Hệ sinh thái ngân hàng mở: Công cụ xây dựng thành phố thông minh ở Hà Nội
Việc xây dựng thành phố thông minh với hệ thống thanh toán thông minh đóng vai trò then chốt đã và đang giúp Hà Nội từng bước chuyển mình và có những đột phá trong quá trình phát triển.
Chia sẻ tại hội thảo "Hà Nội - Thành phố thông minh và Hệ sinh thái ngân hàng mở" do Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) và Báo Tiền phong tổ chức ngày 2/10, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội chia sẻ việc phát triển các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như thẻ ngân hàng, ví điện tử, mã QR và thanh toán qua di động đã mang lại nhiều lợi ích to lớn cho người dân Thủ đô.
Thành phố thông minh phải đạt được 2S
Theo ông Hải, việc xây dựng thành phố thông minh với hệ thống thanh toán thông minh đóng vai trò then chốt đã và đang giúp Hà Nội từng bước chuyển mình và có những đột phá trong quá trình phát triển. Từ việc triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trong dịch vụ công, giao thông, an sinh xã hội đến hóa đơn điện tử và tuyến phố thanh toán thông minh, Hà Nội bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng trong quá trình phát triển đô thị số.
Lãnh đạo Hà Nội cho rằng giữa bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Thủ đô xác định rằng việc xây dựng một đô thị thông minh là điều tất yếu và cấp thiết. Thành phố thông minh không chỉ là giải pháp để giải quyết những thách thức về dân số, môi trường, giao thông và quản lý tài nguyên, mà còn là nền tảng để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tối ưu hóa quản lý đô thị và phát triển xanh, toàn diện, bao trùm, bền vững.
Chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là chìa khóa để Hà Nội tiếp tục phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và đặc biệt là nâng cao chất lượng sống cho người dân. Với quan điểm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong phát triển, chuyển đổi số không chỉ giúp xây dựng một hệ thống dịch vụ công minh bạch, hiện đại và hiệu quả mà còn góp phần vào quá trình xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô và của đất nước, đem đến hạnh phúc cho người dân.
Nói về chủ đề thành phố thông minh, ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - dẫn lại phát biểu của một vị tiến sĩ, ông nói rõ quan điểm "thành phố thông minh phải đạt được 2S: Sạch và số." Mối quan hệ mật thiết giữa thành phố thông minh và chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng là vô cùng quan trọng.
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng đã minh họa rõ ràng mối quan hệ này tại hội thảo khi nêu bật bức tranh phát triển mới của Hà Nội - một thành phố hiện đại và tiên tiến, đang đi đầu trong quá trình chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu trở thành thành phố thông minh. Ông Dũng cũng đề cập đến một bức tranh khác của ngành Ngân hàng, đó là hệ sinh thái ngân hàng mở - một khái niệm còn khá mới mẻ.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết dưới sự định hướng, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đang dần chuyển mình, thay đổi mô hình hoạt động truyền thống sang mô hình ngân hàng mở, gắn liền với sự kết nối và tích hợp nền tảng công nghệ, giải pháp thanh toán, chia sẻ dữ liệu... nhằm phát triển một hệ sinh thái số, hệ sinh thái ngân hàng mở.
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành và trình ban hành nhiều quy định nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực ngân hàng - thanh toán, tăng cường chuẩn hóa, liên thông trong ngành ngân hàng và giữa ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, hiện đại, an toàn và thuận tiện.
Sẵn sàng về hạ tầng
Với vai trò là đơn vị đang định hướng phát triển “số hoá thanh toán” để hỗ trợ thành phố Hà Nội xây dựng đô thị thông minh, ông Nguyễn Hoàng Long - Phó Tổng Giám đốc NAPAS cho biết đơn vị đang định hướng phát triển “số hoá thanh toán” để hỗ trợ thành phố Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố khác xây dựng đô thị thông minh.
Hiện nay, NAPAS đang đẩy mạnh số hoá, thanh toán qua điện thoại di động như chuyển tiền nhanh 24/7, sử dụng thanh toán các dịch vụ, kể cả dịch vụ công. NAPAS hợp tác với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Ứng dụng VNeID … Các dịch vụ công như cấp phiếu lý lịch tư pháp có thể triển khai qua ứng dụng VNeID và thanh toán phí qua ứng dụng NAPAS trên điện thoại di động, từ nguồn tiền thẻ, tài khoản…
Cùng với đó, NAPAS đang đẩy mạnh tích hợp số hoá trên điện thoại di động, tích hợp thẻ trên điện thoại di động, hướng tới việc sử dụng điện thoại di động để “thanh toán thông minh” nhiều dịch vụ.
“Hiện chúng tôi đang thí điểm thanh toán vé xe điện Vinbus và tiếp tục đề xuất phối hợp mở rộng thanh toán với các tuyến xe buýt khác, các điểm giao thông công cộng, hướng tới phục vụ người dân “thanh toán thông minh” khi sử dụng dịch vụ,” ông Long cho biết.
Còn bà Đoàn Hồng Nhung - Giám đốc khối Bán lẻ, Ngân hàng Vietcombank chia sẻ hiện đã có nhiều giải pháp liên quan đến dịch vụ công, thanh toán tiện ích, học phí, viện phí. Hiện nhân viên xe bus sử dụng QR trên mobile cho khách hàng thanh toán không cần vé giấy. Vietcombank đề xuất giải pháp mobile banking phát hành thẻ dư nợ để tích hợp dịch vụ này, rút ngắn thời gian thực hiện giao dịch của khách hàng.
“Vietcombank đang phối hợp nhiều hoạt động với Cục Cảnh sát về quản lý hành chính về trật tự xã hội - C06, trong đó có ứng dụng dữ liệu cá nhân trong các hoạt động thanh toán giao thông thông minh không dùng tiền mặt. Tới đây tiên phong trong việc gửi xe, đỗ xe không dùng tiền mặt. Những thay đổi nhỏ nhưng mang lại chuẩn 2S là sạch và số như Ngân hàng Nhà nước mong muốn. Hiện nay thành phố dùng QR để trả phí đỗ xe nhưng thời gian tới nên dùng VNeID thì tốt hơn,” bà Nhung nhấn mạnh.
Các đại biểu cũng cho biết tại Việt Nam, một số ngân hàng đã tiên phong trong việc tích hợp dịch vụ với các đối tác cung ứng, mở ra hướng đi mới cho ngành tài chính. Tuy nhiên, để thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của ngân hàng mở, cần phải tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, nâng cấp hạ tầng công nghệ, đồng thời đảm bảo an ninh và bảo mật dữ liệu. Điều này đòi hỏi nâng cao nhận thức của người dân về các dịch vụ tài chính số và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khách hàng ngân hàng, nhằm tạo nên một hệ sinh thái tài chính bền vững và an toàn.
Do đó, trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia đã nêu ra nhiều vấn đề liên quan đến quản lý đô thị, xử lý các vấn đề công nghệ và hoàn thiện hành lang pháp lý. Việc xây dựng thành phố thông minh không chỉ dừng lại ở yếu tố công nghệ và kỹ thuật, mà còn liên quan chặt chẽ đến thể chế, luật pháp và sự thay đổi trong phương thức quản lý. Đặc biệt, tại thành phố Hà Nội - nơi có quy mô kinh tế và dân cư lớn, các thách thức này cần được xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo sự phát triển toàn diện./.