Nhà bán hàng cần kiểm soát rủi ro về thuế khi kinh doanh thương mại điện tử
Các trường hợp kinh doanh thương mại điện tử với số tiền lớn mà không kê khai thuế, ngoài xử lý truy thu và phạt tiền, có thể sẽ bị truy cứu hình sự theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, nhiều hộ và cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vẫn đang gặp phải những khó khăn trong kê khai và nộp thuế, dẫn đến tình trạng nợ đọng thuế. Trước thực tế đó, Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) đã phối hợp với Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) và Công ty MISA (MISA) tổ chức Tọa đàm “Kiểm soát rủi ro về thuế khi kinh doanh thương mại điện tử.”
Tọa đàm nhằm mục đích hỗ trợ các đơn vị và cá nhân nắm vững kiến thức, kinh nghiệm để thực hiện nghĩa vụ thuế theo đúng quy định.
Tự giác kê khai, tránh bị phạt thuế
Phát biểu tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế cho biết cùng với sự phát triển của nền kinh tế số, hoạt động thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt có những phiên livestream bán hàng đạt doanh thu kỷ lục 100-150 tỷ đồng mỗi phiên. Đây là cơ hội lớn cho các nhãn hàng gia tăng doanh thu và thúc đẩy kinh tế chung của toàn xã hội.
Cùng với sự phát triển này, các quy định mới về thể chế cùng với những nỗ lực của Cơ quan Thuế trong thời gian qua đã giúp công tác quản lý thu thuế đối hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có những chuyển biến đáng kể. Nhờ đó, doanh thu quản lý năm 2022 là 3,1 triệu tỷ đồng với số thuế thu là 83.000 tỷ đồng. Năm 2023, doanh thu quản lý là 3,5 triệu tỷ đồng và số thuế thu 97 000 tỷ đồng. Thêm vào đó, trong 3 năm (2021, 2022, 2023), ngành thuế đã xử lý vi phạm 22.159 trường hợp đồng thời truy thu thuế tăng thêm gần 3.000 tỷ đồng.
Từ thực tế trên, bà Nguyễn Thị Cúc nhấn mạnh các cá nhân cần nắm chắc chế độ chính sách thuế đối với hoạt động kinh doanh của mình, trong đó gần đây nhất là Công điện số 01/CĐ-TCT ngày 4/6/2024 về quyết liệt triển khai hiệu quả việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Bà Cúc khuyến nghị các trường hợp đã kinh doanh thương mại điện tử ở thời gian trước mà chưa nộp thuế, nếu Cơ quan Thuế chưa phát hiện truy thu thì nên tự giác liên hệ với Chi cục Thuế nơi mình cư trú để nộp thuế và tự tính tiền chậm nộp 0,03% trên số tiền thuế phải nộp và số ngày chậm nộp.
“Nếu Cơ quan Thuế phát hiện các trường hợp không kê khai thuế, số tiền thuế lớn thì ngoài xử lý hành vi vi phạm, truy thu, phạt tiền thuế (vi phạm nghiêm trọng) sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trước pháp luật,” bà Cúc cho biết.
Bên cạnh đó, bà Cúc tư vấn các trường hợp đang kinh doanh, bán hàng online mà chưa nộp thuế, hãy lựa chọn đăng ký kinh doanh để nộp thuế theo mức 7% trên hoa hồng được hưởng (livestream) thay vì nộp thuế thu nhập cá nhân theo mức thuế suất cao. Ngoài ra, các cá nhân mua hàng rồi bán trực tiếp nên đăng ký nộp thuế 1,5% (1% thuế giá trị gia tăng và 0,5% thuế thu nhập cá nhân). Đặc biệt, các cá nhân, tổ chức cần ý thức trách nhiệm về chất lượng hàng hóa và nguồn gốc xuất xứ nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Tăng cường ứng dụng công nghệ
Cũng tại tọa đàm, đại diện TikTok Việt Nam, ông Nguyễn Lâm Thanh - Tổng Giám đốc TikTok Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam đã chia sẻ về mô hình kinh doanh tiếp thị liên kết hiện đang rất phổ biến trên tính năng thương mại điện tử TikTok Shop. Trên cơ sở đó, ông Thanh cho biết TikTok đã đăng ký kê khai, nộp thuế nhà thầu đối với nhà cung cấp nước ngoài kinh doanh trên nền tảng số. Bên cạnh đó, các nhà bán hàng phải có trách nhiệm thay mặt và lấy mã số thuế của nhà sáng tạo để kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân cho cơ quan thuế. Riêng nhà bán hàng cá nhân sẽ tự liên hệ Cơ quan Thuế hoặc trao đổi với đơn vị tư vấn thuế chuyên nghiệp để được hướng dẫn thêm.
“Theo quy định, TikTokShop không có quyền và trách nhiệm khấu trừ thuế từ nhà bán hàng, do vậy sẽ không thực hiện kê khai và nộp thuế thay nhà bán hàng. Song tùy từng trường hợp cụ thể, TikTokShop sẽ làm việc với Cơ quan Thuế khi có yêu cầu dựa trên quy định hiện hành,” ông Nguyễn Lâm Thanh nói.
Dựa trên quá trình tìm hiểu và nắm bắt khó khăn của hộ, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử trong vấn đề thực hiện nghĩa vụ thuế, bà Bùi Thị Trang, Giám đốc Khối Nền tảng Kế toán dịch vụ, Công ty MISA, cho biết công ty đã phát triển bộ giải pháp toàn diện kết nối trực tiếp với các sàn thương mại điện tử, theo đó thực hiện đồng bộ dữ liệu vào phần mềm bán hàng để quản lý hàng hóa, tồn kho và doanh thu từ các kênh đồng thời tích hợp với hóa đơn điện tử, chữ ký số và phần mềm kế toán của MISA. Trên cơ sở đó, hệ thống sẽ tự động xuất hóa đơn và truyền dữ liệu lên Cơ quan thuế và thực hiện các nghĩa vụ kê khai, báo cáo thuế nhanh chóng, chính xác,” bà Trang nói.
Đối với hộ kinh doanh chưa có bộ máy kế toán và cá nhân gặp khó khăn trong kê khai và nộp thuế, MISA phát triển Nền tảng kế toán dịch vụ MISA ASP giúp kết nối với đại lý thuế và dịch vụ kế toán để tư vấn thuế theo từng trường hợp, giúp kiểm soát rủi ro và làm chủ dữ liệu xuyên suốt ngay cả khi thuê dịch vụ kế toán.
Về phía cơ quan quản lý, ngành Thuế đã có nền tảng dữ liệu và công cụ xác định được doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử về tuân thủ và chấp hành quy định pháp luật thuế về đăng ký, kê khai, nộp thuế và cung cấp thông tin cho cơ quan thuế.
Mặt khác, Tổng cục Thuế đã hệ thống lại các tài liệu hướng dẫn về việc đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế tại Trang thông tin điện tử Tổng cục Thuế nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế theo đúng quy định.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hay ý kiến, người nộp thuế liên hệ trực tiếp tới Cơ quan Thuế quản lý trực tiếp để được hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc kịp thời, hoặc gửi về địa chỉ email của cơ quan thuế theo danh sách đăng tải trên Trang thông tin điện tử Tổng cục Thuế./.