Các công ty nước ngoài rút khỏi Nga chịu thiệt hại gần 107 tỷ USD
Chính phủ Nga đã yêu cầu các công ty nước ngoài khi thanh lý tài sản tại Nga buộc phải chiết khấu 50% giá bán, hoặc thậm chí là chấp nhận để lại tài sản với mức phí chuyển đổi danh nghĩa chỉ 1 ruble.
Theo thống kê của hãng tin Reuters (Anh), việc buộc phải rời khỏi thị trường Nga để tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây đã khiến các công ty nước ngoài chịu tổn thất lên đến hơn 107 tỷ USD, bao gồm cả tổn thất đầu tư và doanh thu dự tính.
So với lần thống kê mới nhất vào tháng 8/2023, tổng mức thiệt hại của các công ty nước ngoài khi rời Nga hiện tăng thêm 1/3 giá trị. Điều này nhấn mạnh đến quy mô của những thiệt hại kinh tế và sự mất mát của các công ty phương Tây khi rời khỏi một trong những nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Ông Ian Massey, một lãnh đạo của Công ty tư vấn rủi ro toàn cầu S-RM, cho biết “Các công ty nước ngoài vẫn còn ý định rời khỏi Nga sẽ phải đối mặt với những khó khăn hơn nữa và phải chấp nhận những khoản lỗ đầu tư và doanh thu lớn hơn.”
Chính phủ Nga đã yêu cầu các công ty nước ngoài khi thanh lý tài sản tại Nga buộc phải chiết khấu 50% giá bán, hoặc thậm chí là chấp nhận để lại tài sản với mức phí chuyển đổi danh nghĩa chỉ 1 ruble (khoảng 0,011 USD).
Tính đến thời điểm hiện tại, doanh số bán tài sản tại Nga của của các tập đoàn Shell, HSBC, Polymetal International và Yandex đã được công bố, với tổng giá trị đạt gần 10 tỷ USD, nhưng đi kèm khoản chiết khấu lên đến 90%.
Tuần trước, Tập đoàn Danone cũng thông báo đã chấp thuận theo quy định để thanh lý tài sản tại nước này, với khoản lỗ ước tính gần 1,3 tỷ USD. Khoảng 1.000 công ty đã rời khỏi Nga tính từ năm 2022.
Nhật báo RBC, hôm 28/3, đưa tin nhà sản xuất gạch của Áo, Wienerberger, là công ty mới nhất vừa hoàn tất thương vụ bán lại các nhà máy ở Nga và rút lui khỏi thị trường này.
Nhưng theo phân tích của Trường Quản lý Yale, hàng trăm công ty nước ngoài, bao gồm cả nhà bán lẻ Pháp Auchan và Benetton vẫn đang hoạt động hoặc chỉ dừng tạm thời hoạt động kinh doanh ở Nga. Kể từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine, các quốc gia phương Tây đã đóng băng nguồn vàng và dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga trị giá khoảng 300 tỷ USD.
Đức đã quốc hữu hóa Germania, công ty con của "gã khổng lồ" năng lượng Gazprom (Nga) mở tại nước này, và đổi tên thành Sefe. Đồng thời, nhà máy lọc dầu Schwedt tại Đức của Rosneft cũng "chịu chung số phận."
Chính phủ Nga đã tuyên bố sẽ có hành động đáp lại các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU), có thể gây ảnh hưởng đến các công ty và ngân hàng thuộc khối này.
Hãng thông tấn nhà nước RIA của Nga tính toán phương Tây có thể mất tài sản và khoản đầu tư trị giá ít nhất 288 tỷ USD, nếu Nga có hành động đáp lại./.