Tỉnh Đồng Nai sẽ xây dựng 10.000 căn nhà ở xã hội vào năm 2025

Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cho biết hiện toàn tỉnh có hơn 20.000 khu nhà trọ với khoảng 150.000 phòng trọ, đáp ứng trên 450.000 chỗ ở cho người lao động.

Dự án Nhà ở Xã hội tại thành phố Long Khánh (Đồng Nai) có quy mô hơn 1.000 căn hộ. (Ảnh: Công Phong /TTXVN)

Tại Đồng Nai, nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn khi địa phương có trên 400.000 công nhân đang ở trọ.

Đến năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu sẽ xây dựng 10.000 căn nhà ở xã hội cho những người có thu nhập thấp, đặc biệt là công nhân lao động trong các nhà máy trên địa bàn.

Mong chờ nhà ở xã hội

Theo khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, công nhân, người lao động đang phải sống cùng gia đình trong các phòng trọ chật chội, nóng bức với mức chi phí khoảng từ 1-1,5 triệu đồng/tháng.

Đa phần người lao động, nhất là những lao động có thu nhập thấp, đang mong chờ vào các dự án nhà ở xã hội để có thể mua được căn nhà trả góp, phù hợp với thu nhập.

Anh Vũ Thế Viết, Công ty Chang Shin Việt Nam (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) cho biết, anh cùng vợ rời quê hương Hà Tĩnh vào Đồng Nai làm công nhân được gần 13 năm.

Mức lương công nhân ít ỏi chỉ đủ trang trải cuộc sống và nuôi 2 con ăn học, nên gia đình anh vẫn ở trong căn phòng trọ 15 m2. Anh và vợ luôn mơ ước mua được một căn hộ nhỏ cho riêng mình và được trả góp hàng tháng để ổn định cuộc sống.

“Khi nghe tin tỉnh Đồng Nai đang triển khai xây dựng hàng loạt dự án nhà ở xã hội giá rẻ cho công nhân, tôi và những người đồng nghiệp rất vui mừng và mong chờ các dự án sớm được hoàn thành và những người lao động thu nhập thấp như chúng tôi sớm được mua nhà trả góp, không còn phải đi thuê trọ,” anh Viết chia sẻ. Đây không chỉ là mơ ước của riêng gia đình anh Viết, mà là điều mong mỏi của hàng trăm nghìn người lao động đang sinh sống, làm việc lâu năm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cho biết hiện toàn tỉnh có hơn 20.000 khu nhà trọ với khoảng 150.000 phòng trọ, đáp ứng trên 450.000 chỗ ở cho người lao động.

Theo khảo sát về nhu cầu nhà ở, hơn 50% người lao động cho biết giá trị căn hộ phù hợp với khả năng tài chính có thể thanh toán được của họ chỉ dưới 300 triệu đồng/căn. Tài sản và mức chi trả của người lao động rất hạn chế, nên việc sở hữu căn hộ đối với họ thực sự là bài toán khó.

Khó tiếp cận vốn ưu đãi

Dự án Nhà ở Xã hội tại thành phố Long Khánh (Đồng Nai) có tổng cộng hơn 1.000 căn, trong đó có 592 căn nhà xã hội liền kề, 462 căn nhà xã hội chung cư và 134 căn nhà thương mại liền kề.

Dự án nhà ở xã hội đang được xây dựng tại thành phố Long Khánh (Đồng Nai). (Ảnh: Công Phong /TTXVN)

Sau hơn 2 năm triển khai, đầu tháng 10/2023, dự án đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật 201 căn hộ nhà ở xã hội liền kề và được xác nhận đủ điều kiện bàn giao để đưa vào sử dụng.

Theo kế hoạch, cuối năm 2023, những người mua nhà sẽ về nơi ở mới nhưng hiện nhiều người vẫn chờ ngân hàng giải ngân hoặc phải từ bỏ quyền mua nhà vì không được vay vốn, số tiền vay được ít hơn so với giá trị căn nhà.

