Phát triển thương mại điện tử bền vững tại Việt Nam
Thương mại điện tử đang hướng đến việc đầu tư có chọn lọc và tối ưu chi phí để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trước những diễn biến phức tạp của nền kinh tế.
Trong giai đoạn đầu thâm nhập thị trường, thương mại điện tử dành phần lớn việc đầu tư nguồn lực lớn cho cơ sở hạ tầng, công nghệ và các giải pháp thu hút, chuyển đổi hành vi của nhà bán hàng, người tiêu dùng để cạnh tranh với thương mại truyền thống.
Tuy nhiên, ở bối cảnh hiện tại, thương mại điện tử đang hướng đến việc đầu tư có chọn lọc và tối ưu chi phí để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trước những diễn biến phức tạp của nền kinh tế.
Việc nhận thức rõ các xu thế có thể giúp các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam giải được bài toán tăng trưởng nóng hay đầu tư dài hạn phát triển bền vững.
Các xu hướng phát triển
Báo cáo "Thương mại điện tử phát triển bền vững: Động lực thúc đẩy nền kinh tế số - 2023" do VCCI kết hợp cùng Lazada và nhóm chuyên gia ngành công bố gần đây cho thấy, phát triển bền vững là xu hướng phát triển bắt buộc đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử để thích nghi và tăng khả năng nắm bắt cơ hội trước những biến động bên ngoài.
Theo báo cáo, xu hướng phát triển bền vững của thương mại điện tử giai đoạn 2023- 2025 thể hiện rõ ở 6 khía cạnh. Về đầu tư, thương mại điện tử bền vững sẽ tiếp tục hướng đến các đầu tư dài hạn về cơ sở hạ tầng, công nghệ, logistics, con người.
Về kinh doanh, thương mại điện tử bền vững tạo ra nhiều giá trị hơn cho các bên thông qua việc xây dựng cộng đồng với các giá trị được cộng hưởng từ đối tác, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Về công nghệ, thương mại điện tử bền vững ưu tiên đầu tư cho các công nghệ hỗ trợ độ mở của sàn; sử dụng API (giao diện lập trình ứng dụng) ở mọi điểm tiếp xúc, kết nối và tận dụng triệt để nhiều dịch vụ của đối tác trên nền tảng thương mại điện tử.
Về trải nghiệm khách hàng, thương mại điện tử bền vững kết nối các hành vi mua sắm riêng lẻ của người tiêu dùng, hướng đến xu hướng mua sắm toàn diện và lâu dài. Về thanh toán, thương mại điện tử bền vững sẽ ngày càng mở rộng kết nối với đa dạng đối tác tài chính và chuyển sang hướng “buy now pay later” (mua trước trả sau), vừa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, vừa giúp doanh nghiệp bán lẻ tăng tỷ lệ chuyển đổi bán hàng và quy mô đơn đặt hàng trung bình trên nền tảng thương mại điện tử.
[Nâng cao hiệu quả chống hàng giả trên thương mại điện tử]
Về xã hội, thương mại điện tử bền vững góp phần thực hiện chủ trương phổ cập thương mại điện tử đến các địa phương trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử Quốc gia giai đoạn 2021-2025; giúp thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương thông qua việc giảm vai trò của trung gian (thương lái, chợ đầu mối, đối tác vận chuyển,…), mang lại lợi ích nhiều hơn, thúc đẩy nông dân tập trung đầu tư hơn cho chất lượng sản phẩm.
Theo nghiên cứu của Nielsen, tính đến năm 2025, thế hệ Z sẽ chiếm khoảng 25% lực lượng lao động quốc gia, tương đương với khoảng 15 triệu người tiêu dùng tiềm năng. Đây là nhóm đại diện cho thành phần quan trọng nhất của nền kinh tế kỹ thuật số, là người tiêu dùng “sáng tạo,” “kết nối,” “đầy đủ thông tin,” am hiểu kỹ thuật số và sẵn sàng chi trả cao cho trải nghiệm.
