Tìm cách xây dựng Làng Văn hóa thành địa chỉ lắng đọng tinh thần 54 dân tộc
Việc thu hút đầu tư vào Làng Văn hóa nhằm đẩy nhanh tiến độ lấp đầy các khu chức năng, tạo động lực thúc đẩy hiệu quả và tiềm năng phát triển Làng thành khu văn hóa-du lịch quốc gia.
Chính phủ chủ trương đầu tư, phát triển Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam là một mô hình khu kinh tế-văn hóa đặc thù, trong đó văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu. Thế nhưng, thực tế nơi đây chưa đáp ứng được yêu cầu đón các đoàn khách muốn lưu trú qua đêm, chưa có các dịch vụ du lịch, ẩm thực, chưa cung cấp được các sản phẩm du lịch trải nghiệm…
Đó là vấn đề Quyền Trưởng Ban quản lý Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam Trịnh Ngọc Chung đã nêu trong Hội nghị “Cơ chế chính sách và giải pháp thu hút đầu tư vào Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam” ngày 17/12 tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.
Chưa có dự án đầu tư nào được triển khai
Theo ông Trịnh Ngọc Chung, trong các năm qua, mặc dù Ban Quản lý đã có nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư nhưng đến nay chưa có dự án đầu tư nào được triển khai, do nhiều nguyên nhân.
Về chủ quan, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thời gian qua, Làng gặp một số vướng mắc bởi các quy định của Luật Đầu tư hiện hành với các thẩm quyền của Ban Quản lý Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ quy định tại Quyết định 39/2014/QĐ-TTg ngày 15/7/2014.
Về khách quan, một trong những nguyên nhân là do mực nước hồ Đồng Mô không ổn định vì còn phải thực hiện nhiệm vụ tưới tiêu cho diện tích nông nghiệp lân cận nên cảnh quan chưa thực sự hấp dẫn.
Hiện nay thành phố Hà Nội đang triển khai dự án cải tạo sông Tích và nếu dự án được triển khai nhanh, hồ Đồng Mô sẽ không phải thực hiện nhiệm vụ tưới tiêu cho diện tích nông nghiệp vùng lân cận nữa. Tuy nhiên, do vốn thực hiện dự án từ nguồn ngân sách Nhà nước, trong điều kiện ngân sách có khó khăn nên tiến độ dự án này cũng bị kéo dài.
Ban Quản lý đề xuất được áp dụng cơ chế ưu đãi đầu tư như Khu kinh tế đối với các Khu chức năng, dự án kêu gọi đầu tư tại Làng nhằm thúc đẩy lợi thế kêu gọi đầu tư và đẩy nhanh tiến độ lấp đầy các khu chức năng, dự án thu hút đầu tư, đây cũng là một động lực thúc đẩy hiệu quả và tiềm năng phát triển Làng thành khu văn hóa-du lịch quốc gia.
Theo ông Chung, trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa nhanh tại các vùng miền trên cả nước và hội nhập kinh tế-văn hóa trong nước và quốc tế, nhiều biến đổi lớn tại nơi chủ thể là đồng bào các dân tộc sinh sống, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc đang dần mai một, Ban Quản lý đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm ban hành các chính sách góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc tại Làng.
"Với yêu cầu là đầu tư theo quy hoạch đã được phê duyệt, sự hợp tác giữa Nhà nước và doanh nghiệp sẽ giúp Làng thực sự trở thành nơi địa chỉ lắng đọng không gian văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nơi giao lưu, gặp gỡ, quảng bá về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam," ông Chung nói.
Cách nào để khai thác được lợi thế?
Theo ông Kim Sơn, đại diện Công ty Chiến Thắng, vướng mắc trong kêu gọi đầu tư vào Làng là thẩm quyền của Ban Quản lý chưa được quy định rõ, dẫn đến việc phối hợp chưa rõ ràng, ngoài ra, cơ chế đầu tư cũng cần phải cụ thể hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Ông Đặng Ngọc Khánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Văn hóa Nghỉ dưỡng Đồng Mô thì nhận định Làng Văn hóa là địa điểm có nhiều lợi thế và còn quỹ đất khá lớn để kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước nhưng sau nhiều năm xúc tiến đầu tư thì đến nay kết quả còn rất hạn chế.
Chia sẻ về giải pháp thu hút đầu tư, ông Khánh cho rằng Ban Quản lý Làng Văn hóa phải sớm đề nghị cấp có thẩm quyền ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trong đó có thẩm quyền trong lĩnh vực đầu tư. Có như vậy mới thu hút các nhà đầu tư và Ban Quản lý mới có điều kiện để làm việc một cách đầy đủ với nhà đầu tư. Cần xác định được Ban Quản lý có thẩm quyền đến đâu và các thẩm quyền khác thuộc cơ quan nào, trình tự giải quyết các bước tiếp theo ra sao...
Một vấn đề quan trọng nữa là Ban Quản lý phải quan tâm hơn đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đầu tư, nghiên cứu các quy định của Nhà nước, làm việc với các cơ quan có liên quan để ban hành quy trình, thủ tục đầu tư tại Làng Văn hóa cũng như tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư một cách hiệu quả hơn.
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho hay Bộ đã quan tâm chỉ đạo, triển khai rất nhiều những hoạt động xuất phát từ vị trí yêu cầu chức năng mà Đảng, Nhà nước đã giao cho Làng Văn hóa ngay từ khi mới thành lập với hai mục tiêu cơ bản là: Xây dựng Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam thành một trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch quốc gia để tập trung tái hiện gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam; Đáp ứng các nhu cầu về vui chơi, giải trí hoạt động thể thao văn hóa cho nhân dân trong nước và du khách quốc tế.
Thứ trưởng cho rằng đầu tư cho văn hóa theo quan điểm của Đảng, Nhà nước, đó chính là đầu tư cho sự phát triển. Việc huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam đã được các nhà đầu tư, các doanh nghiệp quan tâm và đã có những công trình, những hoạt động rất cụ thể để triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển tại Làng Văn hóa.
Thứ trưởng cũng chỉ ra những thách thức đặt ra đối với Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam trong việc huy động nguồn lực đầu tư để phát triển trong thời gian tới đồng thời mong muốn các chuyên gia pháp lý, chính sách cùng các doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, “hiến kế” cho Bộ và Ban Quản lý Làng Văn hóa, cần tập trung triển khai nhiệm vụ nào, giải pháp nào để huy động được nguồn lực, thu hút đầu tư vào Làng Văn hóa, để Làng vừa bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc, vừa thực sự trở thành thiết chế văn hóa quốc gia hiện đại, quy mô, đảm bảo phát triển bền vững./.