Vietnam Airlines: Chú trọng tái cơ cấu, phấn đấu cân đối thu-chi từ năm 2024
Vietnam Airlines tiếp tục nỗ lực triển khai các giải pháp tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm hướng đến mục tiêu cân đối được thu chi kinh doanh từ năm 2024.
Với việc xây dựng các kế hoạch và giải pháp đồng bộ trên mọi lĩnh vực, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đặc biệt chú trọng triển khai Đề án tái cơ cấu tổng thế, với các giải pháp hướng đến mục tiêu cân đối được thu chi kinh doanh từ năm 2024.
Hàng không quốc tế phục hồi, nội địa dự kiến khác thường
Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2023 của Vietnam Airlines vào sáng 16/12, theo ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, năm 2023, sau khi hàng loạt các quốc gia mở cửa hoàn toàn, các đường bay nội địa và quốc tế thường lệ đến các nước được nối lại đã giúp ngành hàng không duy trì hoạt động vận chuyển hành khách, cân đối được dòng tiền trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, ông Hà cũng đánh giá trong nửa đầu năm 2023, đà phục hồi thị trường vận tải hàng không diễn ra khá mạnh mẽ trong 4 tháng đầu năm tuy nhiên đã có xu hướng chậm lại trong quý 2; hoạt động vận tải hàng không quốc tế vẫn thấp hơn khá nhiều so với mức trước đại dịch; các yếu tố đầu vào quan trọng (giá nhiên liệu, lãi suất) tuy đã bình ổn hơn nhưng vẫn ở mức cao. Trong sáu tháng cuối năm 2023 hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn do các yếu tố đầu vào như giá nhiên liệu tăng cao, tỷ giá USD diễn biến bất lợi và khó lường.
Đi vào cụ thể, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết năm 2023, thị trường hàng không thế giới năm 2023 quay về mức 90% so với 2019, trong đó có thị trường Mỹ và Bắc Mỹ, châu Âu. Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương tăng trưởng chậm so với mức bình quân chung của thế giới và vẫn là “vùng trũng” phục hồi hàng không, trong đó có Việt Nam.
“Các Hãng hàng không Việt Nam phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc là rất lớn khi tổng tải cung ứng chiếm 25-30%. Khi thị trường hàng không nước bạn chưa phục hồi cũng sẽ ảnh hưởng đến Hãng bay Việt. Các đường bay đến châu Âu, Australia tải cung ứng của Vietnam Airlines quay về gần tương đương so với 2019 và Hãng cũng đã tăng tần suất hoặc mở thêm các đường bay mới này,” ông Hà thông tin thêm.
Vận tải hàng không nội địa dự kiến rất khác thường, chưa quay về đà phục hồi như năm 2022. Quý 1-2/2023 tăng trưởng tốt nhưng quý 3 sức mua chậm dẫn đến cao điểm Hè không như kỳ vọng. Quý 4/2023 tổng thị trường vận tải hàng không nội địa thấp hơn 2019 khoảng 10%, đây cũng là xu thế và diễn biến diễn ra vào năm 2024.
Đánh giá thị trường hàng không năm 2024 vẫn còn rất nhiều thách thức, theo ông Hà, thị trường vận tải hàng không thế giới sẽ phục hồi về giai đoạn trước dịch COVID-19 (năm 2019). Tuy nhiên, dự báo khu vực châu Á-Thái Bình Dương khả năng phục hồi sẽ thấp hơn 1-2 điểm so với năm 2019.
“Kinh tế thế giới sụt giảm, xung đột địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng là rủi ro, yếu tố tác động mạnh đến sự phục hồi của thị trường vận tải hàng không. Năm 2024, Vietnam Airlines xây dựng phương án kịch bản cao để sẵn sàng nguồn lực phi công tiếp viên kỹ sư và dự báo thị trường vận tải hàng không thế giới quay về 90% so với năm 2019. Do đó, Hãng sẽ mở thêm nhiều đường bay Việt Nam-Trung Quốc đồng thời theo dõi diến biến của thị trường để điều chỉnh về tải cung ứng,” ông Hà nói.
Giải pháp cốt lõi là nỗ lực tự thân
Để vượt qua thách thức, nắm bắt các cơ hội phục hồi và phát triển, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietnam Airlines cho hay Vietnam Airlines đã xây dựng các kế hoạch và giải pháp đồng bộ trên mọi lĩnh vực. Trong đó, Hãng đặc biệt chú trọng triển khai Đề án tái cơ cấu, với các giải pháp hướng đến mục tiêu cân đối được thu chi kinh doanh từ năm 2024.
Nội dung nổi bật được người đứng đầu Vietnam Airliens nhấn mạnh cốt lõi chính là giải pháp nội lực tự thân (tái cơ cấu doanh nghiệp bao gồm tái cơ cấu tài sản, nguồn vốn, đất đai và phương án sử dụng đất đai, thoái vốn đơn vị vốn góp, tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, nâng cao chất lượng nguồn lực, quản trị đổi mới doanh nghiệp, Chuyển đổi Số). Cùng với đó, các giải pháp sự hỗ trợ của Chính phủ - cổ đông lớn nhất của Vietnam Airlines là về cơ chế, chính sách.
Dẫn chứng, Vietnam Airlines đã thực hiện giải pháp cắt giảm chi phí, triệt để tiết kiệm. Tổng chi phí cắt giảm trong năm 2022 đạt xấp xỉ 7.226 tỷ đồng. Trong đó, chi phí cắt giảm được nhờ các giải pháp tự thân như nỗ lực đàm phán giảm giá, tiết kiệm… đạt khoảng 4.294 tỷ đồng.
Ngoài ra, Hãng đã thoái vốn tại Hãng Hàng không K6 (Camphuchia), bán và thanh lý máy bay; cải thiện tối đa từ kết quả sản xuất kinh doanh từ tăng thu và tận thu như mở đường bay mới (hướng tới thị trường quốc tế năm 2024); tái cơ cấu nguồn vốn (phát hành thêm trái phiếu để tăng vốn)…
“Hiện, Đề án đang trình và chờ Chính phủ sớm phê duyệt song Hãng cũng không ngồi chờ mà tiếp tục nỗ lực triển khai các giải pháp tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, bám sát Chiến lược Chuyển đổi Số Vietnam Airlines giai đoạn 2022-2026,” ông Hòa nói./.