Nợ xấu "phình" to: Ngân hàng trông chờ vào chính sách cơ cấu nợ
Chuyên gia cho rằng áp lực nợ xấu với ngành ngân hàng trong năm 2023 đang được kỳ vọng sẽ giảm bớt sau khi Thông tư số 02 ra đời. Tuy nhiên, triển vọng lợi nhuận không lạc quan bằng những năm trước.
Kết thúc quý 1/2023, lợi nhuận nhiều ngân hàng vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng dương với con số lên đến hàng nghìn tỷ đồng, nhưng kèm theo đó nợ xấu cũng đang “phình” to.
Sự phân hóa trong kết quả kinh doanh
Kết quả kinh doanh quý 1 cho thấy Vietcombank giữ vị trí quán quân về lợi nhuận với mức lãi trước thuế hợp nhất đạt hơn 11.200 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 26% kế hoạch năm 2023. ACB và SHB cũng lần lượt tăng trưởng 24% và 12% so với cùng kỳ, đạt lợi nhuận 5.120 tỷ đồng và 3.600 tỷ đồng.
TPBank đạt 1.765 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2022. Các mảng kinh doanh phi tín dụng của ngân hàng này cũng có kết quả khả quan, đơn cử như lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 36%, đạt 695 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng tới 370% lên 151 tỷ đồng, theo giải thích của TPBank thì do ngân hàng đã tận dụng tốt các cơ hội thị trường.
VIB tiếp tục thể hiện phong độ tốt trong quý 1 khi ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt xấp xỉ 2.700 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Với mức lãi này, ROE của ngân hàng ở mức 30%, tiếp tục dẫn đầu ngành ngân hàng.
[Cuộc đua tăng vốn điều lệ ngân hàng tiếp tục vào guồng quay mới]
Theo giới phân tích, VIB vẫn duy trì được đà tăng trưởng nhờ sở hữu tỷ lệ cho vay bán lẻ cao nhất thị trường với 90% đồng thời là một trong những ngân hàng có tỷ trọng trái phiếu trên tổng dư nợ ở nhóm thấp nhất ngành, chỉ chiếm 0,8% tổng dư nợ.
Bên cạnh những ngân hàng có kết quả lợi nhuận đạt tốt thì thị trường cũng đã chứng kiến không ít ngân hàng sụt giảm lợi nhuận so với cùng kỳ, trong đó có cả những ngân hàng tư nhân có tốc độ tăng trưởng cao trong các năm trước như Techcombank (-17%) và VPBank (lợi nhuận riêng lẻ giảm hơn 60% do năm 2022 ghi nhận khoản thu đột biến từ hoạt động bảo hiểm).
Các chuyên gia đánh giá các ngân hàng có tỷ trọng bán lẻ cao và chất lượng tài sản tốt vẫn sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao hơn trung bình ngành.
Chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng cho vay bán lẻ sẽ được ưu tiên trong năm 2023 và đây sẽ là lợi thế lớn đối với các ngân hàng tập trung vào phân khúc này.
“Những ngân hàng có tỷ trọng bán lẻ và tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn CASA cao sẽ có khả năng chống chọi với việc NIM bị thu hẹp. Hiện VIB và ACB là hai ngân hàng có tỷ trọng bán lẻ cao nhất trong danh sách theo dõi. VietinBank, VPBank, TPBank và MB cũng là những cái tên đáng chú ý khi đã thành công trong việc nâng tỷ trọng bán lẻ trong năm 2022,” chuyên gia VnDirect cho hay.
Nợ xấu đang phình to
Báo cáo tài chính quý 1/2023 của các nhà băng cho thấy hầu hết các ngân hàng đều tăng mạnh về nợ xấu, có những ngân hàng nợ xấu tăng 50%-70%. Trong bối cảnh nợ xấu tăng, có ngân hàng chấp nhận mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro, chấp nhận lợi nhuận tăng trưởng không như ý, song cũng có ngân hàng lại giảm mạnh dự phòng (bất chấp nợ xấu tăng).
Ngân hàng MB đang đối mặt với nợ xấu tăng mạnh. Tại thời điểm 31/3, tổng nợ xấu của MB là 8.452 tỷ đồng, tăng tới 68% so với đầu năm. Trong đó, nợ xấu nhóm 3 và nhóm 4 tăng mạnh. Tỷ lệ nợ xấu của MB tại thời điểm cuối tháng 3/2023 là 1,75%, tăng khá mạnh so với mức 1,09% cuối năm ngoái.
Tương tự, tổng nợ xấu tại Eximbank tính tới cuối quý 1 tăng 30% so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 1,8% cuối năm ngoái lên mức 2,3% cuối tháng 3/2023. Tăng trưởng lợi nhuận tại Eximbank chủ yếu nhờ dự phòng rủi ro giảm tới 42%.
Còn tại ABBank, chất lượng nợ vay đi lùi khi tổng nợ xấu tại thời điểm 31/3 ghi nhận hơn 3.198 tỷ đồng, tăng 35% so với đầu năm, trong đó nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay từ mức 2,88% đầu năm tăng lên 4,03%.
Một số ngân hàng khác cũng có nợ xấu tăng như Vietcombank, VietinBank, BIDV, VPBank, TPBank tuy nhiên những ngân hàng này đều có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao khiến quỹ lợi nhuận của các ngân hàng gần như được bảo toàn.
Điển hình tại Vietcombank, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng này đã tăng từ mức 319% hồi đầu năm lên gần 321% tại thời điểm kết thúc quý 1, tức với mỗi 100 đồng nợ xấu, ngân hàng có 321 đồng dự phòng rủi ro. Đây cũng là mức bao phủ cao nhất ngành ngân hàng hiện nay.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán SSI, các ngân hàng sẽ phải đối mặt với bài toán chất lượng tài sản trong thời gian tới, trong đó áp lực nợ xấu tăng và tăng trích lập dự phòng sẽ tương đối lớn.
Tuy nhiên, áp lực nợ xấu với ngành ngân hàng trong năm 2023 đang được kỳ vọng sẽ giảm bớt sau khi Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ chính thức được ban hành vào cuối tháng Tư vừa qua. Bởi theo Thông tư 02, các ngân hàng có quyền lựa chọn cơ cấu lại thời hạn trả nợ trong phạm vi tối đa là 12 tháng và giữ nguyên nhóm nợ trong khi các khoản dự phòng có thể được trích lập dần trong 2 năm.
Hiện tại, áp lực nợ xấu gia tăng với nhiều ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng có chi phí vốn cao, tỷ trọng cho vay bất động sản và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp lớn.
Bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng giám đốc MB đánh giá Thông tư số 02 sẽ giúp các ngân hàng chia sẻ với doanh nghiệp căn cứ vào điều kiện tài chính của ngân hàng và hồ sơ khách hàng. Tuy vậy, các ngân hàng vẫn phải phải chuẩn bị các kịch bản liên quan đến đánh giá chất lượng tín dụng, tuân thủ quy định về trích lập dự phòng để đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng.
Dù được phép cơ cấu nợ, song do yêu cầu phải trích lập dự phòng rủi ro 100% cho các khoản nợ cơ cấu trong khi nguồn lực tài chính của mỗi ngân hàng có hạn, nên nhìn chung, triển vọng lợi nhuận của toàn ngành ngân hàng năm nay vẫn không lạc quan bằng các năm trước./.