TP.HCM: Đề xuất xây dựng mới Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình
Phó Chủ tịch HĐND Thành phố đề nghị, lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo Bệnh viện cần nghiên cứu kỹ, đề xuất xây dựng mới lại bệnh viện ở vị trí hiện hữu hay một vị trí khác, làm sao phải phù hợp.
Sau gần 40 năm hình thành và phát triển, quy mô khám, điều trị bệnh đã tăng gấp 680 lần nhưng cơ sở vật chất, hạ tầng của Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh vẫn y nguyên như lúc ban đầu.
Tình trạng xuống cấp, quá tải, thậm chí tiềm ẩn những mối nguy hiểm chực chờ tại bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối của Thành phố Hồ Chí Minh này.
Khó khăn bủa vây
Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh là bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối của thành phố được thành lập từ năm 1985 quy mô ban đầu 500 giường bệnh.
Thực tế nhiều năm qua, trước nhu cầu khám, chữa bệnh về chuyên khoa chấn thương chỉnh hình ngày càng tăng của người dân, Bệnh viện đã thực kê lên 600 giường bệnh. Mặc dù vậy, công suất sử dụng giường bệnh luôn vượt quá số giường thực kê.
Chỉ tính trong 9 tháng của năm nay, công suất sử dụng giường bệnh của Bệnh viện này vượt quá tỷ lệ giường kế hoạch là 117% và giường thực kê là 102%. Xét về quy mô khám, điều trị bệnh hiện nay, số lượt bệnh nhân nhập viện tăng gấp 680 lần, số lượt khám ngoại trú tăng gấp hơn 660 lần so với quy mô ngày đầu thành lập.
Trong khi đó, diện tích bệnh viện không thay đổi, cơ sở hạ tầng ngày càng xuống cấp, quỹ đất hạn hẹp không thể xây dựng thêm phòng mổ. Hàng ngày, Bệnh viện phải tiếp nhận, điều trị hàng ngàn lượt bệnh nhân, dẫn đến thường xuyên trong tình trạng quá tải.
[TP Hồ Chí Minh: Nối thành công bàn tay bị đứt lìa cho bé trai 5 tuổi]
Báo cáo tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ngày 2/11, bác sỹ Hoàng Mạnh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình thành phố, cho biết theo tiêu chuẩn, diện tích sàn xây dựng bình quân là 80-90m2/giường bệnh. Hiện nay, diện tích trung bình của Bệnh viện chỉ là 26m2/giường bệnh, thấp hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn chung.
Bên cạnh đó, các trang thiết bị, máy móc đều đã sử dụng trên 20 năm, vận hành ở tần suất cao, dễ hư hỏng nhưng không có điều kiện thay mới. Thực tế từ năm 2010 đến nay, việc mua sắm trang thiết bị y tế của Bệnh viện đều trích từ nguồn quỹ phát triển sự nghiệp của đơn vị nên rất hạn chế. Bệnh viện còn thiếu nhiều loại máy móc như máy C-Arm, máy MRI, O-Arm, hệ thống ni-tơ lỏng, thiếu dụng cụ lắp đặt cho bệnh nhân…
Việc Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình nằm liền kề ký túc xá Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng với cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng tiềm ẩn các mối nguy hiểm chực chờ.
Thực tế, những năm trước đây, tình trạng tấm đan bêtông, ống nước bằng sắt, nước thải từ bô rác ký túc xá này trực tiếp rơi, chảy sang Bệnh viện đã xảy ra. Đỉnh điểm, năm 2019, ký túc xá đã hai lần xảy ra hỏa hoạn khiến nhân viên Bệnh viện và bệnh nhân hoảng hốt, lo sợ. Mặc dù vậy, Dự án xây dựng mới Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình tại khu Nam Sài Gòn, huyện Bình Chánh đã được phê duyệt 14 năm nhưng vẫn chưa triển khai.
Là bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối của Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình tiếp nhận hàng trăm lượt bệnh nhân đến từ các tỉnh, thành phố khác. Năm 2023, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình được Bảo hiểm Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh giao dự toán 412 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 8 tháng năm nay, đơn vị sử dụng gần 367 tỷ đồng. Với hơn 45 tỷ đồng còn lại, lãnh đạo Bệnh viện cho rằng sẽ không đảm bảo hoạt động khám, chữa bệnh Bảo hiểm Y tế cho 4 tháng còn lại của năm nay.
