Bất chấp lệnh trừng phạt, EU vẫn nhập khẩu nguyên liệu thô từ Nga
Trong giai đoạn từ tháng 3/2022 đến tháng 7/2023, EU đã nhập khẩu nguyên liệu thô trị giá hơn 13 tỷ euro từ Nga bất chấp các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moskva liên quan tới cuộc xung đột Ukraine.
Các hoạt động thương mại giữa 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Nga vẫn tiếp tục diễn ra, bất chấp các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moskva liên quan tới cuộc xung đột tại Ukraine.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, trong giai đoạn từ tháng 3/2022 đến tháng 7/2023, EU đã nhập khẩu nguyên liệu thô trị giá hơn 13 tỷ euro từ Nga.
[Nga nằm trong top 3 thế giới về khai thác nguyên liệu thô]
Trong đó phải kể đến nhà sản xuất bột đồng GGP Metalpowder của Đức đã mua đồng trị giá 66 triệu USD từ Nga, nhà sản xuất vũ khí Safran của Pháp đã nhập khẩu lượng titan trị giá 25 triệu USD và ElvalHalcor của Hy Lạp đã có hóa đơn nhập khẩu nhôm trị giá 13 triệu USD.
Trung tâm Chính sách châu Âu cho biết có tới 90% lượng niken nhập khẩu của EU đến từ các nhà cung cấp Nga.
Chuyên gia David O'Sullivan, đặc phái viên của EU về thực thi lệnh trừng phạt, cho rằng các nước thành viên tiếp tục nhập khẩu nguyên liệu của Nga vì liên minh vẫn đang phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thô của Moskva.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2/2022, EU đã áp đặt 11 vòng trừng phạt nước này nhằm giảm doanh thu và hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ của Moskva.
Dự kiến, EU có thể đưa ra các biện pháp hạn chế thương mại mới ước tính tổng trị giá khoảng 5,3 tỷ USD trong khuôn khổ gói trừng phạt thứ 12.
Năm 2021, Nga là đối tác thương mại lớn thứ 5 của EU, với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 258 tỷ euro (280 tỷ USD). Các mặt hàng chính EU nhập khẩu từ Nga là nguyên liệu thô, nhiên liệu, gỗ, sắt thép và phân bón./.