Giá dầu quay đầu giảm sau khi OPEC+ quyết định giữ nguyên chính sách sản lượng
Các quốc gia như Iraq, Kazakhstan và Nga đã cam kết tuân thủ đầy đủ chính sách của liên minh khi có kế hoạch cắt giảm sản lượng để bù đắp cho số dầu đã sản xuất vượt mức trong nửa đầu năm nay.
Ngày 1/8, Ủy ban Giám sát chung cấp Bộ trưởng (JMMC) của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác, còn gọi là OPEC+, đã quyết định không thay đổi chính sách sản lượng hiện tại.
Trong tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp cấp bộ trưởng của OPEC+ cùng ngày, JMMC cho biết đã đánh giá dữ liệu sản lượng dầu thô trong tháng Năm và tháng Sáu và ghi nhận “mức độ tuân thủ cao” của các nước OPEC+.
Không chỉ vậy, các quốc gia như Iraq, Kazakhstan và Nga cũng đã cam kết tuân thủ đầy đủ chính sách của liên minh khi có kế hoạch cắt giảm sản lượng để bù đắp cho số dầu đã sản xuất vượt mức trong nửa đầu năm nay.
Tháng Sáu vừa qua, cuộc họp cấp bộ trưởng OPEC+ đã quyết định gia hạn cắt giảm sản lượng hiện tại ít nhất đến hết quý 3 năm nay.
Tại cuộc họp này, 7 nước thành viên OPEC+ cũng đã tuyên bố gia hạn cắt giảm tự nguyện 2,2 triệu thùng dầu mỗi ngày đến hết tháng Chín năm nay, sau đó sẽ được khôi phục dần dần hằng tháng cho đến cuối tháng 9/2025.
Trong cuộc họp mới nhất, JMMC cho biết 8 quốc gia trên đã tái khẳng định việc giảm dần lộ trình cắt giảm sản lượng dầu mỏ tự nguyện có thể được điều chỉnh tùy thuộc vào tình hình thị trường.
JMMC bao gồm các bộ trưởng dầu mỏ của các nước OPEC+. Ủy ban này không có quyền ra quyết định cuối cùng nhưng có thể đưa ra khuyến nghị chính sách cho cuộc họp cấp bộ trưởng của OPEC+. JMMC cũng có quyền triệu tập các cuộc họp ủy ban bổ sung hoặc yêu cầu tổ chức các cuộc họp cấp bộ trưởng OPEC+. Cuộc họp tiếp theo của JMMC dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 2/10 tới.
Sau quyết định giữ nguyên chính sách cắt giảm sản lượng của OPEC+, giá dầu thô đã quay đầu đi xuống trong phiên giao dịch ngày 1/8, bất chấp căng thẳng leo thang ở Trung Đông trước đó đã đẩy giá "vàng đen" tăng.
Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1,32 USD, tương đương 1,6%, xuống 79,52 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,6 USD, hay 2,1%, xuống còn 76,31 USD/thùng.
Trong phiên giao dịch trước đó, giá cả hai loại dầu trên tăng khoảng 3% giữa bối cảnh gia tăng lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc xung đột rộng hơn ở Trung Đông sau vụ ám sát thủ lĩnh Hamas.
Ông Dennis Kissler, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch tại công ty BOK Financial, nhận định thị trường đang dần nhận ra rằng chưa có sự gián đoạn nguồn cung nào diễn ra trên thực tế, do đó đang chuyển trọng tâm từ các vấn đề địa chính trị sang nhu cầu dầu thô toàn cầu.
Tuy nhiên, giới phân tích cho biết các nhà đầu tư vẫn đang theo dõi chặt chẽ mọi sự gián đoạn, đặc biệt là đối với các tuyến đường vận chuyển dầu.
Lực lượng Houthi ở Yemen đã liên tục tiến hành các vụ tấn công nhằm vào các tàu đi qua Biển Đỏ, buộc các tàu chở dầu phải chọn các tuyến đường thay thế dài hơn./.