Lượng bệnh nhân từ các tỉnh, thành khác chuyển đến gấp 4 lần lượng bệnh nhân của Thành phố. Nhiều trường hợp sử dụng các kỹ thuật cao, chi phí lớn như phẫu thuật nội soi, thay khớp… Bệnh viện không thể từ chối bệnh nhân từ các tỉnh, thành khác, điều này khiến chi phí sử dụng Quỹ Bảo hiểm Y tế của đơn vị tăng cao, vượt quá khả năng dự toán của Bệnh viện. Khi hết Quỹ bảo hiểm, Bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn và sẽ làm gián đoạn việc khám, điều trị cho người bệnh bảo hiểm y tế, bác sỹ Hoàng Mạnh Cường bày tỏ.
Xây mới bệnh viện là nhu cầu cấp thiết
Đề xuất với Đoàn giám sát Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, bác sỹ Hoàng Mạnh Cường kiến nghị cần sớm chấm dứt dự án xây dựng mới bệnh viện tại khu Nam Sài Gòn, huyện Bình Chánh đã tồn tại trên giấy 14 năm qua. Đồng thời triển khai xây dựng bệnh viện mới tại vị trí hiện hữu (bao gồm cả khu đất ký túc xá Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng).
Trong thời gian chờ xây dựng bệnh viện mới, lãnh đạo Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình đề xuất xin tiếp nhận cơ sở vật chất của Bệnh viện Dã chiến số 13 (Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đang có kế hoạch giải thể bệnh viện này) để tạm thời sử dụng cho mục đích khám, chữa bệnh.
Cùng ý kiến, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng trước mắt, phải sớm kết thúc dự án xây dựng Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình ở khu Nam Sài Gòn, huyện Bình Chánh bởi chỉ khi chấm dứt dự án này mới có thể đề xuất triển khai dự án xây dựng khác liên quan đến Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình. Ông nhìn nhận, việc xây dựng mới Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình là nhu cầu khẩn thiết nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc chưa giải quyết được.
Ông Nguyễn Anh Dũng kiến nghị: “Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình nằm trong nhóm công trình khẩn cấp cần giải quyết vì đang có nguy cơ mất an toàn cao, cần giải pháp khẩn thiết để sớm chấm dứt tình trạng trên. Điều này vượt quá khả năng của Sở Y tế, do đó, Sở kiến nghị Hội đồng Nhân dân Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố sớm có giải pháp giải quyết triệt để.”
Chia sẻ khó khăn Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình gặp phải nhiều năm qua, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng việc đầu tư xây dựng mới Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình quá chậm; trong khi đó, lượng bệnh nhân đến bệnh viện này ngày một tăng cao. Do đó, cần có phương án phù hợp và đẩy nhanh tiến độ xây dựng mới bệnh viện này.
Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố đề nghị, lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo Bệnh viện cần nghiên cứu kỹ, đề xuất xây dựng mới lại bệnh viện ở vị trí hiện hữu hay một vị trí khác, làm sao phải phù hợp quy mô, tầm vóc của một bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối.
Trong khi chờ đợi các phương án xây dựng được đưa ra, ông Nguyễn Văn Dũng đề nghị Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình giải quyết các vấn đề trước mắt trong điều kiện hiện tại, đảm bảo hoạt động khám, chữa bệnh, tính toán đến sự an toàn của người bệnh, nhân viên y tế. Bệnh viện sắp xếp hợp lý, đình kỳ sửa chữa cơ sở vật chất hiện có và có chính sách giữ chân y bác sỹ, mua sắm trang thiết bị, giải quyết các vấn đề môi trường bên trong và bên ngoài bệnh viện.
“Chúng tôi ghi nhận các khó khăn và kiến nghị của Bệnh viện, Hội đồng Nhân dân Thành phố sẽ có buổi giám sát tại Ủy ban Nhân dân Thành phố để bàn về việc xây dựng mới Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình để làm sao sớm có một bệnh viện mới phục vụ người bệnh, phù hợp với tầm vóc của một bệnh viện tuyến cuối,” ông Nguyễn Văn Dũng khẳng định./.