Nhật Bản, Australia hoãn hội đàm 2+2 do căng thẳng ở Trung Đông
Do phải triển khai các nỗ lực nhằm bảo đảm an toàn cho công dân của mình ở Trung Đông nên Australia và Nhật Bản đã quyết định hoãn cuộc hội đàm song phương theo thể thức 2+2.
Ngày 16/10, các nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết nước này và Australia đã quyết định hoãn cuộc hội đàm song phương theo thể thức 2+2 giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hai nước dự kiến vào cuối tuần này, trong bối cảnh xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas leo thang.
Hãng Kyodo dẫn nguồn tin trên cho biết chính phủ hai nước đã dự kiến tiến hành cuộc hội đàm 2+2 tại Tokyo vào ngày 20/10 nhằm đẩy mạnh quan hệ an ninh song phương.
Tuy nhiên, phía Australia đã thông báo với Nhật Bản rằng hiện họ cần ưu tiên bảo vệ công dân và xem xét các biện pháp ứng phó với tình hình ở Trung Đông.
[Nhật Bản triển khai chiến đấu cơ F-35 tới Australia tham gia tập trận]
Kể từ khi xung đột giữa Lực lượng Hamas và Israel bùng phát ngày 7/10 vừa qua, nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản và Australia, đang tích cực triển khai các nỗ lực nhằm bảo đảm an toàn cho công dân của mình ở khu vực đó, trong đó có việc sơ tán công dân.
Lần gần đây nhất Nhật Bản và Australia tiến hành hội đàm 2+2 là vào tháng 12 năm ngoái tại Tokyo.
Trong tuyên bố chung sau hội đàm, hai bên cam kết sẽ mở rộng các cuộc tập trận chung với quân đội Mỹ nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng ba bên.
Trong Chiến lược Quốc phòng được Chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida sửa đổi và công bố hồi tháng 12 năm ngoái, Nhật Bản xác định Australia là đối tác an ninh quan trọng thứ 2 của nước này sau Mỹ, theo đó cam kết "xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ" với Canberra.
Quan hệ quốc phòng giữa hai nước càng được tăng cường thông qua Thỏa thuận Tiếp cận Đối ứng Nhật Bản-Australia (RAA) có hiệu lực từ ngày 13/8 vừa qua.
Được ký kết hồi tháng 1/2022, thỏa thuận này cung cấp khuôn khổ pháp lý cho quan hệ hợp tác quốc phòng lớn hơn giữa Lực lượng Phòng vệ Australia (ADF) và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF).
Đây là thỏa thuận lực lượng thăm viếng đầu tiên mà Nhật Bản đạt được với một quốc gia khác ngoài Mỹ./.