Chị L.K.P, giáo viên Trường Mầm non Xuân Tân (thành phố Long Khánh) cho biết trước đó chị đã bốc thăm trúng quyền được mua một căn thuộc Dự án Nhà ở Xã hội tại thành phố Long Khánh. Dù đã đóng số tiền cọc là 25% giá trị căn nhà nhưng đến thời điểm hiện tại, chị phải từ bỏ quyền mua nhà do không được vay vốn ưu đãi.

Nguyên nhân là do thu nhập hằng tháng của chị từ lương giáo viên quá thấp, khoảng 7 triệu đồng/tháng, chị lại đang nuôi con nhỏ, nếu làm hồ sơ cũng không được vay vốn ưu đãi mà gia đình lại không có tiền để trả hết toàn bộ căn nhà.

Không riêng trường hợp chị L.K.P khó tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, đã có nhiều trường hợp tương tự phải từ bỏ quyền được mua nhà. Ông Nguyễn Tấn Kiệt, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tư vấn thiết kế và xây dựng Thành Thắng cho biết tại Dự án Nhà ở Xã hội tại thành phố Long Khánh đến thời điểm này đã có 32 khách hàng từ bỏ quyền mua nhà. Hiện vẫn còn 80 khách hàng chưa được xem xét đủ điều kiện vay. Công ty lo khách hàng không vay được tiền sẽ bỏ quyền mua.

Ông Phan Trọng Đạt, đại điện Công ty cổ phần Thống Nhất (Dự án Nhà ở công nhân Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) cho biết, trong dự án, Công ty mới bán được 40/100 căn nhà. Nguyên nhân một phần cũng vì thủ tục vay vốn ưu đãi khó khăn, trong khi quỹ thời gian của công nhân không có.

Theo ông Nguyễn Sỹ Cường, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội, Chi nhánh Đồng Nai, nguyên tắc thẩm định khi cho vay là khách hàng phải chứng minh được khả năng trả nợ. Đối với những trường hợp có thu nhập thấp quá, không có khả năng chi trả thì sẽ không được vay hoặc được vay ít. Những người có khả năng trả nợ tốt lại rơi vào trường hợp đóng thuế thu nhập cá nhân và không được mua nhà ở xã hội.

Ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cho biết nhà ở xã hội là chính sách đúng đắn và mang tính nhân văn nhằm giúp người dân, đặc biệt là những người lao động có thu nhập thấp có điều kiện tiếp cận được nhà ở.

Tuy nhiên hiện nay, do các quy định “vênh” nhau nên hiệu quả chưa cao, cần có các giải pháp tháo gỡ. Ngân hàng Nhà nước tác động để các ngân hàng thương mại vào cuộc giúp chủ đầu tư, người mua nhà tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Sở Xây dựng sẽ tổng hợp các vướng mắc về thủ tục, tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng tháo gỡ, đồng thời tham mưu cho tỉnh chính sách vay vốn “thoáng” hơn đối với nguồn vay từ ngân sách tỉnh.

Đến thời điểm hiện tại, Đồng Nai có 2 dự án nhà ở xã hội đã bốc thăm chọn người mua, 5 dự án được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư. Các dự án này được triển khai, về đích đúng kế hoạch sẽ đáp ứng một phần mong mỏi của người dân, góp phần thực hiện mục tiêu 10.000 căn nhà ở xã hội.

Theo ông Nguyễn Tấn Kiệt, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tư vấn thiết kế và xây dựng Thành Thắng, chủ đầu tư dự án 1.000 căn nhà ở xã hội thành phố Long Khánh, đầu tháng 10 vừa qua, Công ty đã hoàn thành và tổ chức bốc thăm 201 căn. Đến cuối năm 2023, Công ty sẽ có thêm hơn 390 căn nhà ở xã hội bán ra thị trường.

Để hoàn thành mục tiêu 10.000 căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025, Quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức đề nghị các sở, ngành cần nỗ lực nhiều hơn. Trước mắt, tập trung cho 5 dự án đã có chủ trương.

Tiếp đó, Sở Xây dựng tổ chức hội nghị về nhà ở xã hội, nghiên cứu rút ngắn các thủ tục hành chính, thực hiện điều chỉnh quy hoạch xây dựng một số dự án.

Quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cũng yêu cầu Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Đồng Nai đẩy nhanh khâu thẩm định hồ sơ, hỗ trợ địa phương lập hồ sơ trình dự án mới./.