Tuân thủ quy định kiểm dịch động thực vật đối với doanh nghiệp xuất khẩu
Việc các thị trường thường xuyên thay đổi quy định về kiểm dịch động thực vật là thách thức mà người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu phải vượt qua để duy trì và phát triển thị trường.
Các thị trường nhập khẩu liên tục thay đổi biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) đòi hỏi doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam phải liên tục cập nhật và đáp ứng để giữ vững thị trường.
Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội nghị phổ biến các quy định SPS trong Hiệp định EVFTA và RCEP do Văn phòng SPS Việt Nam phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam, Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 2/8 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, thông tin việc Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEF),…cơ bản đã tạo ra sân chơi công bằng và rộng lớn hơn với các đối tác lớn từ Đông Bắc Á đến các nước châu Âu.
Các hiệp định thương mại tự do dở bỏ hàng rào thuế, đặc biệt nhiều thị trường đã cắt giảm thuế nhập khẩu về 0% đối với nông sản tươi và qua chế biến, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam; đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất-chế biến nông sản, thực phẩm.
Tuy nhiên, các thị trường cũng thường xuyên thay đổi quy định về kiểm dịch động thực vật nhằm bảo vệ sức khỏe con người, ngăn ngừa lây lan dịch bệnh trên động, thực vật. Đây là thách thức mà người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu phải vượt qua để duy trì và phát triển thị trường.
Theo thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, các quốc gia thành viên WTO đã đưa ra 551 thông báo và dự thảo biện pháp SPS được gửi đến Việt Nam; trong đó có 115 thông báo về thay đổi mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật hoặc kháng sinh; sau đó là sức khỏe động vật, sức khỏe thực vật, thức ăn chăn nuôi...
Ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, phân tích thông báo thay đổi và dự thảo các biện pháp SPS của EU trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng gần 20%, nhiều nhất trong các đối tác thương mại nông sản của Việt Nam. Ngược lại, một số thị trường như Trung Quốc gần như không có thông báo nào.
Tính từ năm 2000, các quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương có xu hướng tăng thông báo, từ chưa đến 250 thông báo (năm 2000) đã tăng lên hơn 1.100 thông báo (năm 2022).
Ngoài ra, các đối tác chính về thương mại xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và thực phẩm của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc là nơi có nhiều thông báo nhất, chiếm hơn 60%.
“Điều đáng lo ngại là số lượng cảnh báo từ EU tăng bất thường trong nửa đầu năm 2024. Cụ thể, Việt Nam nhận 57 cảnh báo từ EU, trong khi cùng kỳ năm 2023 là 31 cảnh báo, tăng hơn 80%. Trong số này, Thành phố Hồ Chí Minh chiếm nhiều nhất, với 23 cảnh báo. Việc EU tăng số lượng cảnh báo góp phần khiến tần suất kiểm tra biên giới của nông sản tăng. Hiện Việt Nam còn 4 mặt hàng phải chịu tần suất kiểm tra cao là thành long (30%), ớt (50%), đậu bắp (50%), sầu riêng (10%).
“Xu hướng này có thể tăng tiếp nếu chúng ta không có giải pháp kịp thời,” ông Nam chia sẻ.
Phân tích nguyên nhân về sự tăng bất thương số lượng cảnh báo, ông Ngô Xuân Nam cho rằng có cả lý do chủ quan lẫn khách quan. Về phía chủ quan, doanh nghiệp xuất khẩu chưa thực sự tuân thủ các quy định của nhà nhập khẩu vì mức MRL (giới hạn dư lượng tối đa) đối với mỗi hoạt chất của mỗi nước là khác nhau. Việc này đòi hỏi phải có sự nghiên cứu chuyên sâu và am hiểu khoa học, kỹ thuật.
Ngoài ra, theo thói quen từ trước, người sản xuất ở một số nơi còn chưa có biện pháp, kế hoạch sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh, phân bón đúng hướng dẫn. Trách nhiệm kiểm tra, giám sát cũng là một lý do khiến số lượng cảnh báo tăng.
Lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam cho rằng, tỷ lệ giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói chưa đạt. Ví dụ sầu riêng chỉ giám sát 52% vùng trồng và 47% cơ sở đóng gói. Pháp luật Việt Nam cũng chưa có quy định và chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm.
“Để khắc phục tình trạng hàng hóa, nông sản bị cảnh báo, tăng tần suất kiểm tra, thậm chí trả/tiêu hủy khi xuất khẩu, không cách nào khác phải tăng cường liên kết theo hướng đồng quản lý an toàn thực phẩm, chất lượng, góp phần giúp chuẩn hóa ngay từ nguyên liệu đầu vào. Chỉ khi nào từng khâu làm tròn trách nhiệm của mình, nền nông nghiệp Việt Nam mới thoát cảnh e dè trước những thay đổi của thị trường nhập khẩu,” ông Ngô Xuân Nam nhấn mạnh.
Ông Lương Ngọc Quang, Phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông, Cục Bảo vệ Thực vật, cho biết các biện pháp kiểm dịch được quốc gia đưa ra nhằm ngăn chặn các loại sinh vật gây hại nguy hiểm hoặc nguy về an toàn thực phẩm, đồng thời tránh rủi ro tại cảng ở quốc gia nhập khẩu, thúc đẩy tốc độ thông quan.
Mỗi quốc gia có quy định riêng về tiêu chuẩn an toàn và kiểm dịch thực vật. Việc tuân thủ giúp hàng hóa xuất khẩu được chấp nhận tại nước nhập khẩu, phòng tránh việc bị cảnh báo, hoặc hạn chế nhập khẩu.
“Với lĩnh vực bảo vệ thực vật, việc tuân thủ mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói là quan trọng nhất. Trung Quốc, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong RCEP, yêu cầu phải đàm phán mở cửa đối với từng loại sản phẩm và ký kết nghị định thư. Doanh nghiệp xuất khẩu phải thực hiện đăng ký theo Lệnh 248, 249, đồng thời khai báo mã vùng trồng và cơ sở đóng gói. Trong khi EU đặc biệt quan tâm đến mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Nếu một thuốc bảo vệ thực vật chưa được EU thiết lập MRL và không có trong cơ sở dữ liệu thì sẽ được áp dụng mức mặc định là 0,01 mg/kg,” ông Lương Ngọc Quang lưu ý.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, cho biết ngành hàng hồ tiêu nói riêng và gia vị nói chung còn tồn tại một số hạn chế trong kiểm soát các vấn đề SPS, xuất phát từ sản xuất nhỏ lẻ, nông dân, doanh nghiệp chưa nắm bắt đầy đủ các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu. Đáng chú ý nhất là các cảnh báo từ thị trường EU liên quan đến 3 chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vi sinh vật, kim loại nặng.
Do đó, hiệp hội khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu cần thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về SPS trên các trang thông tin chính thức của Văn phòng SPS, tham khảo các trường hợp tương tự để tránh vi phạm.
Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, cần có sự phối hợp đồng bộ hơn giữa đơn vị đầu mối (Văn phòng SPS, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường) doanh nghiệp, hiệp hội để xử lý hiệu quả các vấn đề như lô hàng bị cảnh báo, vướng mắc trong thực thi liên quan đến SPS./.