TTXVN nhận Bằng khen nhờ thành tích xuất sắc trong hoạt động báo chí năm 2024

Ban Tuyên giáo Trung ương đã trao Bằng khen cho 31 cơ quan báo chí có thành tích xuất sắc; Bộ Thông tin và Truyền thông trao tặng Giấy chứng nhận đạt mức xuất sắc về chuyển đổi số cho 28 đơn vị.

Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Thị Sự (thứ ba từ trái sang) nhận Bằng khen của đơn vị tại Hội nghị Báo chí Toàn quốc. (Ảnh: Thanh Liêm/Vietnam+)

Báo chí cần chủ động đi trước định hướng dư luận xã hội để việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhanh chóng được thực thi trong toàn hệ thống chính trị.

Đó là yêu cầu của ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 diễn ra ngày 16/12, tại Cần Thơ.

Hội nghị có sự tham dự của gần 750 đại biểu, gồm đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, hội ở Trung ương và địa phương; các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí; lãnh đạo các cơ quan báo chí.

Báo chí chủ động tinh gọn bộ máy

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cơ quan báo chí cần tập trung cao độ cho việc tuyên truyền việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.”

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Thanh Liêm/Vietnam+)

Báo chí cần chủ động đi trước định hướng dư luận xã hội để việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhanh chóng được thực thi trong toàn hệ thống chính trị.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận những kết quả, biểu dương những thành tích mà các cơ quan báo chí đã đạt được trong năm 2024; những nỗ lực, trách nhiệm của các lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên, người làm báo, góp phần vào sự phát triển, thành công chung của đất nước.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Năm 2025 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV và có rất nhiều sự kiện trọng đại, ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước.

Riêng với những người làm báo, năm 2025 còn là năm đặc biệt ý nghĩa: kỷ niệm 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam.

Để thực hiện tốt sứ mệnh, thực hiện thành công mục tiêu “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại,” Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu các cơ quan báo chí cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Tiếp tục tuyên truyền sâu sắc, toàn diện, kịp thời các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần kiến tạo không gian phát triển mới, cổ vũ, tạo ra phong trào thi đua sáng tạo, đấu tranh mạnh mẽ với các rào cản, trì trệ, góp phần cùng Đảng, Nhà nước và Nhân dân tạo nền tảng vững chắc để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: Thanh Liêm/Vietnam+)

Tập trung tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, có tính lan tỏa cao, tương xứng với tầm vóc của các nhiệm vụ chính trị quan trọng, các sự kiện lớn, các ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước năm 2025, nhất là Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng… Bên cạnh đó, phản ánh kịp thời, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, quảng bá hình ảnh Việt Nam là một quốc gia đổi mới, năng động, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế.

Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí cần tập trung rà soát, đánh giá việc thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; tham mưu sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 và các văn bản pháp luật về báo chí; tạo đột phá hơn nữa về thể chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để khơi thông mọi nguồn lực, kiến tạo môi trường để báo chí phát huy tốt nhất, hiệu quả nhất vai trò, trách nhiệm, sứ mệnh nghề nghiệp.

Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục giữ vững vai trò chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí.

Cùng với những đột phá về thể chế, cần quan tâm một cách thực chất đến việc hỗ trợ cơ quan báo chí thực hiện chuyển đổi số; xử lý, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời vấn đề kinh tế báo chí, giải quyết hài hòa, phù hợp giữa việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và việc tự chủ về tài chính; giữa việc nâng cao chất lượng định hướng tư tưởng, giáo dục, thẩm mỹ với việc đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân; giữa phương thức quản lý mạng xã hội, trang thông tin điện tử tổng hợp với phương thức quản lý báo chí.

Kiên quyết xử lý tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, không để các trang thông tin điện tử tổng hợp trở thành “siêu cơ quan báo chí.”

Tuyên truyền, phản ánh thực tiễn sinh động

Hội nghị đã nghe Báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2024 và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2025; Báo cáo đánh giá hoạt động nghiệp vụ, kết quả thực hiện 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam năm 2024; Công bố bức tranh chuyển đổi số báo chí năm 2024; Kết quả đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí năm 2024.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2024. (Ảnh: Thanh Liêm/Vietnam+)

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, tính đến cuối năm 2024, cả nước có 884 cơ quan báo chí, trong đó có 137 báo, 675 tạp chí và 72 đài phát thanh-truyền hình.

Trong năm 2024, các cơ quan báo chí đã đẩy mạnh thông tin tuyên truyền việc triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống; tuyên truyền đậm nét, sâu rộng, có tính lan tỏa cao các sự kiện chính trị, ngoại giao quan trọng, ngày lễ lớn của đất nước; tiếp tục chủ động đẩy mạnh tuyên truyền về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; thông tin, tuyên truyền công tác điều hành, công tác triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế-xã hội có nhiều đổi mới, sáng tạo theo hướng bám sát, phản ánh thực tiễn sinh động, từ đó phân tích, lý giải và đề xuất, kiến nghị các giải pháp để thúc đẩy việc tổ chức thực hiện hiệu quả, chất lượng hơn.

Đặc biệt, báo chí đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền góp phần tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả,” xem đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, là công việc cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và cần cả sự hy sinh lợi ích cá nhân để phục vụ lợi ích chung của đất nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, bất cập của công tác báo chí năm 2024; những vấn đề đặt ra, những thách thức và cơ hội đối với báo chí khi bước vào dấu mốc 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam và những yêu cầu đòi hỏi khi Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Về tình hình thông tin trên báo chí, vẫn còn tình trạng nhiều tạp chí điện tử thể hiện xu hướng phản ánh, thông tin sự kiện đơn thuần, dẫn đến thông tin không phù hợp tôn chỉ mục đích, tính chất hoạt động của tạp chí; nguồn thu của các cơ quan báo chí từ quảng cáo, phát hành tiếp tục sụt giảm mạnh; một số đài phát thanh - truyền hình chưa có nhiều chương trình thật sự hấp dẫn, có tính phát hiện,định hướng, có chiều sâu; tính xây dựng, phản biện xã hội của một số chương trình, tin, bài chính luận chưa cao, chưa sắc bén và thuyết phục.

Tổng biên tập Báo Điện tử VietnamPlus Trần Tiến Duẩn (thứ ba từ phải sang) nhận Chứng nhận dành cho cơ quan báo chí trưởng thành chuyển đổi số đạt mức xuất sắc. (Ảnh: Thanh Liêm/Vietnam+)

Trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, một số quy định về tài chính chưa đồng bộ dẫn tới khó khăn trong hoạt động kinh tế báo chí; một số cấp Hội Nhà báo chưa phát huy hết vai trò, chưa thực sự chủ động trong việc theo dõi, giám sát, kiểm tra kết luận và xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam; vai trò, trách nhiệm của nhiều cơ quan chủ quản đối với cơ quan báo chí còn hạn chế, mờ nhạt; chậm khắc phục tình trạng cơ quan chủ quản không bố trí kinh phí, không giao nhiệm vụ, thiếu kiểm tra, giám sát cơ quan tạp chí trực thuộc…

Tại Hội nghị, Ban Tuyên giáo Trung ương đã trao Bằng khen tặng 31 cơ quan, đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2024 trong đó có Thông tấn xã Việt Nam; Bộ Thông tin và Truyền thông trao tặng Giấy chứng nhận đạt mức xuất sắc về trưởng thành chuyển đổi số báo chí năm 2024 cho 28 cơ quan báo chí./.