Đắk Lắk đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD

Năm 2023, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức song tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực vượt khó trong phát triển kinh tế-xã hội, hoạt động xuất khẩu của tỉnh tiếp tục khởi sắc và đạt mục tiêu đề ra.

(Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Là tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, dư địa xuất khẩu của tỉnh Đắk Lắk, đặc biệt là xuất khẩu nông sản còn rất lớn. Bên cạnh đó, tỉnh có nhiều doanh nghiệp năng động, ham học hỏi, tích cực đầu tư chế biến sâu và tìm kiếm thị trường.

Đây là những tiền đề để Đắk Lắk đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2024 của tỉnh đạt trên 1,6 tỷ USD.

Năm 2024, dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, tác động đến hoạt động xuất khẩu, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk Lưu Văn Khôi cho biết, ngành tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng hành với nhà sản xuất và doanh nghiệp, chú trọng hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu.

Đắk Lắk duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống và tìm kiếm, phát triển thị trường mới; nắm bắt nhu cầu cũng như những thay đổi trong quy định kiểm soát hàng hóa xuất, nhập khẩu của các nước để thông tin đến doanh nghiệp.

Năm 2023, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức song tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực vượt khó trong phát triển kinh tế-xã hội, hoạt động xuất khẩu của tỉnh tiếp tục khởi sắc và đạt mục tiêu đề ra.

Là thủ phủ càphê của cả nước, những năm qua, càphê vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực hàng đầu, chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Đắk Lắk. Năm 2023, tình hình kinh doanh, xuất khẩu càphê của tỉnh gặp nhiều khó khăn do xung đột quân sự ở các quốc gia trên thế giới gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu; giá cả leo thang, kinh tế thế giới lạm phát.

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk Lưu Văn Khôi cho biết, niên vụ 2022 - 2023, giá càphê tăng cao. Giá càphê nhân xô bình quân trên địa bàn là 52.165 đồng/kg (tăng 23% so với giá bình quân niên vụ 2021 - 2022). Tuy nhiên, sản lượng càphê dự trữ trong nhân dân và doanh nghiệp không nhiều.

Do đó, thụ hưởng của người dân và doanh nghiệp trong niên vụ 2022 - 2023 khi giá càphê tăng không nhiều. Mặc dù vậy, ngành công thương tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực duy trì kim ngạch xuất khẩu càphê.

Niên vụ càphê 2022 - 2023, tỉnh Đắk Lắk xuất khẩu càphê đạt 318.483 tấn, chiếm tỷ trọng 19,1% sản lượng càphê xuất khẩu của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu càphê đạt 747,429 triệu USD, chiếm tỷ trọng 18,3% so với cả nước; trong đó, xuất khẩu càphê nhân đạt 299.604 tấn, xuất khẩu càphê hòa tan đạt 18.879 tấn.

Giá xuất khẩu càphê nhân bình quân của doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk trong niên vụ qua đạt 2.166 USD/tấn, tăng 129 USD/tấn so với niên vụ trước.

Xuất khẩu càphê của tỉnh chủ yếu là càphê nhân. Càphê hòa tan các niên vụ gần đây có số lượng và kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng vẫn chiếm tỷ lệ “khiêm tốn” trong kim ngạch xuất khẩu.

Các sản phẩm càphê chế biến khác như càphê rang, càphê bột... xuất khẩu rất ít. Trong niên vụ qua, càphê Đắk Lắk xuất khẩu đến 61 thị trường, giảm 3 thị trường so với niên vụ 2021-2022. Nhật Bản tiếp tục là thị trường lớn nhất của càphê Đắk Lắk với kim ngạch xuất khẩu đạt 72,697 triệu USD.

Trong niên vụ 2022 - 2023, tỉnh Đắk Lắk có 9 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê. Công ty Trách nhiêm Hữu hạn Một thành viên Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk tiếp tục là đơn vị dẫn đầu về xuất khẩu càphê nhân với 105.667 tấn, đạt kim ngạch gần 227 triệu USD. Hai doanh nghiệp chuyên chế biến và xuất khẩu càphê hòa tan là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn càphê Ngon, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển An Thái.

Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk) chia sẻ, vượt qua nhiều khó khăn, niên vụ 2022 - 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Simexco Đắk Lắk đạt 243,2 triệu USD, đạt 122% kế hoạch đề ra; trong đó, tín hiệu đáng mừng là giá trị trung bình xuất khẩu năm 2023 của đơn vị tăng 15% so với năm 2022.

