Thị trường bao trùm áp lực điều chỉnh và xu hướng thận trọng

Thị trường chứng khoán đã khép lại tuần giao dịch đầu năm với áp lực điều chỉnh giảm. Trước mắt, mặc dù tồn tại những rủi ro ngắn hạn song các chuyên gia vẫn đánh giá triển vọng dài hạn là tích cực.

Thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào năm 2025 với những phiên giao dịch kém tích cực do phải chịu những áp lực điều chỉnh đáng kể. Các chuyên gia phân tích nhận định bên cạnh những kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế, nhà đầu tư cần thận trọng trước các yếu tố rủi ro như biến động tỷ giá, lãi suất và dòng vốn ngoại.

Áp lực bán gia tăng

Tuần qua, thị trường ghi nhận những diễn biến không mấy thuận lợi, đặc biệt là hai phiên đầu năm. Theo đó, VN-Index đã không giữ được vùng hỗ trợ kỹ thuật do chịu áp lực bán mạnh và đóng cửa tại 1.254,59 điểm, giảm 1,61% so với tuần trước. Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường giảm trong những phiên đầu tuần nhưng tăng mạnh vào phiên cuối tuần.

Ông Phan Tấn Nhật, Trưởng nhóm Phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), cho biết VN-Index có tuần giao dịch kém tích cực, đặc biệt trong hai phiên giao dịch đầu năm 2025 với diễn biến tiêu cực khi tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh, nhất là khi VN-Index không giữ được vùng hỗ trợ tâm lý mạnh quanh mức 1.260 điểm, tương ứng giá trung bình 200 phiên.

Theo ông Nhật, độ rộng thị trường nghiêng về phía điều chỉnh với áp lực bán tập trung ở nhóm tài chính, bảo hiểm và bất động sản. Cùng với đó, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng trên sàn HoSE với giá trị 831 tỷ đồng, góp phần tạo nên tâm lý kém tích cực.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30F2501 giảm 1,82%, đóng cửa tại 1.324 điểm. Khối lượng giao dịch giảm so với tuần trước và thấp hơn mức trung bình 20 tuần.

Xu hướng điều chỉnh ngắn hạn

Phân tích cụ thể, ông Nhật cho rằng VN-Index đang trong xu hướng điều chỉnh ngắn hạn và tích lũy dưới vùng kháng cự 1.265 điểm, trên vùng hỗ trợ quanh 1.250 điểm. Về trung hạn, chỉ số duy trì trong kênh tích lũy rộng trong vùng 1.200 điểm đến 1.300 điểm với vùng giá cân bằng quanh 1.250 điểm.

Có chung quan điểm, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng nhận định VN-Index đang trong xu hướng giảm với áp lực bán tháo gia tăng.

“Diễn biến của VN-Index trong phiên cuối tuần có phần tiêu cực nhất khi mất đà rơi 15 điểm, về dưới ngưỡng hỗ trợ 1.260 cùng số mã chứng khoán ‘đỏ lửa’ áp đảo lên tới 353 cổ phiếu,” theo báo cáo của VCBS.

Ngoài ra, các chuyên gia của VCBS cho biết các chỉ báo kỹ thuật cho thấy dòng tiền đang rút ra khỏi thị trường và áp lực bán có thể tiếp diễn trong ngắn hạn.
Thêm vào đó, trước diễn biến mạnh lên của đồng USD so với các đồng tiền khác, VN-Index có thể tiếp tục diễn biến rung lắc mạnh để kiểm tra lại các vùng hỗ trợ dưới cũng như gây ra áp lực tiêu cực lên tâm lý thị trường.

Về dài hạn, mặc dù thị trường khởi đầu năm 2025 với nhiều thách thức, song các chuyên gia vẫn kỳ vọng VN-Index sẽ tăng trưởng 10-12% trong năm 2025, đạt vùng giá 1.400-1.410 điểm. Theo ông Nhật nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn là lựa chọn đầu tư tiềm năng với động lực tăng trưởng từ kế hoạch tăng trưởng tín dụng 16% của Ngân hàng Nhà nước và các kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng lớn.

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của thị trường, các chuyên gia khuyến nghị các nhà đầu tư nên thận trọng và linh hoạt trong chiến lược đầu tư.

Cụ thể, nhóm phân tích của VCBS khuyến cáo lực cung trên thị trường chưa có dấu hiệu dừng lại, do đó nhà đầu tư cần lưu ý trong việc giải ngân mới, nhưng vẫn có thể duy trì danh mục hiện tại và mua gom dần với tỷ trọng nhỏ với cổ phiếu mục tiêu cho mục đích nắm giữ dài hạn.

Tương tự, ông Nhật cũng kiến nghị các nhà đầu tư duy trì tỷ trọng hợp lý và xem xét chọn lọc giải ngân các mã cơ bản tốt với kỳ vọng tiếp tục duy trì tăng trưởng. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã cổ phiếu đầu ngành, nền tảng cơ bản tốt.

Như vậy, thị trường đã khép lại tuần giao dịch đầu năm với áp lực điều chỉnh giảm. Trước mắt, mặc dù tồn tại những rủi ro ngắn hạn song các chuyên gia vẫn tin tưởng triển vọng dài hạn là tích cực với những cơ hội đầu tư tiềm năng ở các nhóm ngành có nền tảng cơ bản vững chắc./.