'Huyền thoại tuổi thanh xuân': Dựng sân khấu từ 5 tấn đất Đồng Lộc
Nhằm mang đến trải nghiệm có thật cho diễn viên và khán giả xem vở diễn "Huyền thoại tuổi thanh xuân," ê-kíp sản xuất đã mang 5 tấn đất từ Ngã ba Đồng Lộc lên sân khấu Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Chương trình “Huyền thoại tuổi thanh xuân” sẽ công diễn tối 20/10 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, tái hiện hình ảnh 10 cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh anh dũng tại Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
Trong không gian bảo tàng, những hiện vật lịch sử sẽ hiện diện, cùng các diễn viên kể câu chuyện bi hùng của những nữ liệt sỹ nơi chiến trường Đồng Lộc.
Đáng chú ý nhất là tác giả-đạo diễn Lê Quý Dương, được sự đồng ý của Ban quản lý Khu Di tích Đồng Lộc, đã lấy 5 tấn đất ở đây vận chuyển về Hà Nội dàn dựng sân khấu.
“Chúng ta biết rằng trong mỗi tấc đất tại chiến trường Đồng Lộc có dấu vết đạn bom và xương máu của hơn 4.000 người đã hy sinh. Đây là một điều có thật chứ không phải hình tượng hóa. Bởi vậy, việc đưa 5 tấn đất Đồng Lộc vào sắp đặt trang trí mỹ thuật trong chương trình rất có ý nghĩa về mặt cảm xúc,” ông Lê Quý Dương bày tỏ.
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, đạo diễn Lê Quý Dương tin rằng khán giả và du khách tới thăm bảo tàng sẽ cảm nhận được câu chuyện thiêng liêng của 10 cô gái thanh niên xung phong anh hùng tại chiến trường Ngã ba Đồng Lộc.
[Đạo diễn Lê Quý Dương: Sân khấu online là hướng đi của hội nhập]
“Hơn thế nữa, tôi muốn tạo nên cảm xúc chân thực và sâu lắng nhất cho các bạn diễn viên trẻ khi họ được đứng trên chính những lớp đất của chiến trường năm xưa, được trải nghiệm và có ý thức rằng chương trình không chỉ đơn thuần là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là sự tri ân của thế hệ hôm nay dành cho những người đã ngã xuống vì Tổ quốc,” đạo diễn chia sẻ.
Có mặt trong buổi tổng duyệt chương trình, Đại tá, nhà thơ Đặng Vương Hưng rất xúc động.
“Thế mạnh của bảo tàng là hiện vật. Do đó, việc sử dụng vỏ bom, đất từ Đồng Lộc sẽ tạo nên cảm xúc mạnh mẽ cho cả diễn viên và khán giả. Câu chuyện của 10 nữ thanh niên xung phong đã trở thành cảm hứng cho nhiều tác phẩm điện ảnh, sân khấu, do đó, việc dàn dựng một vở mới là không hề dễ dàng. Ở tác phẩm này, đạo diễn Lê Quý Dương đã thành công trong việc chạm đến trái tim người xem,” Đại tá Đặng Vương Hưng nhận định.
Kể về hành trình viết kịch bản “Huyền thoại tuổi thanh xuân,” đạo diễn Lê Quý Dương đã nhiều lần đến chiến trường xưa, viếng mộ các nữ liệt sỹ và đọc rất nhiều tài liệu. Khi cảm xúc tích tụ đủ, anh đã viết liên tục trong 3 ngày.
“Với tư cách là một nhà viết kịch chuyên nghiệp, tôi bỗng thấy mình có một cảm xúc rất mới. Tôi có cảm giác ai đó đang mượn ngón tay mình để viết ra. Tôi thấy sáng tạo đang đi qua tôi, chứ không đi từ tôi. Tôi không áp đặt chủ quan của mình vào đời sống của nhân vật. Tôi để cho họ nguyên bản, 'sống' cùng tôi và chia sẻ với tôi những gì họ muốn,” đạo diễn chia sẻ.
Đạo diễn tuyển chọn diễn viên một cách gắt gao và kiên định để thể hiện hình tượng 10 cô gái Đồng Lộc. Mục tiêu là phải tìm ra được 10 cô gái đang ở độ tuổi từ 18 đến 24, đúng với lứa tuổi của 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc năm xưa.
“Tôi không hướng tới việc chọn 10 nữ diễn viên có kỹ thuật diễn xuất giỏi để nhập vai 10 nữ liệt sỹ mà tìm kiếm những người đủ nhạy cảm và sự chân thật để mang lại cảm xúc cho khán giả,” đạo diễn Lê Quý Dương nhấn mạnh.
Đặc biệt, đạo diễn Lê Quý Dương còn mời Nghệ sỹ Nhân dân Hoàng Cúc làm người dẫn chuyện trong vở diễn.
Sau buổi công diễn, chương trình sẽ phục vụ khán giả vào tối thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội./.
Một số hình ảnh trong vở diễn: