Việt Nam-Nhật Bản thúc đẩy cơ chế tài chính trong chuyển đổi năng lượng xanh
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đặt vấn đề, để chuyển đổi năng lượng công bằng, các nước phát triển và đang phát triển tăng cường hỗ trợ nhau về cơ chế tài chính, công nghệ.
Chiều 29/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp xã giao ông Tanimoto Masayuki, Giám đốc Điều hành quốc gia Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC).
Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, thời gian qua, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản tiếp tục phát triển mạnh mẽ và toàn diện trên các lĩnh vực với sự tin cậy chính trị cao, giao lưu cấp cao và các cấp diễn ra mật thiết.
Đặc biệt, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của các ngân hàng và các cơ chế tài chính trong các dự án chuyển đổi năng lượng xanh, Phó Thủ tướng cho rằng, Hội nghị Thượng đỉnh về Hiệp ước tài chính toàn cầu mới (tháng 6/2023) đã kêu gọi chính sách của các tổ chức tài chính, ngân hàng trên thế giới trong chuyển đổi xanh.
Thời gian qua, Việt Nam và Nhật Bản có nhiều hợp tác trong khuôn khổ song phương và đa phương liên quan đến chuyển đổi công bằng.
Đặc biệt, Sáng kiến Cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng "0" (AZEC) đã chuyển đổi theo hướng trung hòa carbon... với rất nhiều định hướng và nội dung hợp tác mà hai bên đã đặt ra; tích cực triển khai, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Phó Thủ tướng cho biết, cơ chế AZEC và JETP (Thỏa thuận chuyển đổi năng lượng công bằng) là sáng kiến hiện thực hóa thỏa thuận tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). “Thực hiện cam kết giảm phát thải khí carbon đạt mức bằng 0 vào năm 2050, có nghĩa phải có 100% năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Việt Nam và Nhật Bản đều ủng hộ điều này,” Phó Thủ tướng thông tin.
Hiện nay trên thế giới, kể cả các nước phát triển nhất mới đang ở giai đoạn thử nghiệm giảm phát thải khí, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo 100% để khai thác sử dụng trong phát triển.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đặt vấn đề, để chuyển đổi năng lượng công bằng, các nước phát triển và đang phát triển tăng cường hỗ trợ nhau về cơ chế tài chính, công nghệ.
Nhấn mạnh một số mục tiêu chung giữa AZEC và JETP, Phó Thủ tướng đánh giá cao tính hiện thực của cơ chế AZEC với giai đoạn chuyển tiếp sử dụng năng lượng sạch hơn, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng khí, năng lượng sinh khối… với nhiều giải pháp cụ thể.
Nêu cách tiệm cận của Việt Nam trong thực hiện AZEC và JETP, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, một trong những tiêu chí quan trọng, xuyên suốt là đảm bảo đáp ứng hiệu quả kỹ thuật cũng như kinh tế; thực hiện đồng bộ các hành động để đạt mục tiêu đề ra.
AZEC và JETP cần lựa chọn một số dự án thực hiện cụ thể để cùng nhau hoàn thiện cơ chế và công nghệ. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, khác với JETP, trong cơ chế AZEC, Nhật Bản và các doanh nghiệp Nhật Bản đóng vai trò rõ ràng hơn.
Cảm ơn Phó Thủ tướng đã dành thời gian tiếp, ông Tanimoto Masayuki cho biết, JBIC có hợp tác và hỗ trợ khoản vay cho các đối tác tại Việt Nam.
Đến nay, JBIC đang hỗ trợ nhiều doanh nghiệp của Nhật Bản triển khai hoạt động đầu tư, hợp tác ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam.
Đối với lĩnh vực cơ sở hạ tầng và môi trường, JBIC đang tập trung nhiều nguồn lực cho chương trình AZEC, ủng hộ cơ chế JETP.
Nhấn mạnh ưu tiên kết nối nguồn năng lượng xanh của các doanh nghiệp Nhật Bản khi lựa chọn đầu tư, ông Tanimoto Masayuki cho biết JBIC sẽ hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này, như đưa công nghệ Nhật Bản và châu Âu để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thực hiện giảm phát thải khí carbon và tiết kiệm năng lượng.
JBIC mong muốn, Việt Nam vừa thực hiện được chiến lược trung hòa carbon, vừa đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội và an ninh năng lượng.
Việt Nam là đối tác đầu tiên mà Nhật Bản hỗ trợ trong Sáng kiến AZEC và các đối tác quốc tế chủ chốt rất ủng hộ hợp tác của Nhật Bản với Việt Nam.
Giám đốc Điều hành quốc gia JBIC cũng mong muốn chế hợp tác Nhật Bản-Việt Nam trong AZEC trở thành hình mẫu hợp tác toàn cầu; khẳng định sẽ tiếp tục tích cực hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này./.