'Sự cố bị tấn công của Công ty VNDirect đã được xử lý kịp thời'
Về xử lý ngay sau sự cố, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản yêu cầu Công ty khắc phục ngay sự cố nhằm đảm bảo an toàn tài sản tiền và chứng khoán của khách hàng ngay trong ngày 24/3.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước luôn đặt vấn đề bảo mật, an toàn an ninh mạng lên hàng đầu và luôn sẵn sàng, chủ động có phương án xử lý khi có sự cố xảy ra.
Thông tin trên được ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, khẳng định tại buổi Họp báo thường kỳ quý 1/2024 của Bộ Tài chính, ngày 29/3.
Trả lời báo chí liên quan đến sự cố bị tấn công của Công ty chứng khoán VNDirect, ông Phạm Hồng Sơn cho biết đây là sự cố đáng tiếc. Về xử lý ngay sau sự cố, Ủy ban đã có văn bản yêu cầu Công ty khắc phục ngay sự cố nhằm đảm bảo an toàn tài sản tiền và chứng khoán của khách hàng ngay trong ngày 24/3.
Bên cạnh đó, ông Sơn cho hay Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đồng thời có văn bản gửi các công ty chứng khoán cảnh báo bảo mật hệ thống giao dịch chứng khoán trực tuyến, các thành viên thị trường và yêu cầu thực hiện ngay các biện pháp rà soát, kiểm tra về hệ thống công nghệ thông tin, đảm bảo an toàn và bảo mật cho hệ thống liên quan đến giao dịch chứng khoán để đảm bảo sự hoạt động an toàn, ổn định, thông suốt của thị trường.
Ông Phạm Hồng Sơn cũng chia sẻ sự cố bị tấn công của Công ty Chứng khoán VNDirect không ảnh hưởng nhiều tới toàn thị trường. Trên thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn giao dịch bình thường, trong khi hai Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội thực hiện ngắt kết nối với công ty này.
Đến thời điểm ngày 29/3, tất cả tài sản tiền và chứng khoán của khách hàng tại VNDirect được đảm bảo và đã kiểm tra được số dư tài khoản. Hiện hệ thống của công ty này đã kết nối lại được với sàn HNX và dự kiến ngày mai kết nối được với sàn HoSE, theo đó sẽ trở lại giao dịch từ ngày 1/4 tới.
Cũng tại buổi họp báo, với câu hỏi liên quan đến vấn đề quản lý tiền ảo, tài sản ảo, ông Phạm Hồng Sơn cho biết Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu, làm rõ bản chất, khái niệm của tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo.
Theo ông Sơn, đây thực sự là nội dung khó, bởi tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo là những sản phẩm của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 với ứng dụng các công nghệ tiên tiến, bao gồm các sản phẩm đa dạng và được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau.
“Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy các nước vẫn đang có các cách tiếp cận khác nhau đối với hoạt động này. Đây là lĩnh vực mới cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, khuôn khổ pháp lý cần được xem xét kỹ,” ông Sơn nói./.