Quản trị chuỗi cung ứng, tăng sức cạnh tranh cho gỗ Việt
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp chế biến gỗ cần phải tăng cường quản trị chuỗi cung ứng, gắn với các tiêu chuẩn xanh, bền vững quốc tế để giảm rủi ro thương mại, nâng cao sức cạnh tranh của gỗ Việt.
Năm 2025, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 18 tỷ USD.
Trong bối cảnh, ngày càng nhiều thị trường ban hành quy định pháp luật về gỗ hợp pháp; trong đó có các quốc gia nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp chế biến gỗ cần phải tăng cường quản trị chuỗi cung ứng, gắn với các tiêu chuẩn xanh, bền vững quốc tế để giảm rủi ro thương mại, nâng cao sức cạnh tranh của gỗ Việt.
Dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump, Hoa Kỳ dự kiến áp dụng nhiều chính sách bảo hộ kinh tế mạnh mẽ. Trong khi Việt Nam xuất khẩu hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này, những thay đổi sẽ đặt ra nhiều thách thức lớn cho ngành gỗ Việt Nam phải đối mặt với cạnh tranh trực tiếp từ sản phẩm nội địa Hoa Kỳ và hàng hóa từ các quốc gia khác.
Hay các rủi ro thương mại và có thể bị áp thuế trừng phạt nếu sản phẩm không đáp ứng tốt về truy xuất nguồn gốc. Với EU - thị trường luôn duy trì đà tăng trưởng hai con số với ngành gỗ, vừa qua Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Đức và Pháp. Khủng hoảng chính trị và nhu cầu toàn cầu suy yếu đã ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của các nước trên, ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ.
Tuy nhiên, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) nhận định thời cơ và thách thức đối với ngành gỗ sẽ đan xen; việc EU lùi thời gian áp dụng Quy định không gây mất rừng (EUDR) đến ngày 30/12/2025 đối với các công ty lớn và 30/6/2026 đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo thêm thời gian cho doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị.
Các chuyên gia cũng cho rằng những thay đổi về chính sách của Hoa Kỳ hay xu hướng mua sắm “xanh” của các thị trường lớn cũng mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp gỗ khi đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng và nội thất bền vững. Những cơ hội từ sự dịch chuyển đầu tư và thương mại toàn cầu, cùng với sự đầu tư vào chuyển đổi số, quản trị chuỗi cung ứng và phát triển bền vững không chỉ giúp doanh nghiệp thích nghi với các thay đổi của thị trường mà còn mở ra cánh cửa vươn tới những thị trường tiềm năng trong tương lai.
Việt Nam mỗi năm khai thác gỗ rừng trồng khoảng 22-23 triệu m3. Việt Nam cũng đã có hơn 500.000ha rừng được cấp chứng chỉ bền vững như FSC hoặc PEFC và mục tiêu đến năm 2030 là đạt 1 triệu hecta rừng trồng có chứng chỉ bền vững. Các chính sách thúc đẩy chứng chỉ rừng bền vững đang được tăng cường nhằm đảm bảo tính minh bạch trong chuỗi cung ứng.
Chính phủ cũng phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai công nghệ truy xuất nguồn gốc hiện đại, cho phép giám sát toàn diện từ khai thác, vận chuyển đến tiêu thụ. Điều này không chỉ nâng cao giá trị của sản phẩm gỗ xuất khẩu mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Đặc biệt mới đây, Nghị định 120/2024/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 01/9/2020 của Chính phủ quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam đã mở rộng đối tượng phân loại doanh nghiệp gồm doanh nghiệp trồng, khai thác và cung cấp gỗ rừng trồng, chế biến, nhập khẩu và xuất khẩu gỗ. Điều này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh.
Thay cho việc xác minh từng lô gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu thì Việt Nam chuyển sang xác minh sự tuân thủ của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của hệ thống Đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS).
Theo ông Đỗ Xuân Lập, năng lực cạnh tranh là yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp ngành gỗ phải đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu như sản xuất minh bạch, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, có mẫu mã đẹp và giá cả hợp lý. Các doanh nghiệp cần đầu tư vào chuyển đổi số, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc minh bạch để đáp ứng yêu cầu của các quy định quốc tế như EUDR.
Có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, hiệp hội và cơ quan nhà nước để có giải pháp ứng phó kịp thời với các chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ. Đặc biệt, việc xác nhận xuất xứ hàng hóa (CO) là công cụ quan trọng chống lại gian lận thương mại. Doanh nghiệp cần sẵn sàng ứng phó với các cuộc điều tra chống bán phá giá hoặc các biện pháp phòng vệ thương mại, thông qua việc nâng cao năng lực pháp lý và cải thiện quản trị rủi ro. Đồng thời, phát triển các nhà máy “xanh” và tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế về môi trường để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, cho rằng bên cạnh việc xây dựng các khu chế biến công nghệ cao, mở rộng thị phần xuất khẩu, chủ động xúc tiến thương mại gỗ và sản phẩm gỗ, ngành gỗ cần quan tâm hơn và đầu tư vào vùng nguyên liệu. Cụ thể, là phát triển nhiều hơn những rừng trồng gỗ lớn, rừng được quản lý bền vững và cấp chứng chỉ (FSC hoặc PEFC).
Cục Lâm nghiệp đang phối hợp các đơn vị thực hiện thí điểm việc cấp mã số vùng trồng rừng tại một số tỉnh phía Bắc, tiến tới mở rộng ra toàn quốc. Các mã số này là nền tảng phát triển chuỗi cung gỗ hợp pháp, đảm bảo truy xuất nguồn gốc gỗ thích ứng với các yêu cầu quốc tế, cũng như phát triển phương pháp đo đếm, báo cáo và thẩm định (MRV) để xác định khả năng hấp thụ, lưu trữ carbon rừng trồng.
Theo ông Trần Quang Bảo, tiêu chuẩn rừng trồng của Việt Nam càng cao, gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ càng dễ thâm nhập vào những thị trường khó tính./.