Thái Bình: Hành trình hồi sinh của làng nghề dệt đũi Nam Cao
Với thế mạnh là sản phẩm được làm hoàn toàn thủ công, thân thiện thiên nhiên, làng nghề dệt đũi Nam Cao (Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) được đánh giá có tiềm năng lớn để phát triển du lịch cộng đồng.
Làng nghề dệt đũi Nam Cao (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) có tuổi đời gần nửa thế kỷ và các sản phẩm đũi của Nam Cao dày dặn nhưng sờ mát tay, mềm mịn, mặc rất thông thoáng, mát về mùa Hè, ấm về mùa Đông và rất bền.
Nghề dệt đũi Nam Cao được hình thành từ gần 400 năm trước đây. Trước kia, đũi Nam Cao nổi tiếng khắp cả nước nhờ những sản phẩm được làm thủ công với rất nhiều công đoạn. Từ khâu chọn nguyên liệu tới khi thành thành phẩm đều đòi hỏi sự công phu, cần mẫn, tỉ mỉ, trau chuốt từng chút một.
Để có được tấm vải lụa đũi, người dân phải thực hiện rất nhiều công đoạn. Họ phải trải qua những ngày vất vả, tần tảo sớm hôm để trồng dâu nuôi tằm. Rồi từ con tằm nhả tơ làm kén đến ươm tơ, lấy kén phải trải qua tám công đoạn mới ra được sợi để dệt.
Người thợ cho kén vào nồi luộc chín và ủ nồi kén trong trấu từ 4-6 giờ cho kén tơ nhừ rồi mới bỏ ra ngâm trong nước lạnh để kéo thành sợi tơ, sợi đũi.
Sợi tơ sau khi được kéo và cuốn lại thành từng vun, vắt kiệt nước, cho vào guồng quay và mang đi phơi khô rồi đưa đi đánh ống, đánh suốt và cuối cùng là mang đi dệt. Mỗi ngày, một người tần tảo từ sáng sớm cho đến đêm khuya chỉ dệt được 5-7m vải lụa đũi.
Vải đũi và khăn đũi dệt thành từng tấm dài sau đó được nấu và nhuộm màu hoặc để thô tùy loại sản phẩm. Nếu là khăn tơ, khăn đũi sẽ thêm công đoạn cắt ra thành từng khăn, xe tua.
Các sản phẩm đũi của Nam Cao chủ yếu sử dụng khung dệt thủ công. Hiện này nhờ công nghệ hiện đại hơn được lắp thêm môtơ chạy bằng điện.
Giống như những làng nghề thủ công khác, Nam Cao cũng trải qua giai đoạn đi xuống do sự thay đổi thói quen của người tiêu dùng, sự xuất hiện của trào lưu thời trang mới, sự cạnh tranh của nhiều loại vải. Tuy nhiên, với kinh nghiệm và lòng yêu nghề, nhiều nghệ nhân vẫn quyết tâm bám trụ để nghề làm đũi lụa không mai một.
Trước đây, sản phẩm vải lụa, đũi Nam Cao chủ yếu để may thành quần áo để tiêu thụ trong nước rồi được xuất khẩu. Tuy nhiên, những năm thập kỷ 90 đến khoảng năm 2010, làng nghề Nam Cao hoạt động cầm chừng do thị trường bị thu hẹp, sản phẩm không cạnh tranh được với vải vóc, quần áo may công nghiệp. Nhiều thợ dệt Nam Cao chuyển sang làm những việc khác.
[Nghề dệt lụa Vạn Phúc qua 10 thế kỷ khẳng định thương hiệu]
Sau khi Hợp tác xã Dệt đũi Nam Cao được thành lập, làng nghề lụa đũi Nam Cao đã từng bước khôi phục, đưa làng nghề từng bước trở lại thời hoàng kim. Hợp tác xã đạt doanh số trung bình 40 tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương với mức thu nhập từ 5-10 triệu đồng/người/tháng.
Với thế mạnh là sản phẩm được làm hoàn toàn thủ công, thân thiện thiên nhiên, làng nghề dệt đũi Nam Cao được đánh giá có tiềm năng lớn để phát triển du lịch cộng đồng.
Từ đầu năm đến nay, làng nghề dệt đũi Nam Cao (Kiến Xương) đã đón khoảng 10.000 du khách trong nước, quốc tế. Theo nhận định của người dân nơi đây, con số này có thể tăng gấp đôi khi khu sản xuất tập trung và tham quan trải nghiệm của Hợp tác xã dệt đũi Nam Cao được hoàn thành.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình cho biết trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ phát triển du lịch tại làng nghề. Song song với các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tích cực tổ chức các lớp tập huấn tại làng nghề giúp người dân có thể trau dồi kỹ năng tiếp đón khách du lịch, quảng bá sản phẩm của địa phương.
Hiệp hội Du lịch tỉnh sẽ hỗ trợ làng nghề trong kết nối các tour, tuyến, hình thành điểm đến về du lịch tại địa phương. Với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các ngành chức năng, sự đồng thuận của nhân dân, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, làng nghề dệt đũi Nam Cao với những thế mạnh của mình sẽ sớm trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước, quốc tế./.