ASEAN+ diễn tập hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa thiên tai

Đại diện quân đội các nước ASEAN và các đối tác diễn tập chiến dịch hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ quy mô lớn với giả định một trận động đất có độ lớn 8,8 kéo theo sóng thần cao 22m ở đảo Java.

Các đại biểu tham dự Diễn tập Hỗ trợ Nhân đạo và Cứu trợ Thảm họa ASEAN+. (Ảnh: Hữu Chiến/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 16/10, Nhóm chuyên gia Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (EWG ON HADR) đã khai mạc các cuộc diễn tập bàn tròn và diễn tập ngoài thực địa năm 2023 tại Đặc khu hành chính Yorgyakarta của Indonesia.

Diễn ra từ ngày 16-20/10, cuộc diễn tập này do Indonesia và Ấn Độ đồng chủ trì với sự tham dự của các đại biểu là đại diện Bộ Quốc phòng và chuyên gia trong lĩnh vực HADR đến từ 18 quốc gia thành viên ADMM+, đại diện Ban Thư ký ASEAN và Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thiên tai (Trung tâm AHA).

[ASEAN-Trung Quốc diễn tập hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai]

Với chủ đề "Hoạt động HADR trong đại dịch," cuộc diễn tập này diễn ra với giả định một trận động đất có độ lớn 8,8 kéo dài 20 giây ở đảo Java, kéo theo sóng thần cao 22m, gây thiệt hại nghiêm trọng trên khắp khu vực phía Nam đảo Java.

Trước tình hình đó, một chiến dịch hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa quy mô lớn thu hút các nước ASEAN và các nước đối tác.

Cuộc diễn tập bao gồm các cuộc thảo luận bàn tròn về Cơ chế Hoạt động của ASEAN trong quản lý thảm họa thiên tai thông qua Quy trình vận hành tiêu chuẩn (SOP) các thỏa thuận khu vực về điều phối hoạt động cứu trợ thiên tai và ứng phó khẩn cấp (SASOP), SOP của Nhóm các quân đội ASEAN sẵn sàng (AMRG), SOP của Trung tâm Điều phối đa quốc gia (MNCC), cũng như SOP của từng quốc gia trong việc tiếp nhận hỗ trợ nhân đạo quốc tế.

Đại diện quân đội các nước tham dự cuộc Diễn tập hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa ASEAN+. (Ảnh: Hữu Chiến/TTXVN)

Sự kiện năm nay cũng bao gồm các hoạt động diễn tập trên thực địa về thực hiện cơ chế tiếp nhận hỗ trợ quốc tế dựa trên các SOP nói trên, cũng như triển khai các giai đoạn ứng phó, phục hồi, khôi phục và tái thiết, ví dụ như tìm kiếm cứu nạn (SAR), nhóm y tế khẩn cấp (EMT) và các dịch vụ xã hội sau thảm họa.

Tại ADMM+ lần thứ nhất diễn ra vào tháng 10/2010 ở Hà Nội, các nước đã nhất trí thúc đẩy hợp tác thiết thực trên 5 lĩnh vực ưu tiên gồm hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, an ninh biển, quân y, chống khủng bố và gìn giữ hòa bình, đồng thời thành lập 5 EWG để thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác tương ứng./.

Hữu Chiến (TTXVN/Vietnam+)