Phát triển thương mại điện tử bền vững tại Việt Nam
Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 2 bài viết: "Phát triển thương mại điện tử bền vững tại Việt Nam" phản ánh thực trạng và xu hướng đưa thương mại điện tử trở thành động tăng trưởng kinh tế.
Thương mại điện tử Việt Nam đang bước sang giai đoạn phát triển mới, tập trung cho phát triển bền vững dựa trên sự kết hợp giữa thị trường và công nghệ.
Thương mại điện tử bền vững đang dần trở thành động lực tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế số tại Việt Nam.
Việc nhận diện rõ thực trạng và xu hướng phát triển của thương mại điện tử giúp các doanh nghiệp giải được bài toán tăng trưởng nóng hay đầu tư dài hạn phát triển bền vững.
Phóng viên TTXVN đề cập nội dung này qua hai bài viết chủ đề: Phát triển thương mại điện tử bền vững
Bài 1: Tăng trưởng cao
Trong hai năm diễn ra đại dịch COVID-19, thương mại điện tử Việt Nam chứng kiến hai làn sóng tăng trưởng với số người mua sắm trực tuyến tăng nhanh cùng đông đảo doanh nghiệp và các hộ kinh doanh tích cực triển khai hoạt động chuyển đổi số.
Từ giữa năm 2022 đến nay, mặc dù nền kinh tế Việt Nam đang phải hứng chịu không ít tác động tiêu cực từ rủi ro suy thoái kinh tế thế giới, thương mại điện tử vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao. Tuy nhiên, trong đà tăng trưởng đó vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phát triển chưa bền vững.
Duy trì đà tăng trưởng cao
Theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), thương mại điện tử vẫn phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng quý I/2023 trên 22% so với cùng kỳ.
Dự báo cả năm vẫn có thể đạt trên 25% với quy mô trên 20 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng này có thể được duy trì trong giai đoạn 2023-2025.
Theo báo cáo của tổ chức Kepios (Tổ chức chuyên theo dõi người dùng trực tuyến trên thế giới), số lượng người tiêu dùng kỹ thuật số tại Việt Nam năm 2022 là 72 triệu, tăng thêm 3,4 triệu người so với năm trước, chiếm 73% tổng dân số, trong đó, 52 triệu người đang sử dụng thương mại điện tử, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Chi tiêu hằng năm cho thương mại điện tử là 12,4 tỷ USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Một nửa số giao dịch mua được thực hiện trên điện thoại di động. Danh mục hàng hóa phổ biến nhất là đồ điện tử, tiếp theo là thời trang và đồ nội thất.
Bộ Công Thương đánh giá thương mại điện tử là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Đánh giá này phù hợp với báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company. Báo cáo cho rằng, sự tăng trưởng ấn tượng của nền kinh tế số Việt Nam trong những năm vừa qua có một phần không nhỏ đến từ sự bùng nổ của lĩnh vực thương mại điện tử khi ngành này chiếm tới hơn 60% giá trị nền kinh tế số Việt Nam.
Đặc biệt, trong số 23 tỷ USD mà kinh tế số Việt Nam đạt được trong năm 2022 thì có tới 14 tỷ USD là từ thương mại điện tử, tăng 26% so với cùng kỳ. Đến năm 2025, nếu nền kinh tế số Việt Nam đạt 49 tỷ USD con số này ở lĩnh vực thương mại điện tử là 32 tỷ USD, chiếm tới hơn 65%.
[Các sàn thương mại điện tử tung khuyến mãi lớn dịp đầu năm]
Đây là tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực và Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mức độ tăng trưởng kép mạnh mẽ trong giai đoạn 2025-2030.
eMarketer đã xếp Việt Nam vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Thành tựu trên mang lại sự khích lệ to lớn đối với cộng đồng kinh doanh trực tuyến.
VECOM đánh giá nét nổi bật của thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 là hoạt động bán hàng trên các mạng xã hội vượt qua website, ứng dụng của doanh nghiệp hay sàn thương mại điện tử.
Có tới 65% doanh nghiệp đã triển khai hoạt động kinh doanh trên các mạng xã hội. Điều này phản ảnh thực tế là để duy trì được website tích hợp đầy đủ các chức năng bán hàng, thanh toán, giao hàng… là không đơn giản.
Theo Công ty cổ phần Khoa học dữ liệu Metric, tổng doanh số của 4 sàn thương mại điện tử hàng đầu cùng với Tiktok Shop lên tới 141.000 tỷ đồng (khoảng 6 tỷ USD); trong đó, dù mới hoạt động từ giữa năm 2022 nhưng Tiktok Shop đã trở thành nền tảng thương mại điện tử bán lẻ lớn thứ ba tại Việt Nam.
Bên cạnh các nền tảng thương mại điện tử bán lẻ đã xuất hiện những nền tảng công nghệ dữ liệu B2B kết nối các nhà bán lẻ truyền thống quy mô nhỏ với các nhà sản xuất hoặc bán buôn trên nền tảng tập trung.
Trong số đó, nền tảng công nghệ của Công ty trách nhiệm hữu hạn Telio Việt Nam năm 2022 đạt doanh số gần 300 triệu USD với tốc độ tăng trưởng 140% so với năm trước và có trên 40.000 khách hàng ở nhiều địa phương.
3 tháng đầu năm 2023, doanh số và khách hàng tăng trưởng 120% và 25% so với cùng kỳ. Năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023, những nền tảng hàng đầu như Sapo, Haravan hay KiotViet tiếp tục tăng trưởng nhanh. Sapo và Haravan đều đạt mức tăng trưởng lên tới 25%.
Công tác đào tạo nhân lực thương mại điện tử tại các cơ sở đào tạo, đặc biệt là các trường đại học cũng ghi nhận nhiều sự tăng trưởng rõ rệt. Theo VECOM, số trường đào tạo ngành thương mại điện tử trình độ đại học đã liên tục tăng nhanh, đến nay đã lên tới gần 40 trường.
Ngoài ra, có 53 trường đã đưa các học phần thương mại điện tử vào chương trình đào tạo của những ngành liên quan. Dự kiến đến năm 2025, sẽ có thêm 21 trường đại học tổ chức tuyển sinh và đào tạo ngành thương mại điện tử.
Yếu tố chưa bền vững còn hiện hữu
Mặc dù có tốc độ tăng trưởng cao nhưng quy mô thương mại điện tử Việt Nam còn nhỏ. VECOM ước tính năm 2022, quy mô giao dịch thương mại điện tử bán lẻ chỉ chiếm khoảng 8,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.
Xét riêng lĩnh vực bán lẻ hàng hóa năm 2022, tỷ lệ bán lẻ hàng hóa trực tuyến so với tổng mức bán lẻ hàng hóa khoảng 7,2%, cao hơn tỷ lệ tương ứng 6,7% của năm 2021.
Nhưng khi so sánh mức trung bình toàn cầu và đặc biệt là so với nước láng giềng có nhiều nét tương đồng là Trung Quốc, các tỷ lệ trên còn rất thấp. Năm 2022, tại Trung Quốc, bán lẻ hàng hóa trực tuyến chiếm 27,2% toàn bộ doanh số bán lẻ hàng hóa, gấp đôi tỷ lệ của năm 2016 và cao hơn tỷ lệ 24,5% của năm 2021.
Chỉ số thương mại điện tử những năm qua cũng cho thấy, phần lớn hoạt động thương mại điện tử diễn ra ở hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Sự chênh lệch đó được đo lường dựa trên ba chỉ số gồm hạ tầng và nguồn nhân lực; giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) và giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B).
Theo VECOM, hoạt động kinh doanh trực tuyến tại 3 thành phố trực thuộc trung ương là Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ chiếm tỷ lệ thấp và có nguy cơ suy giảm so với 2 thành phố dẫn đầu.
Năm 2022, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 22% dân số, nhưng chiếm trên 75% giao dịch thương mại điện tử của cả nước.
Điều này có nghĩa là 61 địa phương còn lại chiếm 78% dân số, nhưng chỉ đóng góp chưa tới 25% quy mô thương mại điện tử. Đáng chú ý, tỷ trọng 75% này ổn định trong cả giai đoạn 2016-2022 và chưa có dấu hiệu thay đổi trong những năm tới.
