Tổ chức Trại sáng tác văn học nghệ thuật "Sống mãi với thời gian" 2023
Trại sáng tác năm 2023 nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các văn nghệ sỹ tiếp tục phát huy thành tựu của các thế hệ đi trước, kiến tạo thành tích mới tự hào cho nền văn học nghệ thuật nước nhà.
Lễ khai mạc Trại sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” năm 2023 đã diễn ra sáng 20/10 tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc.
Hoạt động do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức nhằm phát huy sức sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sỹ trong sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật chất lượng, có quy mô, tầm vóc và tư tưởng lớn, hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930-3/2/2030), 85 năm ngày Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2030).
Trại sáng tác là hoạt động đầu tiên của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới; kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021; Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nêu rõ, việc lần đầu tiên tổ chức trại sáng tác là một hoạt động minh chứng cụ thể cho ngành văn hóa thể thao và du lịch đang tích cực triển khai các quan điểm, nhiệm vụ đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Sau lễ phát động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” diễn ra vào tháng 12/2022 tại Hải Phòng, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 200 đề cương, bản thảo ở nhiều thể loại khác nhau. Hội đồng lựa chọn 48 tác giả có tác phẩm có chất lượng tốt tham gia trại sáng tác.
Trại sáng tác khu vực phía Bắc sẽ diễn ra từ ngày 19-25/10 tại Nhà sáng tác Tam Đảo với sự tham gia của 23 văn nghệ sỹ.
Tiếp đó, trại sáng tác khu vực phía Nam dự kiến diễn ra từ ngày 28/10 đến ngày 3/11 tại Nhà sáng tác Vũng Tàu, với 25 văn nghệ sỹ.
Các tác giả tham gia được Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam giới thiệu và một số tác giả tự do được Hội đồng thẩm định lựa chọn.
["Nghệ sỹ phải tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các nhiệm vụ XH"]
Thứ trưởng Tạ Quang Đông mong muốn các văn nghệ sỹ có những trải nghiệm thật thiết thực, bổ ích, bằng việc làm cụ thể, lao động miệt mài trên cánh đồng nghệ thuật để có hoa thơm, trái ngọt sống mãi với thời gian, tận hiến tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống xã hội, công cuộc đổi mới đất nước…
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương liên quan, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội chuyên ngành để từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động trại sáng tác văn học, nghệ thuật trong thời gian tới. Đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho các văn nghệ sỹ tiếp tục phát huy thành tựu của các thế hệ đi trước, kiến tạo thành tích mới tự hào cho nền văn học nghệ thuật nước nhà.
Trong khuôn khổ trại sáng tác, các văn nghệ sỹ tiến hành tọa đàm trao đổi, định hướng nội dung sáng tác; viết đề cương, bản thảo; đi thực tế tại Làng văn hóa kiểu mẫu, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc; Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh; Khu di tích văn hóa tỉnh Bắc Ninh với trại viên ở khu vực phía Bắc; Khu di tích quê hương chị Võ Thị Sáu, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; tham quan các khu di tích lịch sử, văn hóa tại thành phố Vũng Tàu với đối với trại viên khu vực phía Nam.
Các bản thảo tác phẩm được chọn, hoàn thiện sẽ được Nhà nước đầu tư chuyển thể, dàn dựng.
Các văn nghệ sỹ có thể sáng tác ở nhiều thể loại. Đối với văn học là tiểu thuyết và trường ca; sân khấu là kịch nói, tuồng, chèo, cải lương, ca kịch; âm nhạc là giao hưởng, hợp xướng, nhạc kịch; mmúa là thơ múa, tổ khúc và kịch múa…
Nội dung hướng tới đề tài về cách mạng trong thời kỳ đổi mới; ca ngợi truyền thống lịch sử vẻ vang của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh; thắng lợi và thành tựu to lớn của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; phản ánh hiện thực xã hội; tấm gương người tốt việc tốt; xây dựng nhân cách con người Việt Nam trước tình hình và yêu cầu mới; ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân hăng hái thi đua yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; quảng bá, nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước…
Theo Ban Tổ chức, lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, từ Đề cương văn hóa năm 1943 đến Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến khi đất nước bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng.
Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" đã xác định văn học nghệ thuật là một trong 10 nhiệm vụ trọng tâm.
Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" tiếp tục khẳng định phát triển văn học, nghệ thuật là một trong các nhiệm vụ then chốt.../.