Sầu riêng Thái Lan cạnh tranh với sầu riêng các nước Đông Nam Á
Mặc dù Thái Lan sẽ tiếp tục chiếm thị phần lớn trong thị trường xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, nhưng thị phần xuất khẩu sầu riêng từ Malaysia, Việt Nam và Indonesia cũng dự kiến sẽ tăng.
Xuất khẩu sầu riêng Thái Lan sang Trung Quốc sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn từ các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khác, như Malaysia, Việt Nam và Indonesia, cũng như từ trái cây sầu riêng trồng tại Trung Quốc.
Chính phủ Indonesia dự kiến tăng xuất khẩu sầu riêng từ tỉnh Trung Sulawesi sang Trung Quốc.
Đầu tuần này, Tỉnh trưởng tỉnh Trung Sulawesi, Rusdy Mastura, cho biết tỉnh này có thể dẫn đầu xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, với khoảng 30.000ha đồn điền sầu riêng với hơn 3 triệu cây trên 12 huyện.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Kiểm dịch Nông nghiệp Indonesia, xuất khẩu sầu riêng từ tỉnh Trung Sulawesi sang Trung Quốc có giá trị khoảng 600 tỷ rupiah (xấp xỉ 6,9 triệu USD).
Tỉnh trưởng Rusdy Mastura lưu ý rằng tỉnh Trung Sulawesi có đủ cơ sở cảng và trang bị tốt để xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc, với thời gian di chuyển ước tính 7-9 ngày.
Theo hãng tin Tân Hoa Xã, sầu riêng đang được trồng để tiêu thụ nội địa ở thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.
Giống Mon Thong có giá 80 nhân dân tệ, tương đương 400 baht/kg (11 USD/kg) ở Trung Quốc, đắt gấp đôi so với ở Thái Lan.
Trung Quốc là nước nhập khẩu và tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới. Theo Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn (KRC), xuất khẩu sầu riêng tươi của Thái Lan sang Trung Quốc dự kiến đạt 4,5 tỷ USD trong năm nay.
KRC cho biết mặc dù Thái Lan sẽ tiếp tục chiếm thị phần lớn trong thị trường xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, nhưng thị phần xuất khẩu sầu riêng từ các nước đối thủ dự kiến sẽ tăng. Do đó, duy trì chất lượng sầu riêng Thái Lan là chìa khóa để duy trì khả năng cạnh tranh của nước này./.