Không chỉ khác biệt lớn về tỷ lệ doanh nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử mà hiệu quả kinh doanh trên sàn của các doanh nghiệp ở 2 thành phố lớn nhất cả nước cũng cao hơn nhiều so với các địa phương.
Số liệu này không gây ngạc nhiên vì các doanh nghiệp ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vừa năng động, vừa chiếm trên một nửa tổng số doanh nghiệp cả nước.
Tỷ lệ tăng trưởng thấp của các doanh nghiệp có website cũng phần nào phản ánh tốc độ tăng trưởng thấp tương ứng của tên miền quốc gia “.vn.”
Khảo sát của VECOM năm 2022 cho thấy chỉ có khoảng 42% doanh nghiệp có website, xấp xỉ tỷ lệ của 3 năm trước đó.
Khảo sát gần 50.000 website thương mại điện tử trong quý I/2023, tỷ lệ website sử dụng tên miền “.vn,” quốc tế “.com” và tên miền khác tương ứng là 56%, 38%, 6% và tỷ lệ này ổn định từ năm 2016 tới nay.
Đáng chú ý, có một số tỉnh có tốc độ tăng trưởng âm như Ninh Thuận (-78%), Bắc Kạn (-12%).
Mặc dù ghi nhận xu hướng gia tăng đối với đầu tư cho hạ tầng thương mại điện tử tại Việt Nam, đặc biệt là đầu tư vào các hệ thống phần mềm quản lý và khai thác dữ liệu, nhưng VECOM cũng ghi nhận việc sử dụng các hệ thống quản lý chuyên sâu hơn như CRM, ERP và SCM vẫn còn khá hạn chế. Chỉ có chưa đến 30% doanh nghiệp có sử dụng và đa số sử dụng là các doanh nghiệp lớn.
Chi phí logistics còn khá cao cũng là yếu tố chưa bền vững. Theo VECOM, chi phí logistics tại các doanh nghiệp bán lẻ chiếm tỷ trọng khá lớn trong giá thành, dao động từ 10-20%. Trong khi đó, nhiều đơn vị kinh doanh thương mại điện tử hiện chỉ mới chú trọng vào phát triển các hệ thống giao nhận, kho bãi, quản lý hoạt động logistics.
Chưa có nhiều đơn vị chú trọng vào phát triển các giải pháp công nghệ xử lý nghiệp vụ sau giao hàng như đổi trả, thu hồi, gây tác động trực tiếp đến quyền lợi và trải nghiệm của người dùng.
Nguồn nhân lực chất lượng cho thương mại điện tử hiện nay vẫn đang còn khá chênh lệch và thiếu hụt so với nhu cầu. Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, tỷ lệ nhân lực kỹ thuật/tổng lao động của nền kinh tế Việt Nam đạt hơn 1%.
Tỷ lệ này tương đối thấp so với các quốc gia phát triển tại châu Á như Hàn Quốc (2,5%) và Ấn Độ (1,78%). Việc gia tăng tỷ lệ này không phải đơn giản.
Theo ước tính, để tăng tỷ lệ này lên 2%, Việt Nam cần đào tạo tối thiểu 70.000 sinh viên đại học chuyên ngành kỹ thuật mỗi năm, tăng khoảng 40% so với hiện nay. Điều này cho thấy sự thiếu hụt về số lượng nhân lực số đang là khá lớn.
Không chỉ về số lượng, chất lượng nhân lực số cũng đang được coi là một trong những thách thức lớn. Chất lượng nhân lực số hiện nay chỉ mới đáp ứng khoảng 30% so với nhu cầu của thị trường.
VECOM ghi nhận mới chỉ có 30% nhân lực trong ngành thương mại điện tử được đào tạo chính quy. 55% được đào tạo từ những ngành khác có liên quan đến thương mại điện tử. Ngoài ra, trong 3 năm gần đây, xu hướng các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân sự có chuyên môn về thương mại điện tử và công nghệ thông tin ngày càng tăng./.
Bài 2: Đồng bộ các giải pháp phát triển thương mại điện tử bền vững