Ra mắt phần Thư của bộ Sử ký, giúp độc giả hiểu rõ hơn về Tư Mã Thiên
Qua việc phần Thư được chuyển ngữ toàn vẹn sang tiếng Việt, "Sử ký" của Tư Mã Thiên không những được thành toàn mà nhiều độc giả Việt Nam sẽ hiểu rõ hơn về sử gia vĩ đại của hơn 2000 năm trước.
Gần một năm sau khi phần khiếm khuyết quan trọng là Biểu được chuyển ngữ và giới thiệu với độc giả Việt Nam ở tập 1 "Sử ký" (Nguyễn Đức Vịnh dịch), đến tháng 8/2023, một nội dung quan trọng khác là Thư, gồm trọn tập 2 "Sử ký," cũng đã được lần đầu tiên ra mắt bạn đọc.
Với giới nghiên cứu cũng như độc giả phổ thông, việc toàn bộ nội dung của bộ "Sử ký Tư Mã Thiên" được dịch sang tiếng Việt có ý nghĩa rất lớn. Nó không chỉ giúp những người yêu thích văn học sử Trung Quốc có cơ hội tiếp cận lịch sử một cách hệ thống, mà còn là dịp soi chiếu, so sánh tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam khi đặt cạnh nước láng giềng Trung Hoa.
Như chúng ta đã biết, cấu trúc của Sử ký-Tư Mã Thiên gồm 5 phần, được xếp theo thứ tự: Bản kỷ-Biểu-Thư-Thế gia-Liệt truyện, trong đó ở những ấn bản "Sử ký" từng được xuất bản ở Việt Nam, đa phần chỉ bao gồm Bản kỷ, Thế gia, Liệt truyệt, còn lại đề cập rất ít hoặc mang tính giới thiệu với 2 phần Biểu và Thư.
Sở dĩ có chuyện này là bởi Biểu và Thư là hai phần nặng về chuyên môn, lý luận, khoa học mà ít tính văn chương giải trí như 3 phần phổ biến kia. Nhưng giá trị khoa học của Biểu và Thư rất to lớn, và việc Tư Mã Thiên sắp xếp chúng ở vị trí thứ 2 và thứ 3 là có ý đồ rõ ràng.
Nói một cách hình ảnh, toàn bộ tác phẩm "Sử ký" là một cơ thể toàn vẹn, trong đó Biểu là cột xương sống và hệ thần kinh, còn Thư là khung xương che chở cho lục phủ ngũ tạng quan trọng, còn lại các phần khác là da thịt. Thế nên, tính ẩn của Biểu và Thư là đương nhiên, cho dù chức năng của chúng là tối quan trọng.
Phần Thư: Thể hiện năng lực nghiên cứu của Tư Mã Thiên
Phần Thư gồm cả thảy tám thiên, cho nên còn được gọi là Bát Thư. Về ý nghĩa của chữ “thư,” Sử ký sách ẩn cho rằng: “Thư, là tên gọi chung của Ngũ kinh Lục tịch vậy. Bát thư ở đây ghi chép về đại thể của quốc gia.”
Ngũ kinh Lục tịch chỉ chung các loại sách vở kinh điển của Nho gia, theo đó thì “thư” tức là kinh sách.
Ngoài ra, chữ “thư” còn có một nghĩa phổ biến khác nữa là ghi chép, như vậy Bát thư tức là sự ghi chép về tám phương diện khác nhau, hiểu theo nghĩa đó cũng phù hợp.
Sau phần thứ nhất là Bản kỷ ghi lại dòng lịch sử xoay quanh các vị Đế Vương, phần thứ hai là Biểu dùng các bảng biểu để lập nên một bộ khung lịch sử đồ sộ với các sự kiện được ghi lại vắn tắt, tác giả đưa ta đi tiếp tới phần thứ ba mô tả các phương diện chính yếu làm nên nền tảng văn minh Trung Hoa, cả về tinh thần lẫn vật chất, mà phần lớn trong số đó vẫn còn được duy trì cho tới ngày nay.
