng bền vững trong toàn khu vực.
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phát huy vai trò cầu nối, thúc đẩy các hoạt động hợp tác hiệu quả.
Ông Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn thông tin việc triển khai hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bắc Kạn đã đóng góp tích cực vào kết quả phát triển kinh tế-xã hội, củng cố, tăng cường mối quan hệ truyền thống giữa các địa phương.
Ngoài các sự kiện cấp vùng, Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp và hỗ trợ tỉnh Bắc Kạn vận động, kêu gọi một số doanh nghiệp đến tìm hiểu, hợp tác, triển khai đầu tư tại tỉnh vào các lĩnh vực như: du lịch, công nghiệp, nông-lâm nghiệp; khoa học và công nghệ, y tế; cung cấp thông tin thị trường, kết nối các cơ hội kinh doanh, kết nối cung cầu sản phẩm, hàng hóa.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Bắc Kạn để tu bổ, tôn tạo một số di tích lịch sử và thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, gần đây nhất là hỗ trợ tỉnh Bắc Kạn cùng các tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão.
“Bắc Kạn có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và di sản văn hóa dân tộc đặc sắc là lợi thế để phát triển du lịch. Bên cạnh đó, Bắc Kạn cũng có tiềm năng phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản; phát triển kinh tế rừng, tạo nguồn tín chỉ carbon. Tỉnh cũng đã đang thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, điện gió, điện sinh khối, khu dân cư, khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng…
Bắc Kạn mong muốn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ, liên kết để khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… của các địa phương, nhất là hợp tác về xúc tiến đầu tư, phát triển nông nghiệp, công thương, du lịch,” ông Nguyễn Đăng Bình chia sẻ.
Trong khi đó, ông Bùi Thanh An, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An cho biết, thông qua chương trình hợp tác kinh tế xã hội Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành vùng Bắc Trung Bộ, các sở, ngành Thành phố Hồ Chí Minh và Nghệ An đã chủ động trao đổi thông tin, kinh nghiệm, tích cực phối hợp tổ chức và tham gia triển khai thực hiện sự kiện hợp tác.
Các doanh nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An đã chủ động, tích cực khảo sát, tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư kinh doanh.
Giai đoạn 2023 -2024, tỉnh Nghệ An đã thu hút được 3 dự án đầu tư của nhà đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư đăng ký là 613 tỷ đồng. Nhiều sản phẩm nông lâm thủy sản, sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP Nghệ An đã được tiêu thụ tại Thành phố Hồ Chí Minh; ngược lại, nhiều sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao như giống, vật tư nông nghiệp, máy móc thiết bị,... của các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường tỉnh Nghệ An.
Nghệ An đề xuất Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường hợp tác xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư vào các khu kinh tế, hạ tầng logistics; kết nối tour tuyến du lịch để khai thác tiềm năng du lịch có thế mạnh ở địa phương như du lịch biển, du lịch văn hóa-lịch sử; hỗ trợ đào tạo nhân lực và chuyển giao các kỹ thuật chuyên sâu trong lĩnh vực y tế, khoa học công nghệ; trao đổi kinh nghiệm về xây dựng và phát triển Đại học Quốc gia, các trường Đại học quốc tế.
Bà Trần Thị Diệu Thuý, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng việc hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương phía Bắc, Bắc Trung Bộ trong thời gian qua đã có sức lan tỏa rộng trên nhiều lĩnh vực như đầu tư, thương mại, nông nghiệp, văn hoá, du lịch, y tế… mở ra nhiều không gian phát triển mới cho cả Thành phố và các địa phương.
Trước tình hình kinh tế-xã hội trong nước dự báo tiếp tục phát triển nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, từng địa phương phải đổi mới tư duy phát triển, tập trung nâng cao năng lực, tận dụng thời cơ, chuyển hướng và tổ chức lại, cơ cấu lại các hoạt động kinh tế; xây dựng mô hình phát triển mới, tận dụng tốt cơ hội thị trường và xu hướng chuyển dịch đầu tư.
Theo bà Trần Thị Diệu Thuý, thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung tổ chức các hoạt động hợp tác có trọng tâm, trọng điểm: Tăng cường hoạt động kết nối cung-cầu, xúc tiến đầu tư-thương mại; nghiên cứu, đề xuất bố trí vị trí để mở rộng chuỗi cung ứng, bán lẻ hàng hóa tại các tỉnh, showroom trưng bày sản phẩm đặc trưng của các tỉnh tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa trong hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế nông nghiệp, kinh tế thị trường- chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm tạo chuyển hóa tiềm năng, lợi thế của các địa phương thành giá trị cụ thể, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội chung của từng vùng./.