New Zealand tiến tới bắt buộc các nền tảng công nghệ số phải trả tiền tin tức
Chính phủ New Zealand cho biết sẽ thúc đẩy dự luật bắt buộc các nền tảng công nghệ số phải trả tiền khai thác thông tin cho các công ty truyền thông.
Ngày 2/7, chính phủ liên minh theo đường lối bảo thủ của New Zealand cho biết sẽ thúc đẩy dự luật bắt buộc các nền tảng công nghệ số phải trả tiền khai thác thông tin cho các công ty truyền thông.
Dự luật được đưa ra trong bối cảnh các công ty truyền thông New Zealand đang phải đấu tranh với các công ty công nghệ để đòi nguồn thu từ quảng cáo.
Theo Bộ trưởng Truyền thông Paul Goldsmith, Dự luật thương lượng tin tức kỹ thuật số công bằng do chính phủ trước đó đưa ra sẽ được trình lên Quốc hội với các sửa đổi nhằm hỗ trợ các công ty truyền thông địa phương kiếm tiền từ những tin tức mà họ sản xuất.
Ông Goldsmith cho biết những thay đổi được đề xuất sẽ cho phép Bộ trưởng Truyền thông quyết định nền tảng kỹ thuật số nào là đối tượng điều chỉnh của luật.
Theo ông Goldsmith, những thay đổi được đề xuất sẽ phù hợp hơn với luật tương tự của Australia.
Luật thương lượng kỹ thuật số tại Australia có hiệu lực vào tháng 3/2021 cho phép chính phủ có quyền buộc các công ty Internet như Meta Platforms, chủ sở hữu Facebook, và Google của Alphabet Inc, đàm phán các thỏa thuận cung cấp tin tức với các hãng truyền thông nếu các bên không đạt được thỏa thuận thanh toán.
Sau khi Canada áp dụng luật tương tự vào năm 2023, Meta đã chặn nội dung tin tức xuất hiện trên Facebook ở quốc gia Bắc Mỹ này.
Meta cũng cho biết có kế hoạch ngừng trả tiền cho các công ty truyền thông Australia và chính phủ vẫn đang cân nhắc có nên can thiệp hay không.
Meta cho rằng dự luật của New Zealand đã không tính đến thực tế hoạt động của nền tảng này, sở thích của người dùng và giá trị miễn phí mà nền tảng mang lại cho các hãng truyền thông.
Tuy nhiên, người phát ngôn của Meta cho biết nền tảng này sẽ tiếp tục công khai và minh bạch với chính phủ và các cơ quan truyền thông về quyết định kinh doanh của họ khi dự luật được thông qua.
Trong khi đó, Google chưa bình luận gì trước thông tin trên./.