Việt Nam đã làm chủ được hầu hết các kỹ thuật tiên tiến về tim mạch
Giáo sư Nguyễn Lân Việt cho hay đến nay Việt Nam đã làm chủ được hầu hết các kỹ thuật tiên tiến về bệnh lý tim mạch tương đương các nước trong khu vực và Thế giới.
Trước đây, nhiều người Việt Nam mắc các bệnh tim mạch phải ra nước ngoài chữa bệnh, nay người dân đã có cơ hội tiếp cận các thành tựu khoa học tiên tiến ngay tại chỗ mà không còn phải ra nước ngoài.
Chia sẻ tại buổi họp báo về Đại hội Khoa học Tim mạch Đông Nam Á lần thứ 27, do Hội Tim mạch học Việt Nam tổ chức ngày 2/11, Giáo sư Nguyễn Lân Việt - Phó Chủ tịch thường trực của Hội đánh giá đến nay Việt Nam đã làm chủ được hầu hết các kỹ thuật tiên tiến về bệnh lý tim mạch tương đương các nước trong khu vực và Thế giới. Thậm chí, trong can thiệp tim bẩm sinh, thầy thuốc Việt Nam được mời đi nhiều quốc gia để chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật.
"Chính vì vậy, tỷ lệ bệnh nhân tim mạch phải ra nước ngoài gần như không có, rất ít," Giáo sư Việt khẳng định.
[Việt Nam làm chủ kỹ thuật mới điều trị rối loạn nhịp tim phức tạp]
Giáo sư Nguyễn Lân Việt dẫn chứng, đầu tuần qua, Viện Tim mạch Việt Nam đã làm chủ kỹ thuật mới điều trị rối loạn nhịp tim phức tạp và trở thành cơ sở đầu tiên ở Việt Nam điều trị thành công ca bệnh rung nhĩ bằng công nghệ rất mới là bóng áp lạnh. Kỹ thuật này nhằm ngăn ngừa cơn rối loạn nhịp tim tái phát và vãn hồi chức năng tim bị suy giảm, giúp bệnh nhân có cuộc sống và sinh hoạt bình thường trở lại.
Theo Hội Tim mạch học Việt Nam, cùng với sự thay đổi lối sống và già hóa dân số, gánh nặng các bệnh lý tim mạch đang ngày càng gia tăng trong khu vực, trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới. Chỉ riêng tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, gánh nặng bệnh tật và chi phí cũng tăng đáng kể.
Chia sẻ tại buổi họp báo, Phó giáo sư Phạm Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết ngành tim mạch Việt Nam trong những năm qua đã có nhiều bước tiến đáng kể, hội nhập được sâu rộng thế giới, đã triển khai ứng dụng được nhiều kỹ thuật tiên tiến có thể sánh ngang các nước trong khu vực và trên thế giới.
Tuy vậy, các bác sỹ vẫn cần trau dồi học tập từ kinh nghiệm của các nước phát triển và trong khu vực, để luôn có thể áp dụng, phát triển các thành tựu khoa học mới nhất trong chăm sóc sức khỏe tim mạch cho người dân.
Đại hội khoa học Tim mạch Đông Nam Á lần thứ 27 sẽ diễn ra từ ngày 3 đến 5/11 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội với chủ đề: "Giao thoa tim mạch: Thách thức và Cơ hội." Hơn 2.000 đại biểu trong, ngoài nước, trong đó có 300 chuyên gia tim mạch hàng đầu ASEAN và thế giới, tham dự và báo cáo.
Đại hội có hơn 80 phiên khoa học, dành riêng một chuyên đề về ứng dụng AI, tiềm năng trong tim mạch.
Ngành tim mạch Việt Nam gia nhập cộng đồng tim mạch ASEAN từ năm 2004, từ đó đến nay luôn có những đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của khu vực.
Năm 2008, Đại hội khoa học Tim mạch Đông Nam Á lần thứ 17 được tổ chức tại Hà Nội đã gây được tiếng vang lớn với các nước thành viên trong Liên đoàn Tim mạch Đông Nam Á cũng như các cộng đồng tim mạch khác trên thế giới bởi quy mô, chất lượng chương trình.
Sau 15 năm, Hội Tim mạch học Việt Nam được Liên đoàn Tim mạch Đông Nam Á giao nhiệm vụ đăng cai tổ chức Đại hội khoa học Tim mạch Đông Nam Á (AFCC2023) lần thứ 27 (từ ngày 3 đến 5/11). Đây là một sự kiện quan trọng, mang tầm quốc tế của chuyên ngành tim mạch Việt Nam và là cơ hội cho các thầy thuốc Việt Nam và trong khu vực có thể trao đổi, cập nhật và bổ sung các kiến thức, kỹ năng chuyên môn.
Bên cạnh đó, Đại hội cũng là cơ hội lan tỏa những thông điệp sức khỏe đến người dân trong công cuộc phòng chống lại bệnh lý tim mạch đang gia tăng ở Việt Nam với mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe tim mạch cho người dân Việt Nam./.