Nhập khẩu dược liệu qua Cửa khẩu Chi Ma: Hai năm chỉ nhập 1 lô hàng
Qua hai năm thí điểm, Lạng Sơn đánh giá Đề án Thí điểm Nhập khẩu Dược liệu không phát huy hiệu quả bởi trong suốt thời gian trên, chỉ có duy nhất 1 lô hàng dược liệu nhập khẩu qua đây.
Thực hiện Nghị quyết số 111/NQ-CP ngày 23/9/2021 của Chính phủ về thực hiện Đề án Thí điểm Nhập khẩu Dược liệu qua Cửa khẩu song phương Chi Ma, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã tích cực chỉ đạo các đơn vị liên quan để tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, qua hai năm thí điểm, tỉnh Lạng Sơn đánh giá Đề án này không phát huy hiệu quả bởi trong suốt thời gian trên, chỉ có duy nhất 1 lô hàng dược liệu nhập khẩu qua đây.
Triển khai Nghị quyết số 111/NQ-CP, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã ban hành các văn bản, quyết định có liên quan như: Kế hoạch số 210/KH-UBND ngày 22/10/2021 về thực hiện Đề án Thí điểm Nhập khẩu Dược liệu qua Cửa khẩu song phương Chi Ma (thời gian thí điểm từ ngày 1/10/2021 đến ngày 1/10/2023); Quyết định số 2221/QĐ-UBND ngày 13/11/2021 ban hành Quy trình thí điểm nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu song phương Chi Ma; Quyết định số 2154/QĐ-UBND ngày 3/11/2021 thành lập Tổ Công tác liên ngành kiểm tra, giám sát hoạt động nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu song phương Chi Ma.
Trên cơ sở đó, tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tuyên truyền chủ trương thí điểm nhập khẩu mặt hàng dược liệu qua Cửa khẩu song phương Chi Ma đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam và Trung Quốc, nhất là doanh nghiệp đã từng xuất nhập khẩu dược liệu qua địa bàn; tích cực hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp, thương nhân quan tâm tìm hiểu về hoạt động thương mại biên giới, trong đó có nhập khẩu dược liệu qua Cặp cửa khẩu song phương Chi Ma-Ái Điểm.
Đồng thời, tỉnh tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, gặp gỡ doanh nghiệp lĩnh vực xuất nhập khẩu, trong đó lồng ghép nội dung việc tỉnh Lạng Sơn triển khai thí điểm nhập khẩu dược liệu qua Cửa khẩu song phương Chi Ma; thẩm định cấp phép cho doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện xuất nhập khẩu dược liệu tại Cửa khẩu song phương Chi Ma...
Theo Sở Công Thương Lạng Sơn, năm 2022, Sở đã cung cấp thông tin, hỗ trợ cho thương nhân, đại diện doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu về xuất nhập khẩu một số mặt hàng như cây huyết đằng, sa nhân, đậu khấu...
Năm 2023, thông qua các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, Sở Công Thương Lạng Sơn đã thông tin, hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh có nhu cầu tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm dược liệu.
Đặc biệt tại Cửa khẩu Chi Ma, tỉnh Lạng Sơn đã bố trí máy móc, thiết bị đáp ứng đầy đủ điều kiện kiểm tra chất lượng khi phát sinh nhập khẩu dược liệu; thực hiện tốt việc kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng dược liệu nhập khẩu qua cửa khẩu.
Đồng thời, lực lượng chức năng thường xuyên trao đổi, hội đàm với cơ quan chức năng phía Trung Quốc để cùng phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cặp cửa khẩu, trong đó có mặt hàng dược liệu nhập khẩu; đàm phán để mở rộng danh mục hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam qua cặp Cửa khẩu song phương Chi Ma-Ái Điểm.
Tuy nhiên, ông Đoàn Tuấn Anh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma thông tin, từ khi triển khai kĐề án đến nay, chỉ có duy nhất 1 lô hàng nhập khẩu của Công ty Cổ phần Dược liệu Việt Nam, trị giá trên 433.200 USD, trọng lượng 23,4 tấn, tiền thuế thu được gần 510 triệu đồng.
Thời gian qua, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp để kêu gọi doanh nghiệp thực hiện xuất nhập khẩu qua địa bàn; trong đó có việc nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu.
[Hoạt động giao thương tại cửa khẩu Chi Ma ngày càng nhộn nhịp]
Sau khi đến khảo sát, các thương nhân, doanh nghiệp đều không lựa chọn Chi Ma làm cửa khẩu để nhập hàng. Qua đánh giá của các lực lượng chức năng, việc triển khai Đề án đã vướng phải nhiều khó khăn liên quan đến cơ chế chính sách cũng như điều kiện hạ tầng, kho bãi của cửa khẩu.
Cụ thể, từ thời điểm bắt đầu thực hiện Đề án đến hết năm 2022, phía Trung Quốc thường xuyên áp dụng các biện pháp, chính sách kiểm soát chặt chẽ dịch COVID-19, do đó việc xuất nhập khẩu hàng hóa gặp nhiều khó khăn; trong đó có hoạt động nhập khẩu dược liệu.
Mặt khác, khu vực cửa khẩu Chi Ma hiện nay cũng chưa có kho chuyên dụng đạt chuẩn để bảo quản mặt hàng dược liệu theo quy định.
Ngoài ra, các hàng hóa dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền đặc điểm dưới dạng sơ chế, có nguồn gốc từ nông sản, lâm sản, không có bao bì, nhãn hàng hóa rõ ràng nên khó khăn trong nhận diện, phân biệt hàng hóa khi kiểm tra, kiểm soát thị trường. Khi phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ vi phạm, thời gian kiểm nghiệm đối với các mặt hàng này thường kéo dài vài ngày, làm phát sinh chi phí của doanh nghiệp.
Đồng thời, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cặp Cửa khẩu song phương Chi Ma-Ái Điểm vẫn chủ yếu theo phương thức mậu dịch cặp chợ nên hiệu suất thông quan vẫn bị hạn chế, chủng loại các mặt hàng xuất nhập khẩu chưa được mở rộng... ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động nhập khẩu dược liệu qua Cửa khẩu song phương Chi Ma.
Vì vậy, cuối tháng 9/2023, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ cùng một số đơn vị liên quan để kiến nghị xem xét cho phép dừng thực hiện Đề án Thí điểm Nhập khẩu Dược liệu qua Cửa khẩu song phương Chi Ma.
Cùng với đó, Lạng Sơn cũng kiến nghị Bộ Ngoại giao sớm trao đổi với các bộ, ngành liên quan phía Trung Quốc để sớm thống nhất chuẩn hóa thời gian làm việc của loại hình cửa khẩu song phương tại cặp Cửa khẩu song phương Chi Ma-Ái Điểm để bổ sung vào Phụ lục của Hiệp định về cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc.
Trên cơ sở nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu song phương Chi Ma, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn sẽ nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện nhập khẩu dược liệu qua Cửa khẩu song phương Chi Ma vào thời điểm thích hợp./.