Hơn 70% số người được khảo sát trả lời rằng họ có sức ảnh hưởng nhất định đến các quyết định mua sắm của gia đình. 45% thừa nhận không thể sống thiếu điện thoại thông minh nhưng vẫn rất chú trọng đến trải nghiệm thật. 40% luôn sẵn lòng cho các trải nghiệm thú vị mặc dù có thương hiệu quen thuộc thường hay sử dụng.
Theo báo cáo hành trình mua sắm của Lazada năm 2022, 57% người tiêu dùng Đông Nam Á có thói quen tìm kiếm sản phẩm trực tiếp trên công cụ tìm kiếm của sàn thương mại điện tử. 94% người tiêu dùng mua các sản phẩm họ tìm thấy từ chức năng tìm kiếm. Và 71% người mua hàng đã mua sản phẩm nhờ chức năng “gợi ý” sản phẩm phù hợp của Lazada.
Còn theo báo cáo SYNC Đông Nam Á 2022, 53% số người mua sắm trực tuyến tại Việt Nam cho biết sử dụng nhiều nền tảng trực tuyến hơn trước để tìm kiếm các sản phẩm có giá trị tốt hơn.
Do đó, các doanh nghiệp thương mại điện tử cần tương tác sâu sắc hơn và chú trọng đến những giá trị mà thế hệ Z đang tìm kiếm.
Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng xanh, giảm thiểu và tái chế vật liệu đóng gói, cung cấp các lựa chọn thay thế cho nhựa; tối ưu hóa chuỗi cung ứng chặng cuối, tính thuế carbon để bù đắp phí tổn xã hội của việc phát thải carbon; khắc phục sự cố môi trường; đưa ra các giải pháp phúc lợi xã hội cho cả người lao động cũng như đối tác của người lao động cũng đang nổi lên là xu hướng chính hiện nay.
Theo Kantar, 57% người Việt Nam đã ngừng mua một số sản phẩm hoặc dịch vụ vì tác động của chúng đối với môi trường hoặc xã hội. Người tiêu dùng đang thu hẹp khoảng cách “nói là làm” bằng cách chi tiêu nhiều hơn cho các thương hiệu có ý thức về môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
Cùng với tốc độ phát triển ấn tượng của ngành thương mại điện tử, xu hướng phát triển hệ sinh thái thương mại điện tử bền vững và đầu tư vào logistics được nhận định là một trong những xu hướng trọng yếu trong những năm tới.
Theo Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), tuy chỉ trong giai đoạn đầu phát triển, hệ sinh thái thương mại điện tử của Việt Nam đã cho phép mở rộng các lĩnh vực then chốt như chuỗi cung ứng và thanh toán kỹ thuật số.
Bên cạnh đó, chi phí logistics được dự báo sẽ có cải thiện đáng kể khi sự xâm nhập và đầu tư từ các sàn thương mại điện tử trở nên mạnh mẽ hơn.
Đồng bộ các giải pháp
Để có thể phát triển bền vững trước những tác động tiêu cực của thị trường, theo giới chuyên gia, các doanh nghiệp thương mại điện tử phải thực sự chú trọng xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh bền vững.
Cụ thể, coi trọng 4 yếu tố chính cấu thành nên sự phát triển bền vững gồm mô hình kinh doanh bền vững; gia tăng giá trị sản phẩm bền vững; phát triển hệ sinh thái thương mại điện tử bền vững và quản lý tài chính bền vững.
Song song đó, các bên liên quan cần tập trung khắc phục cho được những vấn đề còn tồn tại trên lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam. Một là, phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm của người bán về giá cả và chất lượng hàng hóa.
Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử đã quy định rõ: đối với hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu trên website, người bán phải cung cấp những thông tin để khách hàng xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ nhằm tránh sự hiểu lầm khi quyết định việc đề nghị giao kết hợp đồng.