“Hiện nay, giá càphê đang ở mức cao, đòi hỏi nguồn vốn thu mua càphê của doanh nghiệp tăng 30 - 40% so với niên vụ trước để bảo đảm kế hoạch kinh doanh đã đề ra. Với uy tín của doanh nghiệp và mong muốn đáp ứng nhu cầu của thế giới về càphê Robusta, công ty tiếp tục nỗ lực, phấn đấu xuất khẩu càphê niên vụ 2023-2024 đạt sản lượng bằng niên vụ trước. Công ty cũng mong muốn Nhà nước tiếp tục có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về vốn vay trong niên vụ 2023-2024,” ông Lê Đức Huy nhấn mạnh.

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Đắk Lắk ước đạt 1,6 tỷ USD, tăng 0,9% so với năm 2022. Theo đó, tỉnh đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đồng thời tổ chức tập huấn để doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng tối đa các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, khai thác, tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu. Ngoài ra, từ năm 2022 đến nay, tỉnh có một số mặt hàng nông sản mới xuất khẩu chính ngạch thành công như sầu riêng, mắcca…

Tháng 11/2022, Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương (huyện Krông Năng) xuất khẩu chính ngạch container mắcca đầu tiên sang thị trường Nhật Bản. Tiếp nối thành công, năm 2023, công ty xuất khẩu gần 40 tấn mắc ca sang Nhật Bản, Hàn Quốc, tăng gấp 4 lần so với năm 2022.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Damaca Nguyên Phương Nguyễn Thị Thu Phương chia sẻ, năm 2023, đồng yên giảm, khách hàng Nhật Bản cân đo đong đếm hơn khi mua hàng. Bên cạnh đó, giá mắc ca Việt Nam cao hơn giá mắcca thế giới, tác động đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đó, công ty đã hỗ trợ một phần chi phí để chia sẻ khó khăn với khách hàng Nhật Bản; cùng nhà phân phối cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm, nỗ lực tiếp cận khách hàng mới. Công ty cũng chú trọng đảm bảo chất lượng sản phẩm, duy trì niềm tin của khách hàng… góp phần gia tăng sản lượng xuất khẩu.

Đối với mặt hàng sầu riêng, có thể nói năm 2023 là năm nhộn nhịp, nhiều biến động khó lường của nông dân Đắk Lắk và doanh nghiệp. Năm 2023, trong khi phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp thua lỗ do thị trường loạn giá, “tranh mua, tranh bán”, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn chế biến nông sản Phước An (huyện Krông Pắc) xuất khẩu sầu riêng bóc múi cấp đông sang thị trường Thái Lan. Việc xuất khẩu thành công sang thị trường Thái Lan đã mang lại cho công ty lợi nhuận 10-12%/công hàng.

Ông Trần Đức Thiện, Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn chế biến nông sản Phước An cho biết, đơn vị xuất khẩu sầu riêng bóc múi cấp đông vì thời gian bảo quản dài hơn, quy trình vận chuyển dễ dàng hơn so với xuất khẩu trái sầu riêng tươi. Bên cạnh đó, đơn vị xuất khẩu sang thị trường Thái Lan nhằm học hỏi quy trình sản xuất, vận hành, đóng gói, xuất khẩu… sầu riêng.

Qua mùa vụ sầu riêng năm 2023 cho thấy, việc xuất khẩu sầu riêng bóc múi cấp đông sang thị trường Thái Lan là hướng đi đúng đắn của doanh nghiệp. Năm 2024, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng bóc múi cấp đông, nghiên cứu sản phẩm sầu riêng sấy thăng hoa để tạo giá trị cao hơn.

Về xuất khẩu hồ tiêu, theo ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk, niên vụ 2022 - 2023, đơn vị xuất khẩu 4.337 tấn hồ tiêu, giảm so với niên vụ trước.

Dự đoán, lượng tồn kho tiêu ở các nước tiêu thụ đã giảm, sắp tới sẽ có nhu cầu mua thêm. Tuy nhiên, những năm qua, cây hồ tiêu không còn là cây trồng hấp dẫn của nông dân Đắk Lắk.

Do đó, ông Lê Đức Huy khuyến cáo, nông dân cần duy trì các cây trồng chủ lực như càphê, hồ tiêu kết hợp trồng cây ăn trái, đa dạng hóa cây trồng, đa dạng hóa đầu tư trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, góp phần duy trì sản lượng hồ tiêu, tạo lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam về xuất khẩu hồ tiêu./.