Danh sách Bát thư như sau:
1. Lễ thư
2. Nhạc thư
3. Luật thư
4. Lịch thư
5. Thiên quan thư
6. Phong thiện thư
7. Hà cừ thư
8. Bình chuẩn thư
Trong số đó, Lễ thư viết về lễ nghi, tức là những chuẩn tắc tối cao được đặt ra để xác lập tôn ti trên dưới và kiểm soát dục vọng của con người.
Đây là tư tưởng cốt lõi nhất của Nho gia trong việc xây dựng nên một xã hội lý tưởng, do vậy được đặt làm thiên đầu trong Bát thư.
Phần đầu thiên này nói về quá trình phát triển của lễ nghi từ thời Tiên Tần cho tới thời Hán Vũ Đế (tức là thời đại của tác giả), phần sau luận bàn về gốc rễ cũng như tác dụng của nó trong việc trị lý thiên hạ.
Nhạc thư viết về nhạc, nhưng nhạc không chỉ thuần túy là âm nhạc như cách hiểu hiện nay mà bao gồm ba yếu tố cấu thành là lời thơ, khúc ca và điệu múa.
Trong tư tưởng Nho gia, lễ và nhạc luôn song hành, nhạc là một phần của lễ, lễ cũng là nền tảng làm nên nhạc, do vậy thiên này được đặt ở vị trí thứ hai ngay sau Lễ thư.
Luật thư theo tiêu đề sẽ là thiên viết về âm luật, nhưng nội dung thực tế lại rộng hơn thế.
Nó gồm ba phần, phần đầu tiên nói về việc dùng binh, phần thứ hai nói về tám loại gió thổi tới từ tám hướng, phần thứ ba mới nói về âm luật.
Ở đây âm luật tức là các nấc trong một thang âm gọi là Thập nhị luật, mỗi nấc này được thổi ra từ một chiếc ống có kích thước cố định gọi là ống luật (律管), mà những chiếc ống luật đó còn được dùng để làm quy chuẩn đo lường, do vậy người ta mới cho rằng âm luật rất quan trọng và là gốc rễ của muôn việc.
Lịch thư viết về lịch pháp, đó là thứ dùng để ghi chép thời gian, tính toán mùa vụ, có tầm quan trọng to lớn trong nền kinh tế nông nghiệp xưa.
Thiên này về cơ bản gồm hai phần, phần đầu nói về tầm quan trọng của lịch pháp và lược thuật tình trạng làm lịch qua các thời kỳ, phần sau trình bày một bộ lịch pháp ghi năm theo lối Thái Tuế kỷ niên, gọi là “Lịch pháp thiên Giáp Tý.”
Cần khẳng định đó là một bộ lịch cực kỳ chính xác và có nhiều giá trị, thông qua bộ lịch ta biết rằng người thời bấy giờ đã xác định được độ dài của một năm tính theo mặt trời là 365 lẻ 1/4 ngày, còn độ dài của một tháng tính theo Mặt Trăng là 29 lẻ 499/940 ngày, so với các con số mà ngày nay người ta đo đạc được chỉ chênh lệch rất nhỏ.
Thiên quan thư viết về thiên văn, hai chữ “thiên quan” mang ý là những vị quan trên trời, chính là chỉ những ngôi sao.
Thiên này chủ yếu ghi lại những thành tựu nghiên cứu của tác giả và người thời bấy giờ về thiên văn học, tất nhiên cũng kèm theo cả những kiến thức về chiêm tinh.
Toàn thiên chia làm bảy phần: bố cục bầu trời, sự vận hành và điềm báo của ngũ tinh, các điềm báo của nhật-nguyệt, sao lạ và điềm báo, phép xem khí mây, dự đoán mùa màng và tổng luận.
Phong thiện thư viết về các việc cúng tế nói chung, do phong thiện là lễ tế quan trọng nhất mà hầu như các bậc Thiên tử đều mong muốn cử hành nên được dùng làm tên gọi cho cả thiên.
Thiên này dành phần mở đầu lược thuật về lễ phong thiện, sau đó bắt đầu trình bày về các lễ tế trời đất, sông núi, quỷ thần xuyên suốt từ thời vua Thuấn cho mãi tới thời Hán Vũ Đế.
