Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc tuyển lao động Việt Nam có chuyên môn
Các nhân lực xuất sắc đáp ứng yêu cầu trình độ cử nhân khoa học, kỹ thuật và kinh nghiệm làm việc đã được tuyển chọn và đào tạo 3 tháng lý thuyết cũng như thực hành về chế tạo linh kiện máy bay.
Ngày 2/8, Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc (KAI) công bố tuyển 50 lao động Việt Nam cho các đối tác vừa và nhỏ thông qua Tổng công ty Kinh tế kỹ thuật công nghiệp quốc phòng (GAET), một doanh nghiệp công trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Đây là những lao động nước ngoài đầu tiên mà KAI tiến hành đào tạo chuyên môn ở quốc gia sở tại và cung cấp cho các công ty thuộc lĩnh vực hàng không vũ trụ trong nước.
Cũng giống như ngành đóng tàu, các công ty vừa và nhỏ trong lĩnh vực hàng không vũ trụ của Hàn Quốc đang gặp khó khăn trong tuyển dụng do nguồn nhân lực hỗ trợ sản xuất trong nước ngày càng sụt giảm. Việc bắt đầu tuyển dụng lao động nước ngoài nhằm bù đắp nhu cầu nhân lực thiếu hụt trong nước và khôi phục hệ sinh thái công nghiệp của ngành này.
Vào năm 2023, KAI đã thúc đẩy dự án đào tạo nhân lực chuyên nghiệp ở nước ngoài liên quan việc triển khai thị thực (visa) E-7-3 để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực của các công ty vừa và nhỏ trong lĩnh vực hàng không vũ trụ. Theo đó, KAI đã ký Bản ghi nhớ (MOU) về đào tạo và cung cấp nhân lực có chuyên môn hàng không vũ trụ với GAET.
Sau khi ký MOU, tại Việt Nam, 50 nhân lực xuất sắc đáp ứng yêu cầu trình độ cử nhân khoa học, kỹ thuật và kinh nghiệm làm việc đã được tuyển chọn và đào tạo 3 tháng lý thuyết cũng như thực hành về chế tạo linh kiện máy bay tại trung tâm dạy nghề do Bộ Quốc phòng Việt Nam thành lập.
Bắt đầu từ năm nay, lứa sinh viên tốt nghiệp đầu tiên sẽ được giao cho các công ty đối tác của KAI, các nhà sản xuất phụ tùng hàng không của Hàn Quốc như Songwol Technology, Mirae Aviation, Yulgok và S&K Aviation. Những lao động này sẽ đảm nhận công việc thực tế như gia công và lắp ráp máy bay.
Sau đại dịch COVID-19, về tổng thể, lực lượng lao động hỗ trợ ngành sản xuất của Hàn Quốc đều đang suy giảm và hầu hết các nhà sản xuất vừa và nhỏ trong lĩnh vực hàng không đều nằm ở khu vực nông thôn, dẫn đến khó khăn lớn trong việc tuyển dụng.
Về lâu dài, KAI kỳ vọng sẽ đặt nền móng cho việc cung cấp nhân lực nước ngoài có chuyên môn cho các công ty đối tác. Trong khi đó, GAET hy vọng các hợp đồng đào tạo và cung cấp nhân lực sẽ giúp tạo nguồn chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất linh kiện hàng không.
Giám đốc Trung tâm Điều hành của KAI, ông Song Ho-cheol cho biết việc xúc tiến dự án mở ra hướng đi tốt nhằm giải quyết tình trạng thiếu nhân lực của các đối tác bằng cách tận dụng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng dồi dào của Việt Nam.
Ông Park Joon-hwan, Giám đốc điều hành Songwol Technology, cho biết công ty này đang nỗ lực tăng khả năng cạnh tranh toàn cầu của các công ty vừa và nhỏ trong nước bằng cách sử dụng các chuyên gia nước ngoài.
Trong tương lai, KAI có kế hoạch đào tạo khoảng 100 nhân sự chuyên nghiệp mỗi năm thông qua chương trình đào tạo chuyên ngành hàng không vũ trụ của Việt Nam./.