Kịp thời chấn chỉnh, ngăn ngừa sai phạm trong hoạt động báo chí
Tình trạng "báo hóa" tạp chí, "báo hóa" trang thông tin điện tử, "báo hóa" mạng xã hội, biểu hiện "tư nhân hóa" báo chí trong năm 2024 đã được khắc phục, chuyển biến tích cực rõ rệt.
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2024, công tác thanh, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí tiếp tục được chú trọng, tăng cường, nhất là đối với những sai phạm liên quan việc thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật; chuyển mạnh công tác thanh tra được triển khai theo kế hoạch sang giám sát, kiểm tra, tập trung giải quyết căn bản các vấn đề "nóng," có tác động lớn trong xã hội.
Tập trung chấn chỉnh sai phạm trong hoạt động báo chí
Tính từ tháng 1 đến hết 19/11/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông (bao gồm: Thanh tra Bộ, Cục Báo chí, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử và các Sở Thông tin và Truyền thông) đã tiến hành 196 cuộc thanh, kiểm tra (32 cuộc thanh, kiểm tra đối với báo chí; 164 cuộc thanh, kiểm tra thông tin trên mạng). Lực lượng thanh tra đã ban hành 44 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng; trong đó, có 25 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 900 triệu đồng.
Tại các địa phương, lực lượng thanh tra Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã xử phạt vi phạm hành chính 181 vụ việc, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là hơn 2 tỷ đồng; trong đó 11 vụ việc liên quan đến báo chí, với số tiền xử phạt vi phạm hành chính là hơn 192 triệu đồng; xử lý 170 vụ việc thông tin trên mạng, số tiền xử phạt là hơn 1,8 tỷ đồng.
Căn cứ Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 28/02/2023 của Ban Bí thư, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có 3 văn bản gửi Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí đối với 3 tạp chí do để xảy ra vi phạm kéo dài (Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo; Tạp chí Kinh doanh và Biên mậu Việt Nam; Tạp chí điện tử Môi trường xây dựng).
Sau thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm, đến nay đã có 1 cơ quan chủ quản đã ban hành quyết định miễn nhiệm tổng biên tập tạp chí và xin tạm dừng hoạt động tạp chí để chấn chỉnh sai phạm, kiện toàn nhân sự, đảm bảo thực hiện theo đúng quy định pháp luật (Tạp chí điện tử Môi trường xây dựng); 1 cơ quan báo chí xin tạm dừng 2 chuyên trang để chấn chỉnh (Tạp chí Bầu trời rộng mở Opensky); 1 cơ quan chủ quản đã xử lý kỷ luật cảnh cáo và xem xét miễn nhiệm Tổng biên tập (Tạp chí Kinh doanh và Biên mậu Việt Nam).
Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp cấp Trung ương đã xử lý 8 vụ việc liên quan đến 17 trường hợp là phóng viên, cộng tác viên vi phạm pháp luật; ban hành quyết định khai trừ, thu hồi 5 thẻ hội viên vi phạm pháp luật của Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam; đang tiến hành thủ tục quy trình khai trừ, thu hồi 2 thẻ hội viên vi phạm pháp luật đã có bản án thi hành có hiệu lực của pháp luật.
Khắc phục tình trạng "báo hóa" tạp chí, trang thông tin điện tử
Tình trạng "báo hóa" tạp chí, "báo hóa" trang thông tin điện tử, "báo hóa" mạng xã hội, biểu hiện "tư nhân hóa" báo chí trong năm 2024 được khắc phục, chuyển biến tích cực rõ rệt.
Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan liên quan tăng cường công tác giám sát, nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời để ngăn ngừa sai phạm trong hoạt động báo chí, đặc biệt là những sai phạm liên quan việc cử phóng viên tác nghiệp không đúng tôn chỉ, mục đích và những dấu hiệu có nguy cơ "báo hóa" tạp chí, biểu hiện "tư nhân hóa" báo chí.
Công tác đánh giá, xử lý "báo hóa" tạp chí, "báo hóa" trang thông tin điện tử, "báo hóa" mạng xã hội, biểu hiện "tư nhân hóa" báo chí tiếp tục được thực hiện khách quan, toàn diện, kết hợp với công tác thanh, kiểm tra, phù hợp với quy định pháp luật về báo chí, cũng như quy định của Đảng.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì làm việc với 7 cơ quan báo chí; ban hành 9 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 516,5 triệu đồng; trong đó 2 Tổng biên tập bị xử phạt về hành vi giao quyền cho cấp dưới cử nhà báo, phóng viên hoạt động báo chí không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí.
Nhận thức của cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí về trách nhiệm đối với hoạt động của cơ quan báo chí, nhất là dấu hiệu "báo hóa" tạp chí, biểu hiện "tư nhân hóa" báo chí, được nâng cao.
Có cơ quan chủ quản sau khi làm việc với cơ quan quản lý, nắm được cụ thể những sai phạm của cơ quan báo chí trực thuộc, đã đề nghị tạm dừng hoạt động của tạp chí, chuyên trang để chấn chỉnh, kiện toàn lại tổ chức.
Qua công tác giám sát thường xuyên, các cơ quan chức năng của Bộ đã làm việc với các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan để kịp thời chấn chỉnh các dấu hiệu vi phạm pháp luật về báo chí, yêu cầu khắc phục.
Hướng tới các giá trị chân, thiện, mỹ
Năm 2025, các cơ quan quản lý báo chí sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; sự phối hợp với Hội Nhà báo và cơ quan chủ quản báo chí nhằm giữ vững vai trò chỉ đạo, định hướng để báo chí thực hiện tốt sứ mệnh trong kỷ nguyên mới.
Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí theo kế hoạch để giải quyết căn cơ những bất cập, tồn tại thời gian qua; thúc đẩy báo chí phát triển mạnh mẽ, đúng định hướng, làm tốt công tác quản lý nhà nước.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan tăng cường rà soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động báo chí của cơ quan báo chí, người làm báo; có giải pháp khắc phục triệt để tình trạng "tư nhân hóa" báo chí, tư nhân "núp bóng" chi phối hoạt động báo chí; tình trạng "báo hóa" tạp chí điện tử, "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội; "thương mại hóa" báo chí…
Bên cạnh đó, nhiệm vụ đặt ra đối với các cơ quan chủ quản báo chí là: đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ, chủ động, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, chính quyền địa phương trong việc rà soát, chấn chỉnh hoạt động của cơ quan báo chí, đặc biệt là văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của cơ quan báo chí bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật.
Các cơ quan báo chí quán triệt, nhận thức sâu sắc, triển khai thực hiện đầy đủ, đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, giáo dục đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ của người làm báo. Bám sát tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí.
Tập trung tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nâng cao vai trò trong việc định hướng xã hội về tính nhân văn, đạo đức, hướng tới các giá trị văn hóa như chân, thiện, mỹ, hoà bình, hội nhập, phát triển bền vững.
Các cơ quan tạp chí nhận thức đúng đắn về vai trò, tính chất hoạt động, tập trung thông tin chuyên sâu, chuyên ngành, bảo đảm chất lượng, hàm lượng nội dung mang tính học thuật, lý luận, phân tích, kiến giải chuyên sâu, chuyên ngành, bám sát tôn chỉ, mục đích; chấm dứt nhận thức ngụy biện về hoạt động liên quan tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép; quán triệt, tuân thủ, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước về công tác báo chí, hoạt động báo chí, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam; tăng cường rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhà báo.../.