Xung đột Hamas-Israel: HĐBA LHQ thảo luận các dự thảo nghị quyết
Theo các nhà ngoại giao, các cuộc thảo luận diễn ra khá khó khăn do cuộc xung đột giữa Israel và Palestine thường chứng kiến sự chia rẽ trong Hội đồng Bảo an.
Theo một số nguồn tin ngoại giao, ngày 15/10, các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thảo luận về khả năng đưa ra nghị quyết về cuộc xung đột giữa Israel và Hamas, khi có tới 2 dự thảo được đưa ra xem xét.
Một dự thảo nghị quyết do Nga đề xuất, kêu gọi các bên đạt được lệnh ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức, cần duy trì lâu dài và tuân thủ hoàn toàn trong bối cảnh xung đột giữa Hamas và Israel, bùng phát từ ngày 7/10, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người và đe dọa cuộc sống của hàng triệu người.
Dự thảo của Nga kêu gọi "không cản trở" công tác hỗ trợ nhân đạo tới Dải Gaza, đồng thời lên án mạnh mẽ các hành động bạo lực và thù địch nhằm vào dân thường.
Trong khi đó, Brazil - nước đang giữ cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cũng đã đưa ra dự thảo nghị quyết riêng rẽ.
Theo các nhà ngoại giao, các cuộc thảo luận diễn ra khá khó khăn do cuộc xung đột giữa Israel và Palestine thường chứng kiến sự chia rẽ trong Hội đồng Bảo an.
Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia cho biết trong phiên họp kín ngày 13/10, một số thành viên Hội đồng Bảo an đã bày tỏ quan điểm "tích cực" về dự thảo nghị quyết do Nga đề xuất.
[LHQ kêu gọi Israel cho phép viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza]
Sau khi tham khảo góp ý điều chỉnh dự thảo, Nga đã đề nghị Brazil tổ chức bỏ phiếu vào ngày 16/10. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cho biết chưa có cuộc bỏ phiếu nào được lên lịch.
Để được thông qua, một nghị quyết cần nhận được ít nhất 9 phiếu thuận trong Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên và không có bất kỳ nước nào trong số 5 ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an (gồm Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp và Nga) phủ quyết.
Về lý thuyết, dự thảo do Brazil soạn thảo hoặc bất kỳ dự thảo nào do các thành viên trong Hội đồng Bảo an soạn thảo sẽ được đưa ra bỏ phiếu nếu dự thảo của Nga không được thông qua.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 15/10, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Ngoại trưởng nước này Sergei Lavrov và người đồng cấp Brazil Mauro Vieira đã thảo luận tình hình xung đột Israel-Hamas hiện nay và các bước đi tiếp theo để giảm căng thẳng.
Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ hai bên nhấn mạnh nhu cầu cấp bách hiện nay là bảo vệ dân thường và ngăn chặn cuộc khủng hoảng lan sang các nước trong khu vực.
Theo quan điểm của Nga, không có giải pháp thay thế nào để giải quyết xung đột ngoại trừ việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập có thể chung sống hòa bình với Israel. Cũng theo thông báo trên, hai quan chức đã thảo luận các sự kiện sắp tới tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Phủ Tổng thống Ai Cập cho biết nước này đã đề nghị đăng cai tổ chức một cuộc họp đa phương để tìm cách giảm leo thang xung đột giữa Israel và Hamas cũng như tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Palestine.
Đề nghị trên của Cairo được đưa ra sau khi Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi chủ trì cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia trong ngày 15/10 nhằm xem xét những diễn biến hiện nay trong khu vực, đặc biệt liên quan đến căng thẳng leo thang ở Dải Gaza.
Tuyên bố của Phủ Tổng thống Ai Cập khẳng định nước này sẵn sàng thực hiện mọi nỗ lực nhằm mang lại sự bình yên cho Gaza và kích hoạt tiến trình hòa bình thực sự. Tuyên bố khẳng định không có giải pháp nào đối với vấn đề Palestine-Israel ngoại trừ giải pháp hai nhà nước.
Tuyên bố của Phủ Tổng thống Ai Cập cho biết thêm tại cuộc họp ngày 15/10, Hội đồng An ninh quốc gia Ai Cập đã nhấn mạnh an ninh quốc gia là một ranh giới đỏ và không có sự thỏa hiệp nào trong vấn đề bảo vệ an ninh quốc gia. Ai Cập sẽ tiếp tục liên lạc với các đối tác khu vực và quốc tế để giảm leo thang và chấm dứt các hành động bạo lực nhằm vào dân thường.
Trong bối cảnh Ai Cập đang gặp khó khăn trong việc vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, Cairo sẽ tăng cường liên lạc với các tổ chức cứu trợ quốc tế và khu vực để cung cấp sự hỗ trợ cần thiết.
Theo giới chức Ai Cập và Tổ chức Trăng Lưỡi liềm Đỏ, kể từ ngày 14/10, sân bay El Arish ở tỉnh Bắc Sinai của Ai Cập đã tiếp nhận các chuyến bay chở hàng viện trợ cho Dải Gaza từ Jordan, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ, Tunisia và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Ai Cập cho hay kể từ khi xung đột nổ ra giữa Israel và Hamas, nước này vẫn mở cửa khẩu biên giới Rafah để vận chuyển hàng viện trợ cho Gaza. Tuy nhiên, theo giới chức Ai Cập, các cuộc không kích của Israel tại Dải Gaza đã làm ngưng trệ hoạt động qua cửa khẩu Rafah.
Cơ quan Y tế tại Dải Gaza cho biết ít nhất 2.670 người đã thiệt mạng và 9.600 người bị thương do các cuộc không kích của Israel vào vùng lãnh thổ này kể từ ngày 7/10 vừa qua. Trong khi đó, Văn phòng Thủ tướng Israel thông báo hơn 1.400 người tại nước này đã thiệt mạng trong khi có 120 người Israel bị Hamas bắt giữ./.