Ung thư vẫn là một gánh nặng bệnh tật đầy thách thức đối với Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị các cơ sở y tế trên cả nước cần tăng cường các hoạt động phòng chống ung thư ở tất cả các tuyến y tế, đặc biệt tuyến cơ sở.
Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 182.600 người mới mắc bệnh ung thư, khoảng 122.700 người tử vong và hiện có hơn 350.000 bệnh nhân đang sống chung với căn bệnh này.
Phát biểu tại Hội thảo Ung thư Việt Pháp “Kỷ nguyên mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư,” được tổ chức ngày 2/11, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phân tích ung thư là gánh nặng bệnh tật rất lớn, ảnh hưởng đến nguồn lực lao động xã hội và sự phát triển kinh tế đất nước. Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực về chủ trương chính sách và thực thi hoạt động kiểm soát ung thư, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
[‘Bệnh viện K cần sớm trở thành Trung tâm ung bướu hàng đầu khu vực’]
Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế và toàn xã hội, công tác phòng chống ung thư đã có nhiều bước phát triển vượt bậc. Trong những năm 2000, cả nước chỉ có 3 bệnh viện chuyên ngành, 14 khoa ung thư tại bệnh viện đa khoa tỉnh, nhưng đến năm 2023, mạng lưới phòng chống ung thư trên toàn quốc đã phát triển mạnh mẽ và rộng khắp với 11 bệnh viện chuyên khoa, 83 trung tâm/khoa/đơn vị ung bướu với các trang thiết bị y tế hiện đại, trình độ chuyên môn ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới.
Bên cạnh các hoạt động khám, chữa bệnh, công tác hợp tác quốc tế đã được đẩy mạnh toàn diện, tích cực hội nhập, trao đổi kinh nghiệm và chuyển giao kỹ thuật với nhiều bệnh viện/viện trên Thế giới, cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị theo các tiêu chuẩn quốc tế đã giúp nâng tỷ lệ chữa khỏi một số bệnh ung thư ở Bệnh viện K, Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh và một số bệnh viện chuyên khoa ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.
Công tác nghiên cứu khoa học cũng càng ngày được quan tâm, huy động được sự tham gia đông đảo của đội ngũ cán bộ y tế, chuyên gia giỏi cả ở trong nước và quốc tế.
“Một thuận lợi lớn nữa cho người bệnh ung thư là hầu hết các xét nghiệm chẩn đoán và phương pháp điều trị đều được bảo hiểm y tế chi trả toàn bộ hoặc một phần mặc dù chi phí hết sức tốn kém. Bên cạnh đó, ngành Y tế đã triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền phòng chống ung thư, các chương trình giúp người dân khám sàng lọc, phát hiện ung thư sớm tại cộng đồng…” Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ sở y tế trên cả nước cần tăng cường các hoạt động phòng chống ung thư ở tất cả các tuyến y tế, đặc biệt tuyến cơ sở cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền cho người dân đi khám sàng lọc phát hiện sớm và chăm sóc người bệnh ung thư dựa vào cộng đồng.
Đặc biệt, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn yêu cầu các bệnh viện như Bệnh viện K, Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, các bệnh viện lớn chuyên khoa ung thư cần chú trọng đến việc phối hợp với sở y tế, bệnh viện các tỉnh xây dựng các cơ chế phối hợp, để thu hút người dân đến khám chữa bệnh, giảm tải cho các bệnh viện trung ương, người dân được hưởng các dịch vụ y tế tốt nhất ngay tại chính địa phương của mình.
Hội thảo Ung thư Việt Pháp với chủ đề “Kỷ nguyên mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư,” diễn ra vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Viện Curie Đông Dương - Bệnh viện K (1923-2023).
Hội thảo thu hút 1.000 nhà khoa học trong nước và hơn 60 chuyên gia quốc tế đến từ Pháp, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Australia, Canada tới tham dự.
Hội thảo lần này là diễn đàn để các chuyên gia trong nước và quốc tế chuyên về lĩnh vực điều trị ung thư cùng nhau thảo luận để chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật dưới góc độ chuyên môn, chăm sóc toàn diện cho người bệnh và đưa ra một bức tranh toàn cảnh điều trị ung thư với các cập nhật tiến bộ mới nhất để tiến tới với mục tiêu kiểm soát ung thư./.