Nộp ngân sách toàn Tập đoàn PetroVietnam vượt 16% kế hoạch
Trong 4 tháng, tổng doanh thu của PVN ước đạt 262,2 nghìn tỷ đồng vượt 21% kế hoạch; Nộp ngân sách toàn tập đoàn (không bao gồm nhà máy Nghi Sơn-NSRP) ước đạt 36,6 nghìn tỷ đồng, vượt 16% kế hoạch.
Trong tháng 4/2023, mặc dù chịu tác động lớn do giá các sản phẩm dầu khí đều suy giảm mạnh, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) tiếp tục duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, đạt kết quả tích cực hơn so với tháng 3, qua đó hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản lượng và tài chính trong 4 tháng đầu năm 2023.
Thông tin trên được Tổng Giám đốc PetroVietnam Lê Mạnh Hùng cho biết trong cuộc họp giao ban điều hành sản xuất-kinh doanh thường kỳ tháng 5/2023 do tập đoàn tổ chức ngày 8/5.
Sản xuất xăng dầu vượt 13%
Theo đại diện PetroVietnam, trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm, bức tranh kinh tế vĩ mô thế giới cho thấy có nhiều khó khăn, thách thức: lạm phát tiếp tục ở mức cao, tăng trưởng giảm, gia tăng nguy cơ suy thoái hệ thống tài chính, cầu tiêu dùng sụt giảm…
Giá dầu thô xuất bán của Petrovietnam trung bình trong tháng 4 giảm hơn 17,1 USD/thùng so với cùng kỳ, tương đương mức giảm gần 16%; giá khí đốt tự nhiên trên thị trường tiếp tục duy trì mức thấp trong bối cảnh dư cung và nhu cầu yếu; Còn trong nước, kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng các chỉ số kinh tế vĩ mô đều thấp so với cùng kỳ...
[PVN bám sát mục tiêu quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh]
Trong bối cảnh đó, tập đoàn đã quyết liệt triển khai các giải pháp để giảm thiểu thiệt hại từ các yếu tố bất lợi, đặc biệt là yếu tố giá, tận dụng các cơ hội để gia tăng doanh thu, lợi nhuận. Nhờ đó, tháng 4 hoạt động sản xuất-kinh doanh của PetroVietnam tương đối ổn định, khả quan hơn so với tháng 3.
Cụ thể, về sản lượng, khai thác dầu, khai thác khí trong tháng 4 tiếp tục đạt kết quả tích cực hơn so với những tháng đầu năm 2023. Trong đó, khai thác dầu thô trong nước đạt tương đương với mức thực hiện cùng kỳ 2022; khai thác dầu ở nước ngoài đạt tiệm cận mức thực hiện cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tiếp tục duy trì công suất cao (đạt từ 106-114% công suất thiết kế) góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng, ổn định thị trường xăng dầu của cả nước.
Tính chung 4 tháng, tất cả các chỉ tiêu sản xuất chính của tập đoàn đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Đơn cử, khai thác dầu thô vượt 15,3%; khai thác khí vượt 20,3%; sản xuất đạm vượt 12,8%; sản xuất xăng dầu vượt 13%; sản xuất điện vượt 4,6% so với kế hoạch 4 tháng.
Gia tăng hiệu quả sản xuất-kinh doanh
Cũng theo đại diện PetroVietnam, các chỉ tiêu tài chính của PetroVietnam trong 4 tháng vừa qua cũng vượt cao so với kế hoạch và tích cực hơn so với đà suy giảm của giá dầu. Trong đó, tổng doanh thu toàn tập đoàn ước đạt 262,2 nghìn tỷ đồng vượt 21% kế hoạch; nộp ngân sách toàn tập đoàn (không bao gồm nhà máy Nghi Sơn-NSRP) ước đạt 36,6 nghìn tỷ đồng, vượt 16% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 18,2 nghìn tỷ đồng, vượt 77% kế hoạch, bằng 52% kế hoạch năm 2023.
Đặc biệt, ngày 27/4 vừa qua, tập đoàn đã tổ chức Lễ khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Sau khi hoàn thành đưa vào vận hành, hàng năm Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 sẽ cung cấp khoảng 7-7,2 tỷ kWh lên lưới điện quốc gia; đưa tổng công suất các nhà máy điện đã vận hành của toàn tập đoàn đạt 6.605 MW, chiếm khoảng 8,5% tổng công suất lắp đặt của cả nước.
Một trong những điểm sáng trong 4 tháng đầu năm của PetroVietnam là các đơn vị trong lĩnh vực dịch vụ của Tập đoàn có hoạt động sản xuất-kinh doanh tăng trưởng ổn định và dự báo tiếp tục duy trì kết quả khả quan trong những tháng tiếp theo của năm 2023.
Ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Hội đồng thành viên PetroVietnam đề nghị các đơn vị tiếp tục đảm bảo các điều kiện, giải pháp để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ duy trì sản lượng khai thác; Đảm bảo an toàn, ổn định, khả dụng cao của các nhà máy điện, tận dụng cơ hội thị trường khi nguồn cung ứng điện đang rất căng thẳng để gia tăng hiệu quả sản xuất-kinh doanh.
Đồng thời, cung cấp điện tối đa phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; Tập trung thúc đẩy công tác đầu tư xây dựng, giải quyết các thủ tục đầu tư, đặc biệt chú trọng các dự án trọng điểm như Chuỗi dự án khí Lô B, Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4…
Để tập trung cho các tháng tiếp theo, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc PetroVietnam đề nghị các đơn vị tập trung một số giải pháp chung như: Thúc đẩy hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan (Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 124/2017/NĐ-CP về đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực Dầu khí, Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí).
Cùng với đó, lãnh đạo PetroVietnam lưu ý khắc phục tình trạng suy giảm sản lượng ở các lĩnh vực sản xuất; Khắc phục suy giảm doanh thu ở các đơn vị, lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu toàn tập đoàn; Thúc đẩy đánh giá nguồn lực dịch vụ, xây dựng sản phẩm, dịch vụ chủ lực; Tiếp tục đẩy mạnh công tác quản trị danh mục/dự án đầu tư, chương trình nghiên cứu khoa học dài hạn, xây dựng cơ sở dữ liệu, chuyển đổi số… cố gắng nỗ lực trong các tháng còn lại để hoàn thành mục tiêu quản trị đề ra của tập đoàn./.