Hà cừ thư viết về sông ngòi (hà) và kênh mương (cừ). Sông ngòi ở đây gắn liền với lũ lụt, kênh mương thì gắn với việc tưới tiêu và vận chuyển theo đường thủy, đây đều là những yếu tố hết sức quan trọng đối với một nền văn minh lấy nông nghiệp làm gốc.
Phần đầu thiên, tác giả kể về những việc trị thủy và đào kênh thời cổ, đó đều là những công trình to lớn và thành công, giúp chấm dứt lũ lụt, đất đai thì trở nên màu mỡ, tiếp đến thì kể đến các công trình vào thời Hán Vũ Đế, có khi thành công, có khi thất bại, nguồn cơn mọi việc đều được mô tả rõ ràng, dẫu ngắn gọn nhưng xác đáng, giúp đời sau rút ra được những kinh nghiệm quý báu.
Bình chuẩn thư viết về tình hình kinh tế của nhà Hán và các chính sách kinh tế được ban hành trong thời kỳ này.
Hai chữ “bình chuẩn” ở đây mang ý nghĩa là bình ổn và đồng đều, đó vừa là tên gọi của một quan thự do Hán Vũ Đế lập ra, vừa là tên của một trong những chính sách kinh tế quan trọng nhất vào thời bấy giờ.
Giúp độc giả Việt Nam hiểu rõ hơn về Tư Mã Thiên
Xét tổng thể, trong năm phần của "Sử ký," Bát thư dù ngắn nhất nhưng lại là phần phức tạp nhất, vì lẽ phạm vi bao hàm của nó rộng và trải khắp nhiều lĩnh vực, từ thiên văn, địa lý cho tới những vấn đề cốt yếu nhất trong đời sống của con người. Độc giả có thể nhận thấy với hầu hết nội dung trong sách, tác giả đã viết bằng cái nhìn của một nhà khoa học thực chứng đầy tận tụy.
Với lễ nhạc, tác giả đã xem xét tường tận các tài liệu ghi chép xưa nay, lại đi khắp các vùng miền mà quan sát phong tục, giáo hóa đương thời. Với luật lịch, tác giả làm các phép tính lớn tới hàng chục, hàng trăm nghìn mà vẫn chính xác một cách đáng kinh ngạc, đồng thời cẩn thận đối chứng với thực tế.
Với thiên văn, tác giả đọc các tài liệu cũ, cẩn thận quan sát bầu trời, từ đó đưa hầu hết các ngôi sao nổi bật vào một hệ thống lớn và liên kết với các hình tượng sinh động, lại mô tả được tương đối chính xác quy luật vận hành của một số thiên thể.
Với việc cúng tế, Tư Mã Thiên đã đi theo Hán Vũ Đế tham gia rất nhiều cuộc tế bái, luôn tường tận quan sát từng chi tiết dù là rất nhỏ, sau đó mới kết hợp với ghi chép trong sử sách mà liệt kể gốc ngọn rõ ràng.
Với sông ngòi, tác giả hầu như đã đi khắp đại giang nam bắc để ngắm những con sông, thấy được cái lợi và cái hại mà dòng nước mang đến, còn từng tự mình vác gỗ vá đê, từ đó mới có được những dòng viết đầy chân thực. Với kinh tế, tác giả cũng quan sát tường tận tình hình thị trường, cuộc sống của người dân, để rồi đưa ra những nhận định thấu đáo.
Cũng như Biểu, phần Thư là một phần khó đọc, không phù hợp với việc đọc giải trí. Tuy nhiên, nếu độc giả thẩm thấu được phần Thư, ắt hẳn tất cả sẽ phải khâm phục sự uyên bác của tác giả, nể trọng cái cốt cách của tác giả và u hoài với niềm bi phẫn của tác giả.
Mấy chục năm trước, khi trích dịch "Sử ký," học giả Phan Ngọc từng viết trong Lời giới thiệu như sau: “Suốt đời Tư Mã Thiên không muốn gì hơn là có những người hiểu mình.”
Vậy nên, qua phần Thư được chuyển ngữ toàn vẹn sang tiếng Việt này, tác phẩm "Sử ký" không những được thành toàn mà nhiều độc giả Việt Nam sẽ hiểu rõ hơn về sử gia vĩ đại của hơn 2000 năm trước./.