Vùng ĐBSCL giải quyết các thách thức, phấn đấu tăng trưởng cao

Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh năm 2025, vùng ĐBSCL tập trung phấn đấu tăng trưởng cao, tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng và thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.

Chiều 3/1, Hội đồng vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức Hội nghị lần thứ 5 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Chủ tịch Hội đồng.

Cần cơ chế, chính sách đột phá, tạo sức bật

Theo báo cáo tình hình phát triển của vùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2024 của vùng đạt 7,31%, cao hơn mức tăng bình quân cả nước (khoảng 7%), đứng thứ 4/6 các vùng kinh tế.

Một số địa phương có mức tăng trưởng khá như Kiên Giang (7,5%), Long An (8,3%), Hậu Giang (8,76%), điển hình là Trà Vinh tăng trưởng 10,04%.

Nhiều dự án, công trình trọng điểm trong vùng được triển khai, xây dựng, tạo thuận lợi cho kết nối nội vùng, liên vùng, các tuyến đường trọng điểm đang được đẩy nhanh tiến độ như tuyến cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, cao tốc Cần Thơ-Cà Mau, cao tốc An Hữu-Cao Lãnh.

Tuy nhiên, kinh tế-xã hội vùng còn nhiều khó khăn, hạn chế. Kinh tế của vùng tuy tăng trưởng khá nhưng quy mô kinh tế vùng còn nhỏ, chỉ chiếm khoảng 12% tỷ trọng của cả nước; 12/13 địa phương trong vùng chưa tự cân đối thu chi ngân sách, mô hình tăng trưởng chưa thực sự bền vững.

Biến đổi khí hậu đang tác động sâu sắc đến đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân: sụt lún, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn và thiếu nước sinh hoạt.

Nhấn mạnh nước là nguồn tài nguyên quan trọng của vùng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết thời gian qua, Bộ đã trình cấp có thẩm quyền xây dựng, ban hành các chính sách, pháp luật về tài nguyên nước, trong đó có Luật Tài nguyên nước và các văn bản hướng dẫn; phê duyệt 2 quy hoạch quan trọng về tài nguyên nước; trong đó có vùng Đồng bằng sông Cửu Long; lần đầu tiên xây dựng kịch bản về nguồn nước các lưu vực sông Cửu Long làm cơ sở để khai thác hiệu quả, đảm bảo an ninh nguồn nước; xây dựng dữ liệu về nguồn nước…

Thời gian tới, Bộ tiếp tục triển khai tốt Trung tâm dữ liệu vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tăng cường năng lực dự báo, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu; phối hợp các địa phương ứng phó tình trạng sạt lở, xâm nhập mặn, hạn hán, thiếu nước, tăng cường khả năng trữ nước, điều tiết nguồn nước.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị. (Nguồn: báo Chính phủ)

Thông tin tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã phát huy vai trò là đầu mối điều phối các hoạt động liên kết vùng, giải quyết các vấn đề chung của vùng. Bộ trưởng cũng nhìn nhận, một số cơ chế, chính sách ban hành đã dành nhiều sự quan tâm cho các địa phương trong vùng nhưng chưa thực sự mang tính "đột phá," tạo sức bật đáng kể.

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận 3 vấn đề nổi lên, đang là thách thức lớn đối với vùng là giao thông, xâm nhập mặn, sạt lở và thiếu nước ngọt. Các địa phương trong vùng bàn giải pháp tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 để đóng góp cho tăng trưởng của cả nước.

Phấn đấu hoàn thành 600km cao tốc vào năm 2025

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đánh giá vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có sự phát triển rõ rệt, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ hơn, đảm bảo phục vụ tốt hơn cho các hoạt động kinh tế-xã hội.

Cùng với sự quan tâm, đầu tư của Trung ương, các địa phương trong vùng có nhiều cố gắng, đã khẳng định được vị thế là trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, thủy hải sản và cây ăn quả hàng đầu của cả nước.

Nhìn nhận về tình hình hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Thủ tướng cho rằng từ khi thành lập (năm 2020) đến nay, Hội đồng đã đi đúng hướng trong việc khắc phục những ách tắc, khó khăn và đạt nhiều kết quả quan trọng. Có 13/13 địa phương trong vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh; 5/13 địa phương đã được phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh.

Các địa phương trong vùng đã chủ động thực hiện liên kết, kết nối vùng như ký Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2025 trong nhiều lĩnh vực. Nhiều dự án trọng điểm trong vùng đang được tích cực triển khai và khẩn trương hoàn thành.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị. (Nguồn: báo Chính phủ)

“Chúng ta phấn đấu hoàn thành 600km cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2025,” Phó Thủ tướng cho biết.

Định hướng phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với hiện tượng biến đổi khí hậu tác động sâu sắc đến an ninh nguồn nước tại vùng.

Năm 2025, bên cạnh triển khai các công tác theo chức năng, nhiệm vụ và kế hoạch đề ra, phải tập trung thực hiện đồng thời 3 nhiệm vụ là phấn đấu tăng trưởng cao, tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng và thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy. Với những nhiệm vụ, các đề án của Hội đồng vùng chưa được hoàn thành thì phải cố gắng thực hiện, đẩy nhanh tiến độ.

Bên cạnh đó là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp tại các Quy hoạch đã được phê duyệt (Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Quy hoạch Tài nguyên nước quốc gia, Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi và Quy hoạch tỉnh).

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát triển trung tâm đầu mối tổng hợp tại Cần Thơ; xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu chủ lực, tập trung đảm bảo phục vụ lâu dài, bền vững cho các cơ sở chế biến nông nghiệp-thủy sản.

Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất cơ chế hợp tác vùng trong đảm bảo an ninh nguồn nước. Bộ Công Thương tăng cường liên kết vùng trong phát triển thương mại, nhất là xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp chủ lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng thời nghiên cứu, lựa chọn các dự án quan trọng, cấp bách theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị và quy hoạch vùng để ưu tiên nguồn vốn bố trí trong kế hoạch trung hạn 2026-2030, trong đó dành nguồn vốn phù hợp để làm công tác chuẩn bị đầu tư trong năm 2025 để triển khai thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần sớm hướng dẫn các địa phương về việc này./.