Tiếp theo, bảo mật thông tin khách hàng. Hiện nay, an ninh mạng và bảo mật thông tin cá nhân trong các giao dịch thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn còn đang là vấn đề nan giải.
Mặc dù, Luật An ninh mạng đã được ban hành năm 2018, nhưng vấn đề bảo vệ quyền riêng tư cá nhân đối với người tiêu dùng khi tham gia vào thương mại điện tử lại chưa được đề cập nhiều. Vì vậy, trong thời gian chờ pháp luật hoàn thiện quy định về vấn đề này thì cả người tiêu dùng và doanh nghiệp thương mại điện tử cần có trách nhiệm bảo mật thông tin khách hàng.
Cùng đó, hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển thương mại điện tử. thương mại điện tử là lĩnh vực mới phát triển tại Việt Nam, là sự kết hợp giữa công nghệ và thị trường, giữa thực thể tồn tại với thực thể trong không gian số. Chính vì vậy, việc rà soát, hoàn thiện khung pháp lý đối với lĩnh vực thương mại điện tử phù hợp với thực tiễn hội nhập quốc tế là vấn đề cấp thiết.
Ngoài ra, cần hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng thanh toán trực tuyến. Việc thực hiện này đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều bên; trong đó có các bộ ngành, địa phương, ngân hàng, các trung gian thanh toán mới có thể từng bước thay đổi nhận thức và thói quen người tiêu dùng, đồng thời tạo nên một hạ tầng hoàn thiện, đồng bộ cho phát triển thương mại điện tử trong tương lai.
Năm là, hoàn thiện hạ tầng logistics. Vì logistics là một phần không thể thiếu trong sự phát triển của thương mại điện tử và chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng chi phí đơn hàng giao dịch thương mại điện tử. Hạ tầng và năng lực logistics tác động tới thành công hay thất bại của một đơn hàng, từ đó tác động tới sự thành công hay thất bại của một doanh nghiệp.
Liên quan đến tài nguyên internet (tên miền quốc gia “.vn”, địa chỉ IP) - một trong yếu tố cơ bản của hạ tầng số, là môi trường, động lực lớn cho thương mại điện tử phát triển, trong năm nay, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) - Bộ Thông tin và Truyền Thông sẽ triển khai một số chính sách mang tính đột phá như: giảm chi phí đăng ký, duy trì tên miền .vn; mở rộng thêm không gian tên miền .vn mới gồm: “.id.vn” (dành cho công dân Việt Nam), “.io.vn” (ứng dụng công nghệ), “.ai.vn” (trí tuệ nhân tạo).
Các tên miền .id.vn, .io.vn sẽ được cung cấp với mức lệ phí, phí thấp để người dùng dễ tiếp cận.
Miễn phí 2 năm đăng ký sử dụng tên miền .id.vn đối với công dân Việt Nam có tuổi đời từ 18-23 tuổi. Miễn phí 2 năm đăng ký sử dụng tên miền “.biz.vn” cho doanh nghiệp mới thành lập (trong vòng 1 năm tính đến thời điểm đăng ký tên miền) và hộ kinh doanh có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Ngoài ra, để phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật trên không gian mạng, từ đầu tháng 3 năm nay, VNNIC đã triển khai cổng tra cứu thông tin tên miền qua tổng đài 156 hoặc tra cứu trực tiếp tại website https://tracuutenmien.gov.vn, giúp người sử dụng internet nhận diện, xác thực nguồn thông tin chính thức.
Đồng thời, triển khai dự án làm sạch không gian tên miền trên môi trường mạng, rà soát phát hiện ra các tên miền có dấu hiệu vi phạm liên quan đến các lĩnh vực trong đó có thương mại điện tử; phối hợp với các đơn vị liên quan phối hợp xử lý vi phạm; tổ chức tuyên truyền các bên liên quan không tiếp tay cho đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả, tham gia tố giác tội phạm, chung tay với các lực lượng chức năng trong lĩnh vực này./.