Bình Định: Hài hòa giữa cạnh tranh bằng thế mạnh riêng và tính liên kết vùng
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý tỉnh Bình Định cần hài hòa giữa cạnh trạnh giữa các địa phương trong khu vực, quyết liệt trong khai thác thế mạnh riêng và cần tính toán việc liên kết vùng.
Trong khuôn khổ tuần lễ AMAZING BÌNH ĐỊNH FEST 2024, ngày 29/3, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư Bình Định 2024 thu hút hơn 1.000 đại biểu tham gia.
Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, nhằm từng bước hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời, góp phần đưa Bình Định đến gần hơn với nhà đầu tư, doanh nghiệp để cùng nhau biến tiềm năng, thế mạnh, ý tưởng thành hiện thực; chia sẻ, hợp tác để phát triển nhanh và bền vững hơn nữa trong tương lai.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Bình Định trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư vào tỉnh.
Bình Định là vùng đất có bề dày văn hóa truyền thống lâu đời. Người Bình Định có tính cách mạnh mẽ, quyết liệt, chịu thương chịu khó, chịu học, chăm chỉ… Địa phương rất khát khao phát triển.
Minh chứng rõ nét nhất chính là sự thay đổi từng ngày, từng giờ. Nhiều người con ưu tú đã "vươn ra biển lớn" và khá thành đạt, tạo dựng được thương hiệu doanh nghiệp tầm cỡ hàng đầu Việt Nam và thành đạt, trở thành đối tác đáng tin cậy của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý trong xúc tiến, thu hút đầu tư, tỉnh cần phải hài hòa giữa các yếu tố như: cạnh trạnh giữa các địa phương trong khu vực, quyết liệt trong khai thác những thế mạnh riêng và cần tính toán cả "bài toán" liên kết vùng trong khai thác cơ sở hạ tầng, phân chia khai thác thu hút đầu tư. Bởi nếu không làm tốt, tỉnh sẽ gặp trở ngại nhất định trong phát triển.
Bên cạnh đó, tỉnh phải đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng hành với các nhà đầu tư, áp dụng chuyển đổi số để mọi việc đơn giản, rõ ràng, minh bạch hơn. Từ đó, sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư mới chọn Bình Định làm "bến đỗ," gắn bó lâu dài.
Bình Định là một trong năm tỉnh thuộc Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, trung tâm du lịch quan trọng của vùng và cả nước.
Cùng với thành phố Đà Nẵng, Bình Định được xem là một trong hai đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế toàn vùng.
Quan điểm phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế đặc thù để phát triển Bình Định trở thành tỉnh có nền kinh tế công nghiệp, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao; là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và du lịch của vùng duyên hải Trung Bộ-Tây Nguyên.
Cùng đó, tỉnh hướng đến việc trở thành trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; đầu nối giao thương kinh tế, đối ngoại quan trọng giữa Việt Nam với các nước tiểu vùng sông Mekong; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại; đảm bảo môi trường bền vững; bảo tồn và phát huy tốt bản sắc, các nét đẹp văn hóa các dân tộc; đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn thông tin, địa phương đang tập trung thực hiện một số nội dung đột phá lớn như: khẩn trương hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng; nâng cao hiệu quả hoạt động của cụm cảng Quy Nhơn; quy hoạch và bổ sung các Cảng biển nước sâu quy mô lớn ở khu vực phía Bắc tỉnh; đầu tư, nâng cấp Cảng hàng không Phù Cát từng bước thành cảng hàng không quốc tế.
Ngoài ra, tỉnh luôn quyết liệt, đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục về đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan và cải thiện mối quan hệ giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp với chính quyền.
Bình Định hướng tới mục tiêu xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp; ưu tiên thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào các ngành, lĩnh vực theo tinh thần "Công nghệ số sẽ trở thành lực lượng sản xuất cơ bản, nhân tài số thành nguồn lực cơ bản và đổi mới sáng tạo số thành động lực cơ bản cho sự phát triển;" sẵn sàng các khung giá hấp dẫn với các nhà đầu tư; tập trung thúc đẩy liên kết vùng...
"Bình Định mong tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ban ngành trung ương, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp để tỉnh hiện thực hóa khát vọng của mình," Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn chia sẻ.
Tại hội nghị, ông Cyril Dissescou - Giám đốc điều hành Tập đoàn Nexif Ratch Energy Se Asia PTE, LTD (Singapore) nhận xét Bình Định có vị trí địa lý thuận lợi ở khu vực miền Trung Việt Nam.
Có thể dễ dàng tiếp cận địa phương này từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh bằng cả đường bộ, đường sắt, hàng không và thông qua cảng biển.
Chính quyền địa phương có chính sách khuyến khích phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp với cơ sở hạ tầng đầy đủ và lực lượng lao động có tay nghề cao.
Việc nhanh chóng mở rộng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp sẽ làm tăng nhanh nhu cầu sử dụng điện, đặc biệt là nhu cầu về điện sản xuất từ năng lượng tái tạo.
Sẽ có khoảng 143MW công suất điện gió trên bờ được phân bổ tại Bình Định đến năm 2030 sau khi Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được phê duyệt.
Chính vì vậy, ông Cyril Dissescou mong muốn lãnh đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo các cơ quan ban ngành địa phương hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đầu tư dự án điện gió theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và mở rộng hoạt động kinh doanh trên địa bàn.
Nhân dịp này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đã ký kết Ghi nhớ Hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2024-2028 với Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Tổng công ty Hàng không Việt Nam và Công ty cổ phần Bình Định F1; trao Biên bản Thỏa thuận hợp tác và các biên bản ghi nhớ cho 6 nhà đầu tư với 18 dự án; trao chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 5 dự án./.