Tổng Công ty Lương thực miền Bắc thoái toàn bộ vốn góp tại 14 doanh nghiệp

Việc cơ cấu lại Tổng Công ty Lương thực miền Bắc hướng tới xây dựng Tổng Công ty là doanh nghiệp mạnh, có khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế về chế biến, kinh doanh, xuất khẩu lương thực.

Trụ sở Tổng Công ty Lương thực miền Bắc. (Nguồn: Tổng Công ty Lương thực miền Bắc)

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 1616/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Cơ cấu lại Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) giai đoạn đến hết năm 2025.

Theo Đề án, Tổng Công ty thực hiện thoái toàn bộ 100% vốn góp tại 14 doanh nghiệp gồm:

1. Công ty Cổ phần Phân phối Bán lẻ VNF1;
2. Công ty Cổ phần Lương thực Hà Sơn Bình;
3. Công ty Cổ phần Lương thực Hà Bắc;
4. Công ty Cổ phần Lương thực Nam Định;
5. Công ty Cổ phần Lương thực tỉnh Điện Biên;
6. Công ty Cổ phần Lương thực Tuyên Quang;
7. Công ty Cổ phần Chế biến Muối và Nông sản miền Trung;
8. Công ty Cổ phần Muối và Thương mại miền Trung;
9. Công ty Cổ phần Kinh doanh Bao bì Lương thực;
10. Công ty Cổ phần Tập đoàn Muối miền Nam;
11. Công ty Cổ phần Chế biến Kinh doanh Lương thực Thực phẩm Hà Nội;
12. Công ty Cổ phần Lương thực Lào Cai;
13. Công ty Cổ phần Bia Hà Nội-Nam Định;
14. Công ty Cổ phần Visalco.

Đề án hướng tới xây dựng Tổng Công ty là doanh nghiệp mạnh, có khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế về chế biến, kinh doanh, xuất khẩu lương thực, nông sản của Việt Nam, duy trì vị trí là một trong 3 doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực thu mua và xuất khẩu gạo; tiêu thụ lương thực, muối, nông sản hàng hóa với số lượng lớn, xuất khẩu lương thực, góp phần nâng cao giá trị thương mại các mặt hàng nông sản của Việt Nam; tham gia nhiệm vụ an ninh lương thực quốc gia và điều tiết kinh tế vĩ mô theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, góp phần bình ổn giá lương thực trong nước.

Một điểm bán gạo bình ổn giá của Công ty Lương thực cấp 1 Lương Yên ( Tổng công ty Lương thực miền Bắc). (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Về định hướng và các giải pháp cơ cấu lại doanh nghiệp đến hết năm 2025, Đề án nêu rõ, đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại về quản trị doanh nghiệp, tập trung hoàn thiện thể chế quản lý; kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý, điều hành; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, kế toán; quản lý sử dụng lao động hiệu quả, cải cách cơ chế tiền lương...

Về xây dựng phương án cơ cấu lại tài chính, vốn, tài sản của doanh nghiệp, Tổng Công ty tăng cường quản trị dòng tiền, vốn bằng tiền đảm bảo an toàn và hiệu quả sử dụng vốn, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; thường xuyên cập nhật tình hình cân đối dòng tiền, nguồn vốn trong trung hạn và dài hạn để đưa ra các dự báo, biện pháp ứng phó kịp thời; quản trị các khoản đầu tư đảm bảo phù hợp với chiến lược phát triển, nhận diện được các cơ hội và rủi ro, có các giải pháp kịp thời để nâng cao hiệu quả đầu tư...

Về phương án cơ cấu lại nhân sự, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc tiếp tục rà soát, đánh giá và sắp xếp lại nhân sự trong bộ máy điều hành để đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu và nâng cao hiệu quả công việc; thường xuyên đánh giá và có các giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bố trí, sắp xếp lao động tại cơ quan Tổng Công ty phù hợp với yêu cầu công việc trong tình hình mới...

Về phương án cơ cấu lại tổ chức bộ máy quản lý, Tổng Công ty hoàn thiện bộ máy quản lý điều hành tại Công ty mẹ và tại các đơn vị thành viên để có cấu trúc và quy mô phù hợp với đặc điểm tình hình, nhu cầu công việc, đáp ứng tốt nhất yêu cầu nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và chiến lược phát triển; tập trung các đầu mối, giảm trung gian trong việc xử lý, giải quyết công việc cũng như ra quyết định; pân rõ trách nhiệm của từng bộ phận, tránh chồng chéo trong công việc của các Ban, văn phòng.

Cơ sở dự trữ và chế biến nông sản tại tỉnh Lào Cai của Vinafood 1. ((Nguồn: Tổng Công ty Lương thực miền Bắc)

Đề án cũng đề ra giải pháp khác cơ cấu lại doanh nghiệp là định hướng đầu tư đổi mới công nghệ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo vệ môi trường; lộ trình cải tiến công nghệ để đổi mới công nghệ từng phần, từng giai đoạn một cách hợp lý, phù hợp với năng lực, định hướng phát triển của doanh nghiệp.

Cụ thể, thường xuyên thực hiện rà soát, đánh giá để đổi mới, cải tiến công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng tốt hơn yêu cầu sản xuất kinh doanh và thị trường hoặc để tuân thủ các tiêu chuẩn yêu cầu theo quy định của pháp luật; đầu tư trang thiết bị và công nghệ nhằm tăng cường năng lực chế biến lúa gạo chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu tiêu thụ gạo cao cấp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các tiến bộ trong công nghệ thông tin vào quản lý…

Trong năm 2022, sản lượng lương thực bán ra toàn Tổng Công ty ước đạt 1.511.867 tấn, bằng 103,63% kế hoạch năm, trong đó lượng lương thực Công ty mẹ bán ra là 857.209 tấn, đạt 100,13% kế hoạch năm.

Khối lượng gạo xuất khẩu toàn Tổng Công ty ước đạt 700 ngàn tấn, bằng 105,82% kế hoạch năm, trong đó lượng gạo xuất khẩu của Công ty mẹ đạt 586 ngàn tấn, bằng 103,75% kế hoạch.

Kim ngạch xuất khẩu toàn Tổng Công ty ước đạt 310 triệu USD, bằng 105,27 % kế hoạch, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Công ty mẹ ước đạt 262 triệu USD, bằng 104,24% kế hoạch năm.

Tổng doanh thu toàn Tổng Công ty ước đạt 16.169 tỷ đồng, bằng 106,03% kế hoạch năm. Trong đó, tổng doanh thu Công ty mẹ ước đạt 8.967 tỷ đồng, bằng 105,21 % so với kế hoạch năm.

Lợi nhuận toàn Tổng Công ty ước đạt 283 tỷ đồng, bằng 101,30% kế hoạch. Trong đó, lợi nhuận Công ty mẹ là 268 tỷ đồng bằng 101,16% kế hoạch./.