Ninh Thuận: "Không có điểm kết thúc" của quá trình nâng cao thứ hạng PCI
Theo ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, quan điểm của tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc.
Năm 2024, tỉnh Ninh Thuận phấn đấu nâng PCI của tỉnh đạt từ 71,7 điểm trở lên (tăng 2,61 điểm so với năm 2023), đưa PCI của tỉnh xếp trong nhóm các tỉnh điều hành kinh tế thuộc nhóm tốt của cả nước.
Theo ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, quan điểm của tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc.
Thông tin trên được đưa ra tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023.
Ông Nam cho biết Ủy ban Nhân dân tỉnh luôn xem cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân là “những người bạn tốt” trên tinh thần cởi mở, đoàn kết, bình đẳng, minh bạch và cùng phát triển.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cũng nhấn mạnh, để cải thiện và nâng cao hơn nữa PCI, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp để tập trung triển khai thực hiện một cách có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả.
Với quan điểm xuyên suốt chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp và luôn xem sự thành công của doanh nghiệp là sự thành công của tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh tiếp tục quyết tâm cải thiện tích cực, linh hoạt môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững; chủ động nhận diện kịp thời những khó khăn, thách thức để tháo gỡ, giải quyết theo quy định với phương châm làm đúng, nhanh và hiệu quả.
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh đánh giá, để đạt được thứ hạng PCI cao đã khó, giữ được thứ hạng và cải thiện thứ hạng càng khó hơn, nhất là trong bối cảnh khó khăn chung cả nước và nhiều địa phương đã có những chuyển biến đáng kể trong cải thiện PCI.
Tới đây. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đề nghị các sở, ngành và địa phương cần tập trung phân tích làm rõ nguyên nhân giảm điểm của một chỉ số thành phần như chỉ số tính minh bạch, xếp 45/63; chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, xếp 49/63.
Đồng thời, tìm ra giải pháp cụ thể để cải thiện mạnh mẽ các chỉ số thành phần của PCI chiếm trọng số cao, có tác động lớn đến kết quả đánh giá PCI và các giải pháp phát huy các chỉ số thành phần đã đạt điểm số cao, nằm trong Top 10 như: chỉ số tính năng động của chính quyền, xếp 1/63 tỉnh, thành; chỉ số gia nhập thị trường, xếp 2/63; chỉ số tiếp cận đất đai, xếp 6/63.
Ông Nguyễn Tiến Nghị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng MK bày tỏ, các doanh nghiệp rất mong muốn lãnh đạo tỉnh nắm bắt kịp thời khó khăn của doanh nghiệp để sớm có giải pháp tháo gỡ.
Việc gì thuộc thẩm quyền cần sớm giải quyết, không nên "lòng vòng" chuyển hồ sơ lên xuống, gây phiền hà. Tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, làm tốt quy hoạch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai, thông tin giá đất, định giá đất.
Đặc biệt, tỉnh cần tập trung nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, nâng cao chất lượng xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh chuyển đổi số để phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, nhất là vấn đề thủ tục hành chính. Đồng thời, sớm triển khai hiệu quả nội dụng đã ký kết với các hiệp hội để có cơ chế truyền tải thông tin giữa chính quyền với doanh nghiệp được tốt hơn…
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam, với quyết tâm và nỗ lực của tỉnh, các sở, ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua, môi trường đầu tư của tỉnh tiếp tục được cải thiện và PCI cấp tỉnh có chuyển biến tích cực.
Bà Lê Thanh Hà, Trưởng phòng, Ban Pháp chế VCCI chia sẻ, với sự chủ động và tích cực của lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, điểm số PCI của tỉnh trong những năm gần đây có xu hướng tăng cao. 2 năm gần đây, 7/10 chỉ số thành phần đã có sự thay đổi đáng ghi nhận.
Cụ thể như thủ tục đăng ký doanh nghiệp có cải thiện hơn; cải cách hành chính tiếp tục duy trì kết quả ở mức cao; hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính ở mức cao; môi trường kinh doanh dần bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Viện trưởng Nguyễn Phương Bắc, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bắc Ninh cũng đánh giá cao sự nỗ lực của tỉnh thông qua kết quả thể hiện của PCI, kết quả của sự phát triển kinh tế trong những năm qua. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện và thực hiện một cách bài bản, sáng tạo, xu hướng phát triển xanh tiếp tục được tỉnh chú trọng phát triển…
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, tỉnh cần tập trung cải thiện ở một số lĩnh vực còn phiền hà như đất đai; thuế; phòng cháy; quản lý thị trường; môi trường.
Theo đó, tỉnh phải có giải pháp để tiếp tục giảm thiểu chi phí không chính thức cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các văn bản, chính sách.
Hội thảo đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 là hội nghị có ý nghĩa quan trọng để tỉnh Ninh Thuận rút ra những bài học kinh nghiệm, chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế; đồng thời, đề ra các giải pháp hữu hiệu để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển trong thời gian tới.
Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ tiếp đồng hành thực chất, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm được cơ hội khác biệt, phát huy tối đa tài năng, trí tuệ, năng lực, làm giàu chính đáng, xây dựng và phát triển doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, bền vững trên địa bàn tỉnh.